“Thánh thôn” và chuyện tết Ta, tết Tây

HienMQ(TP HCM) Thứ hai, ngày 22/02/2016 10:48 AM (GMT+7)
Ðã mấy năm bàn ra tán vào mà dân vẫn chưa ngã ngũ chuyện “tết hội nhập”. Nay nhân dịp năm mới, thôn đưa vụ này ra họp bàn, gọi là lấy ý kiến toàn dân: Có nên sáp nhập tết Ta và tết Tây?
Bình luận 0

imgBác Trưởng Thôn trịnh trọng khai màn:

- Thưa toàn thể bà con. Như chúng ta đã biết, dự án “tết hội nhập” của một Giáo sư khả kính cho rằng, vì lợi ích ngàn năm, dân ta nên bỏ tết Ta để chuyển qua ăn tết Tây. Nôm na là gộp tết Ta vào tết Tây để dễ bề hội nhập. Vậy hôm nay xin mời bà con cho ý kiến về sự kiện trọng đại này!

Giáo sư Dạo giành quyền phát biểu trước:

- Tôi đồng ý. Chúng ta làm ăn với Tây, thế mà lúc họ nghỉ ăn tết Tây thì ta lại ngồi làm việc, còn lúc họ làm việc thì ta lại nghỉ ăn tết tưng bừng, rất bất tiện, không thể đối tác đối tiếc gì được. Vậy nên ta cần phải ăn tết theo lịch Tây để hội nhập, để nắm bắt cơ hội để kiếm tiền, làm giầu, hóa rồng...

Doanh Nhân Thôn vỗ tay bôm bốp mấy cái rồi tiếp lời:

- Giáo sư Dạo lý luận quá “chuận”. Lúc người Tây muốn sang ký hợp đồng mà ta lại nghỉ ở nhà ăn nhậu ì xèo, say xỉn mất tiêu rồi thì còn hợp đồng hợp sắt gì? Phải thay đổi. Kể cả các ngày lễ lớn khác cũng vậy, ta chơi trong khi họ làm là không được, mất cơ hội ngay, nên dứt khoát ta phải nghỉ theo đúng ngày lễ ngày tết của họ.

Phú Ông e hèm một cái rồi nói với vẻ mặt rất kênh kiệu:

- Các anh nói đúng, lệch múi giờ với Tây là không xong rồi. Ngày Chủ nhật bên ta nghỉ thì bên Mỹ mới là thứ 7, bên Mỹ Chủ Nhật thì bên ta đã là thứ 2. Rồi ban đêm ta ngủ thì bên Mỹ là ban ngày vẫn làm. Quá lãng phí. Tôi đề nghị ta không nghỉ Chủ nhật nữa mà nghỉ vào thứ 2, đồng thời ngày ngủ đêm làm, thế mới khớp toàn diện với người Mỹ - Nhấp hớp nước rồi Phú Ông nói tiếp - Thời buổi toàn cầu hóa, không hội nhập là toi. Chả riêng gì vụ đổi tết, mai mốt ta còn phải đổi cả ngôn ngữ, chỉ nói tiếng Anh thôi, phải giỏi tiếng Anh thì mới làm ăn với Tây được chớ. Rồi cả cái họ tên nữa, giao dịch với Tây thì không thể để cái tên cúng cơm quê mùa được, nay mai các cháu sinh ra phải đặt tên Tây hết. Ấy là chưa kể, có khi còn phải lai cả giống Tây để con cháu ta cao to, có sức khỏe làm ăn mới tốt.

Chủ xị Trưởng Thôn nói:

- Ðúng, kinh tế rất quan trọng. Dân ta nghèo vì rất nhiều nguyên nhân, trong khi các nguyên nhân quan trọng khác không thay đổi được thì ta nên gương mẫu thay đổi tết vậy. Bà con nên tập trung vào chuyên môn, chỉ bàn chuyện ăn tết Ta hay Tây thôi nhé. Xin mới ý kiến tiếp.

Gia Cát Thôn phe phẩy cái quạt mo mấy cái rồi nói:

- Ðể tận dụng triệt để, tôi xin hiến một diệu kế. Ðúng như Giáo sư Dạo nói, ăn tết kiểu ta thì lỡ cơ hội làm ăn với Tây, nhưng nếu ta chuyển sang ăn tết Tây thì lại lỡ cơ hội với bạn hàng châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... cũng rất phí. Chi bằng ta bỏ cả tết Tây và tết Ta, chuyển qua ăn... Chủ nhật.

Phía dưới bà con la ó phản đối:

- Không được, phải ăn tết, phải ăn tết chứ.

Anh Tư Xa Lộ xung phong phát biểu:

- Bà con nói đúng, phải có tết, và phải ăn tết Tây. Như các vị thấy đấy, vé tàu xe dịp tết Ta thường đắt gấp đôi dịp tết Tây, thế thì rõ ràng ăn tết Tây sẽ có lợi, đi lại đỡ tốn phải không nào? Ngoài ra còn đỡ được cả tiền mua đào, quất, vì khi đó chỉ cần mỗi cây thông trưng từ lúc Noel đến tết là xong, khỏe re.

Mẹ Ðốp nói leo rất hào hứng:

- Ðúng đấy. Tui ủng hộ bỏ tết Ta, ăn Tết Tây để đỡ tốn tiền lì xì, đỡ phải dọn nhà dọn cửa, đỡ phải làm cơm... cúng.

Chị Tám Sâu-bít tiếp lời:

- Tui thấy bây giờ dân ta ăn tết hơi bị Tây. Chẳng ai còn thiết bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành... Thay vào đó toàn thấy rượu Tây, món Tây, nghe nhạc Tây, thậm chí nhà có điều kiện thì tết lại đi du lịch Tây. Ðằng nào sớm muộn gì thì cũng Tây hóa, chi bằng chuyển sang ăn tết Tây luôn cho chủ động. Với lại dù gì ăn đồ Tây cũng an toàn hơn, chứ tình trạng thực phẩm tết bây giờ kinh quá.

Anh Mõ Làng giơ tay suốt nãy giờ mới tới lượt phát biểu:

- Tôi hoàn toàn ủng hộ gộp tết. Chứ cứ để tết Tây, tết Ta riêng thế này thì một năm phải nhắn tin chúc tết 2 lần rất mệt.

Thị Mầu Thôn làm điệu:

- Theo em thì gộp cũng được, nhưng phải nói mấy bác in lịch làm sao in kheo khéo tí, sao cho tết Tây gần sát ngày với tết Ta, để ăn tết Tây mà được hưởng luôn cái không khí tết Ta thì tuyệt.

Giáo sư Dạo hất mái tóc rũ rượi đứng lên phát biểu tiếp với vẻ thận trọng:

- Nhiều người đồng tình gộp Tết, tôi rất mừng. Nhưng tôi chợt nhận ra về mặt khoa học vẫn còn chút lăn tăn. Rằng là tết Ta thì tính theo quỹ đạo mặt trăng, tết Tây thì tính theo quỹ đạo mặt trời. Nếu ta gộp tết Ta vào tết Tây thì quỹ đạo các hành tinh này sẽ thay đổi, nhiều khả năng ảnh hưởng đến quỹ đạo trái đất. Vấn đề này, tôi sẽ nghiên cứu bằng một đề tài khác độc lập hoàn toàn, bà con cứ yên tâm.

Cụ đồ Thôn ra hiệu xin trình bày:

- Nãy giờ mọi người mới nói về “ăn tết” chứ chưa nói về “lễ tết”. Những người chỉ quan tâm đến ăn tết thì đơn giản, ăn ngày nào cũng được, miễn là cỗ to. Nhưng với người quan tâm đến lễ tết thì khác. Với họ tết truyền thống là thứ lễ nghi, là tín ngưỡng, là thiêng liêng, là tình cảm, là tiềm thức, là thứ ăn sâu vào máu thịt, là dịp sum họp của cả người dương và người âm. Bởi thế mà ngày tết với họ không chỉ là ăn nhậu, mà còn cúng kiếng, kiêng cữ, còn phải tính toán tuổi xông đất, ngày xuất hành, khai xuân... Tôi kịch liệt phản đối, vì nếu ăn tết Tây thì sẽ không còn ai xem ngày giờ, xin chữ... nữa, lúc đó tôi biết kiếm sống bằng nghề gì?

Mấy bà phía dưới nhao nhao nói vọng lên:

- Chúng tôi cũng phản đối. Ăn tết Tây thì ông Táo biết lên trời ngày nào? Cúng đầu năm vào ngày nào? Cúng theo ngày Dương, các cụ không về chứng thì có mà chết cả nút.

Anh Công Ðoàn Thôn chen lên phía trước nói rất đanh thép:

- Chúng tôi, những người lao động chân chính, dứt khoát không đồng ý gộp 2 tết làm 1. Ðể 2 tết riêng như cũ thì chúng tôi được thưởng tết 2 lần, giờ nếu gộp lại thành 1 tết thì chúng tôi chỉ được thưởng tết 1 lần hay sao? Không đời nào chúng tôi chịu.

Gia Cát Thôn giơ quạt mo ra hiệu mọi người trật tự rồi nói:

- Tôi thấy cả bên ủng hộ và bên phản đối đều rất có lý. Ðể dung hòa đôi bên cùng có lợi, tôi có diệu kế này. Chúng ta sẽ phân công ra, đàn ông sẽ ăn tết Dương lịch, còn đàn bà sẽ ăn tết Âm lịch.

Bà con ồ lên phản đối. Bác Trưởng Thôn vội đứng lên xoa dịu tình hình:

- Quả là vấn đề không đơn giản. Không thể không hội nhập, và cũng không thể bỏ được truyền thống. Ðể đảm bảo cả 2, tôi đề xuất phương án là sẽ đề nghị người Tây đổi lịch ăn tết của họ sang tết Ta để phù hợp thời khóa biểu. Nếu tiện thì đề xuất luôn họ dời lễ đón Giáng Sinh sang ngày rằm tháng Giêng cho tình cảm.

Dân làng lại ồ lên xì xào, người bảo ý kiến quá hay, vẹn cả đôi đường, người thì cho rằng phương án hơi khả nghi và bất khả thi...

Cuộc họp đang như cái chợ vỡ thì anh Chí Phèo Thôn đang nằm ngủ ở góc sân bỗng bật dậy, giọng lè nhè:

- Tôi có ý kiến. Ðể tết Tây và tết Ta riêng thì rất phiền, ta nên gộp lại thành một cái thôi cho đơn giản, hợp thời đại. Ðể công bằng, cái Tết Hội Nhập nên kéo dài suốt từ 1/1 dương lịch đến 1/1 âm lịch, thế có phải vui không nào?

Mọi người vỗ tay rào rào cho khỏi mất lòng Chí Phèo Thôn, rồi nhanh chóng ra về sửa soạn đón năm mới!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem