Thanh tra HoSE: Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính gửi “tâm thư” tới Bộ trưởng Hồ Đức Phớc
Thanh tra HoSE: Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính gửi “tâm thư” tới Bộ trưởng Hồ Đức Phớc
N.Minh
Thứ bảy, ngày 12/06/2021 06:15 AM (GMT+7)
Tại văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thanh tra Bộ Tài chính, Phó Chủ tịch VAFI cho rằng, cần mở chiến dịch làm trong sạch thị trường chứng khoán trước tình trạng nghẽn lệnh khiến nhà đầu tư bức xúc thời gian qua.
Thanh tra Bộ Tài chính vừa quyết định thanh tra hành chính tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) do nghẽn lệnh giao dịch trong suốt thời gian qua.
Ngay sau thông tin này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, và Thanh tra Bộ Tài chính đưa ra một số đề xuất cho "chiến dịch làm sạch thị trường chứng khoán".
Cần mở chiến dịch làm sạch thị trường chứng khoán
Tại văn bản này, ông Nguyễn Hoàng Hải ủng hộ việc Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giao Thanh tra Bộ thanh tra hành chính sàn HoSE để xác định nguyên nhân và tình trạng nghẽn lệnh giao dịch.
Từ đó, rút ra các bài học kinh nghiệm để không bao giờ xảy ra tình trạng nghẽn lệnh giao dịch như hiện nay.
Cũng theo vị này, HoSE không chỉ yếu kém về quản lý công nghệ thông tin mà còn yếu kém về công tác quản lý giám sát thị trường.
Hiện nay, có nhiều loại cổ phiếu rác, cổ phiếu lừa đảo, cổ phiếu kém chất lượng không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HoSE, không những thế còn công khai làm giá, thổi giá để giá trị cổ phiếu cao gấp hàng trăm lần giá trị thực.
Đáng chú ý, đối tượng thao túng giá mua công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ làm giá bằng nhiều thủ đoạn như tạo lập hàng ngàn tài khoản để tạo cung cầu giả tạo, làm giả tài khoản nước ngoài, làm giả báo cáo tài chính, thành lập nhiều công ty ma để thực hiện các hành vi giao dịch giả tạo để đẩy giá chứng khoán, làm giả báo cáo tài chính, tạo doanh thu lợi nhuận giả và tạo vốn điều lệ giả và ảo cao gấp hàng chục hàng trăm lần số vốn thực có để thực hiện hành vi bán giấy lấy tiền thực.
"Vì vậy, cần thiết phải mở chiến dịch làm trong sạch thị trường chứng khoán", Phó Chủ tịch VAFI nhấn mạnh.
Đề xuất về các nội dung thanh tra sàn HoSE, ông Hải cho rằng nên tập trung làm rõ vì sao đã qua 20 năm vận hành phần mềm giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan cung cấp, sàn HoSE vẫn không thể làm chủ công nghệ vận hành.
Phân tích sâu hơn, theo Phó Chủ tịch VAFI bản thân các sở giao dịch chứng khoán của Thái Lan hay Hàn Quốc không thể tự làm ra phần mềm giao dịch ban đầu mà phải mua công nghệ từ các công ty chuyên làm phần mềm. Thế nhưng, sau đó họ nhanh chóng làm chủ công nghệ và còn có khả năng bán phần mềm cho các đối tác nhỏ khác như HoSE.
"Việt Nam là 1 cường quốc về công nghệ thông tin nhưng có lẽ những nhân sự giỏi về IT không được mời chào làm việc tại HoSE, cho nên cứ mỗi lần gặp trục trặc là HoSE lại khẩn cấp mời chuyên gia Sở giao dịch Thái Lan sang giải quyết", ông Hải đặt câu hỏi.
Đồng thời, phải tìm hiểu xem chất lượng nhà thầu thường xuyên bảo quản hệ thống giao dịch tại HoSE ra sao? Liệu có phải do sàn này không làm chủ được công nghệ vận hành cho nên mỗi lần có sự cố thì không giải quyết được?
Hai là, thanh tra Bộ Tài chính cần nhắm vào dự án làm phần mềm giao dịch mới được cung cấp bởi Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc. Vì sao một dự án nhỏ, được khởi động từ năm 2012 nhưng đã 10 năm rồi vẫn chưa hoàn thành?
Bên cạnh đó, tìm hiểu nguyên nhân dự án tiến hành chậm trễ, và nguy cơ tăng lên của giá trị dự án so với ban đầu.
Vị Phó Chủ tịch này cũng đặt câu hỏi, tại sao không chọn những nhà thầu hàng đầu Việt Nam như FPT để sau này nếu có sự cố thì doanh nghiệp này có khả năng nhanh chóng giải quyết mà không lệ thuộc vào chuyên gia nước ngoài?
Ba là, VAFI đề xuất thanh tra tình trạng cổ phiếu rác, thực chất là không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HoSE nhưng được lựa chọn vào chỉ số VN30 trong 6 năm từ 2014- 2020.
Theo ông Hải, những cổ phiếu kém chất lượng này có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn điều lệ nhưng không bị ngăn cản phát hiện từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ HoSE.
Ông Hải nói thêm: "Hầu như các nhà đầu tư giá trị tránh xa cổ phiếu rác này và chỉ có nhà đầu tư nhỏ lẻ không am hiểu chứng khoán bị dụ lao vào giao dịch. Từ đó, các chủ doanh nghiệp này có cơ hội bán giấy thu lợi hàng nghìn tỷ đồng."
Đối với các công ty chứng khoán, VAFI đề xuất cần tập trung làm rõ tình trạng doanh thu, lợi nhuận giả, vốn điều lệ khống, thanh tra tình trạng thổi giá chứng khoán nhằm thu lợi bất chính.
"Đã yêu cầu lãnh đạo HSE kiểm điểm"
Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều cuộc họp và đã thành lập Tổ công tác để xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trên HoSE. Bộ trưởng Bộ Tài chính và lãnh đạo bộ cũng đã làm việc và chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE để cùng đưa ra giải pháp khắc phục sự cố.
Chúng tôi cũng đã yêu cầu lãnh đạo HoSE làm kiểm điểm và báo cáo cụ thể về tình trạng nghẽn lệnh trong thời gian qua.
Hiện nay, hệ thống giao dịch do FPT phối hợp cùng HoSE xây dựng đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE, FPT và các đơn vị liên quan nỗ lực, tích cực triển khai, để quyết tâm khắc phục tình trạng nghẽn lệnh hiện nay. Dự báo vào đầu tháng 7 tới, dự án này hoàn thành và sẽ khắc phục được triệt để tình trạng nghẽn lệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.