Tăng cường thanh tra
Chủ trương không thi cụm, chấm chéo và bỏ thanh tra ủy quyền của Bộ GDĐT trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay đã khiến không ít học sinh có tâm lý trông chờ vào sự “nới lỏng” của các hội đồng thi “sân nhà”.
|
Học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012. |
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, khi giảm thanh tra thi của Bộ thì sẽ tăng cường thanh tra thi của các sở GDĐT.
“Bộ cũng yêu cầu chú trọng phân loại các điểm thi để tăng cường lực lượng thanh tra khi cần thiết, phổ biến tới học sinh việc thanh tra, coi thi để các em không có tư tưởng trông chờ vào sự nới lỏng” – ông Hiển cho biết.
Tại nhiều địa phương, công tác chuẩn bị thanh tra thi cũng đã được gấp rút chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Sở GDĐT Hà Nội đã huy động gần 450 cán bộ thanh tra cắm chốt tại các hội đồng thi. Cứ 7 phòng thi sẽ có một thanh tra làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế thi của các thành viên trong hội đồng.
Để đảm bảo công bằng nghiêm túc, tránh biểu hiện cả hội đồng thi bắt tay cùng chấm lỏng, Bộ GDĐT yêu cầu nội bộ từng tỉnh phải tổ chức chấm chéo giữa các trường. Đối với các bài tự luận, giáo viên không được chấm bài thi của học sinh trường mình.
Ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở cho biết: “Chúng tôi đã thành lập 18 đoàn kiểm tra cơ sở vật chất, hồ sơ dự thi; 15 đoàn đưa đề thi đến các hội đồng coi thi; 18 đoàn thanh tra lưu động tới các hội đồng thi và 5 đoàn kiểm tra công tác bảo vệ đề thi và bài thi. Lực lượng này tăng nhiều so với các năm trước”.
Tương tự, Sở GDĐT Đăk Lăk cũng đã huy động 132 thanh tra cắm chốt tại 51 hội đồng thi và lập các đoàn thanh tra làm công tác kiểm tra hồ sơ, đề thi, chấm thi và đảm bảo an toàn khu vực thi. Để hạn chế tối đa tiêu cực, Sở GDĐT Đà Nẵng đã yêu cầu các hội đồng thi phải bố trí khu vực để tư trang riêng của thí sinh. Sở này cũng đã bố trí lực lượng chức năng giữ trật tự bên ngoài cổng trường, yêu cầu phụ huynh đưa đón con em đứng cách xa cổng trường từ 100m để tránh tình trạng ném bài.
Đề thi vừa sức
Vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới có cơ hội bước tới cánh cửa ĐH. Vì vậy, đề thi luôn là mối quan tâm lớn nhất của thí sinh. Cô Nguyễn Thị Hoa – giáo viên Trường THPT bán công Tiền Hải (Thái Bình) cho biết: “Kỳ thi tốt nghiệp năm nay có tới 3 môn xã hội rất khó “nhằn” đối với học sinh trường bán công. Chính vì vậy, mục tiêu các em đặt ra cho các môn này chỉ là… đủ điểm đỗ. Nếu đề thi khó hay lắt léo, học sinh trường tôi khó mà đạt được”.
Ngày 30.5, Bộ GDĐT đã công bố danh sách các loại máy tính cầm tay có thể đem vào phòng thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Đó là các máy không có chức năng soạn thảo văn bản (như tính năng ghi chép, ghi số điện thoại…); không có thẻ nhớ cắm thêm. Máy được phép là các loại máy tính cầm tay thông dụng (làm được các phép tính số học, các phép tính lượng giác và các phép tính siêu việt) như: Casio FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 500 ES, FX 500VNPlus, FX 570 MS, FX 570 ES và FX 570 ES Plus; VinaCal 500MS...
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, khi không còn thi cụm chấm chéo và thanh tra ủy quyền thì đề thi được Bộ xem như là một giải pháp để quản lý chất lượng thi cử. Vì vậy, “đề thi vẫn được ra theo hướng đảm bảo học sinh có học lực trung bình làm được bài thi ở mức đạt yêu cầu tốt nghiệp” – Thứ trưởng cho biết.
Cụ thể, đề thi vẫn có 2 phần: Bắt buộc và tự chọn. Đối với các môn toán, vật lý, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn bao gồm 2 phần: Phần chung cho tất cả thí sinh sẽ được ra theo nội dung giao thoa giữa chương trình chuẩn và nâng cao; phần riêng sẽ ra theo từng chương trình: Chuẩn và nâng cao. Tuy nhiên, thí sinh được tùy chọn một phần riêng để làm bài, không bắt buộc học theo chương trình nào phải làm đề dành riêng cho chương trình đó.
Thứ trưởng Hiển cho biết thêm, theo chủ trương của Bộ, năm nay đề thi sẽ có ít nhất 50% yêu cầu học sinh hiểu và vận dụng được kiến thức, hiểu và ghi nhớ nhiều nhất là 50%. Vì vậy, để có được kết quả tốt nhất, học sinh phải có kỹ năng làm bài.
Tùng Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.