Thanh tra làm sai, chính quyền địa phương không biết: Kẽ hở để nhũng nhiễu, tham ô

Trần Kháng Thứ bảy, ngày 27/06/2020 06:00 AM (GMT+7)
Sau sự việc Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng “vòi tiền” tại Vĩnh Phúc bị bắt quả tang vào tháng 6/2019, nhiều chuyên gia luật pháp, đại biểu Quốc hội kiến nghị cần phải có cơ chế giám sát chéo các đoàn thanh tra, cũng như cần phải phát huy việc tố giác tội phạm.
Bình luận 0

Mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển tài liệu, đề nghị truy tố các bị can liên quan vụ Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ sang Viện KSND cùng cấp. Cơ quan chức năng xác định, Đoàn thanh tra đã thanh tra không đúng đối tượng như quyết định.

Cố tình thanh tra sai đối tượng

4 bị can bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc truy tố tội "Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự là: Nguyễn Thị Kim Anh (Phó Trưởng phòng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng), Nguyễn Thị Kim Liên (cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3, Bộ Xây dựng), Đặng Hải Anh (chuyên viên phòng Thanh tra xây dựng 2, Thanh tra Bộ Xây dựng), Nguyễn Thị Thùy Linh (thành viên Đoàn thanh tra).

Thanh tra làm sai, chính quyền địa phương không biết:  Kẽ hở để nhũng nhiễu, tham ô - Ảnh 1.

Trụ sở UBND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) - nơi đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị lập biên bản về hành vi vòi tiền. Ảnh phải: Nguyễn Thị Kim Anh - Trưởng đoàn thanh tra. Ảnh: Ngọc Tân - T.L

Kết luận điều tra xác định, ngày 12/6/2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt quả tang, khám xét khẩn cấp nơi làm việc của Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại trụ sở UBND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), phát hiện Nguyễn Thị Kim Anh, Đặng Hải Anh có hành vi nhận hối lộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về việc thanh tra công tác quy hoạch, cấp phép, quản lý xây dựng tại một số dự án tại địa bàn huyện này.

Đáng chú ý, nhà chức trách cũng xác định, toàn bộ số tiền hơn 2 tỷ đồng các bị can chiếm đoạt và thu lợi bất chính đều liên quan đến việc kiểm tra các dự án, công trình xây dựng do UBND cấp xã làm chủ đầu tư - đáng nói đây không đúng đối tượng thanh tra của Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc.

Điều này xảy ra bởi Nguyễn Thị Kim Anh trước đó là người soạn thảo quyết định thanh tra số 100 ngày 5/4/2019, trình Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng duyệt ký không nêu đối tượng thanh tra, chỉ nêu chung chung về nội dung, phạm vi thanh tra.

Công an Vĩnh Phúc nhận thấy, việc làm này của Nguyễn Thị Kim Anh nhằm che giấu việc thanh tra vượt thẩm quyền, phạm vi để tiến hành thanh tra trực tiếp đến các dự án, công trình xây dựng do UBND 29/29 xã, thị trấn thuộc huyện Vĩnh Tường làm chủ đầu tư.

Và kết quả như cơ quan chức năng đã xác định, có nhiều doanh nghiệp, kế toán của các xã đã tới gặp Đoàn Thanh tra (chủ yếu là Kim Anh, Hải Anh) để giải trình, xin "nhẹ tội".

Việc Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra sai đối tượng ở huyện Vĩnh Tường, tuy nhiên không bị phát hiện, không bị phản ứng đang khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi về công tác thanh tra, kiểm tra thanh tra…

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN về vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Hà Nội) nhìn nhận, có nhiều lý do dẫn đến việc này. Theo luật sư Tuấn Anh, quá trình thanh tra chính là để kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, dự án (thanh tra chuyên ngành). Do đó, chỉ khi việc thanh tra diễn ra đúng các quy định của pháp luật thì nó mới được xem là có hiệu lực.

Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch phân tích, quyết định thanh tra không cho phép nêu một cách chung chung mà các nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra phải cụ thể. Đặc biệt, người ký, ban hành quyết định thanh tra phải hiểu rõ được điều này. Hoặc chỉ có thể là quyết định thanh tra chung nhưng kèm theo đó là danh sách các dự án, địa phương và thanh tra từng vấn đề cụ thể.

"Bởi sau khi thanh tra thì quyết định này phải gửi trực tiếp cho đối tượng thanh tra 1. Phải có một buổi công bố quyết định thanh tra. Đây là thủ tục, chỉ cần anh sai một bước trong các bước thực hiện thanh tra mà toàn bộ kết luận thanh tra sẽ không được thực hiện" – vị luật sư phân tích.

Trong vụ việc Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nhận tiền tại Vĩnh Phúc, luật sư Tuấn Anh cho rằng, rõ ràng đã thấy sai từ đầu, sai từ người ký quyết định thanh tra. "Có thể trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra chưa tìm ra mối liên hệ giữa các cán bộ thanh tra trực tiếp nhận hối hội của các doanh nghiệp, địa phương với Chánh thanh tra. Chánh thanh tra là người đứng đầu ngành thanh tra, người am hiểu pháp luật nhất về lĩnh vực thanh tra mà anh lại ký quyết định thanh tra không đúng, không rõ đối tượng… vô hình chung đang tạo điều kiện cho cán bộ thanh tra đi nhũng nhiễu ở địa phương, các đối tượng thanh tra" - luật sư Tuấn Anh nhận định.

Nhiều quy định bị bỏ qua

"Công tác cán bộ là khâu đánh giá, nhìn nhận, bổ nhiệm chưa tốt nên lựa chọn người không đúng. Khi lựa chọn người bổ nhiệm không đúng dẫn đến lựa chọn người đi làm thanh tra không đúng và dẫn đến hậu quả như đã thấy".

Ông Nguyễn Thái Học - Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư

Trả lời vấn đề "có hay không tình trạng tham nhũng ngay chính trong những cơ quan phòng chống tham nhũng", trường hợp Thanh tra Bộ Xây dựng bị tố "vòi" doanh nghiệp phải chăng là ví dụ cho thực trạng này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học - Phó trưởng ban Nội chính Trung ương cho rằng: "Trước hết phải nói rõ thanh tra chuyên ngành không phải là cơ quan chống tham nhũng và cụ thể ở đây Thanh tra Bộ Xây dựng không phải là cơ quan phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra, kiểm tra có vai trò hết sức quan trọng trong phát hiện sai phạm, ở đây là lĩnh vực xây dựng. Như vậy thanh tra chuyên ngành cũng góp phần phát hiện ra sai phạm trong lĩnh vực xây dựng để rồi chấn chỉnh khắc phục, nhưng thông qua việc thanh tra như thế lại có hành vi vi phạm thì dư luận, người dân bức xúc là anh đi kiểm tra để phát hiện sai phạm mà anh lại sai phạm thì dân không đồng tình và các cơ quan chức năng cần soát xét lại để làm sao hoạt động thanh tra, kiểm tra đúng với ý nghĩa phát hiện ra sai phạm để xử lý".

Về việc giám sát lực lượng thanh tra, ông Nguyễn Thái Học góp ý, giám sát này có cơ chế, ví dụ như trong Đảng, hoạt động kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, cơ quan đều có. Còn với thanh tra chuyên ngành, trong hoạt động theo quy định, cụ thể là quy trình, thủ tục và đơn vị chịu sự thanh tra, các tổ chức Đảng có vai trò đảng viên, vậy thì việc đấu tranh chống tiêu cực đối với đơn vị chịu sự thanh tra như thế nào?

Bên cạnh đó, trong đoàn thanh tra khi tiến hành cuộc thanh tra nào cũng phải có quy chế, quy định các bước như thế nào, trách nhiệm của thành viên trong đoàn để thực hiện quy định đúng theo quy định của thanh tra... Về phía đơn vị chủ quản, trách nhiệm của bộ chủ quản là khi thành lập đoàn phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, việc lựa chọn người, giám sát hoạt động như thế nào. Cái này đã có quy định hết, vấn đề là nhiều nơi không thực hiện. Cái quan trọng nhất là đấu tranh trong nội bộ về những hiện tượng tiêu cực.

Địa phương sợ hay thiếu hiểu biết?

Liên quan đến đối tượng thanh tra, luật sư Trần Tuấn Anh phân tích, thứ nhất, có thể cơ sở nghe tới thanh tra chuyên ngành lĩnh vực xây dựng từ Bộ xuống, từ Trung ương xuống đã có tâm lý sợ. Đây là suy nghĩ đã ăn sâu tư tưởng của các cán bộ địa phương. Ngoài ra, cũng có thể xuất phát từ việc, trong quá trình quản lý tại địa phương, các đơn vị này đã có sai phạm thật. Do đó, cũng không dám yêu cầu Đoàn thanh tra trình ra các quy phạm pháp luật cũng như văn bản có quyền thanh tra như: Quyết định như nào, gửi trước bao nhiêu ngày, công bố nội dung của việc thanh tra?

Thứ hai, có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật thanh tra. Tức là không biết được quy định thanh tra như thế nào, để yêu cầu các cơ quan thanh tra làm đúng quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem