Tính đến hết năm 2013, Thanh Trì đã có 6 xã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí, các xã còn lại đều đạt trên 12 tiêu chí.
Nhân dân hiến đất và ngày côngSau 3 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp, từng bước nâng cao đời sống nông dân”, huyện Thanh Trì đã huy động được trên 110 tỷ đồng nguồn vốn xã hội hóa.
Trồng rau ăn toàn ở xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) đang mang lại thu nhập cao cho người dân.
Từ nguồn vốn xã hội hóa này và nguồn vốn của Nhà nước, huyện Thanh Trì đã hoàn thành trên 110km đường liên thôn, xóm với tổng vốn đầu tư ước đạt 434 tỷ đồng. Trong đó, huyện đã phát triển, nhân rộng mô hình “Nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công làm đường giao thông”. Theo đó, người dân đã hiến hàng chục nghìn m2 đất và 22.000 ngày công.
Ông Nguyễn Duy Tuấn – Bí thư Đảng ủy xã Đại Áng cho biết: “Hiện, Đại Áng đã đạt đủ 19 tiêu chí và về đích đúng kế hoạch đề ra. Để đạt được kết quả như ngày hôm nay là nhờ vào sự đồng thuận và góp sức từ phía người dân”. Cụ thể, trong 3 năm qua xã đã vận động nhân dân hiến 4.500m2 đất nông nghiệp, 702m2 đất thổ cư với tổng số tiền trên 27 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hồng, ở thôn Vĩnh Trung đã hiến 240m2 đất để làm đường NTM, tâm sự: “Làm NTM là làm cho dân, vì vậy khi được tuyên truyền, gia đình tôi sẵn sàng hiến đất ngay để cùng với xã làm đường giao thông”.
Là xã nằm sát ngay nội đô, giá đất cao nên việc giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã Tân Triều gặp khá nhiều khó khăn. Thế nhưng, trong những năm qua, xã đã hoàn thành 31 dự án thu hồi đất với diện tích 130ha.
Nâng cao thu nhập cho người dân
Ông Triệu Đình Phúc – Bí thư Huyện ủy Thanh Trì cho biết: “Khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện luôn chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, trong 3 năm qua huyện đã hình thành, duy trì được các vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích mỗi năm đạt 1.200ha. Cùng với đó, huyện tích cực đầu tư cơ giới hóa, hiện toàn huyện đã có 100% diện tích sản xuất lúa trên địa bàn đã có máy làm đất và trên 30% diện tích có máy phục vụ việc thu hoạch, phun thuốc…”.
"Hiện nguồn vốn của thành phố dành cho các địa phương xây dựng NTM có hạn, nên các huyện cần chọn tiêu chí ít tiền và dễ để làm trước. Thanh Trì cũng cần làm tốt hơn nữa, phấn đấu đến năm 2015 đưa được thêm 13 xã về đích”. Ông Nguyễn Công Soái - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội
|
Hiện diện tích trồng rau các loại đạt trên 1.000ha/năm, tăng 360ha so với năm 2010, trong đó 140,8ha sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, tăng 105,3ha so với năm 2010. Huyện cũng tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong 3 năm đã chuyển đổi được 38,6ha từ ruộng trũng, kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, nuôi thuỷ sản…
Nói về định hướng xây dựng NTM trong thời gian tới, ông Phúc cho biết: “Thanh Trì sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng với trên 60ha sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như hoa, cây cảnh, nuôi trồng thủy sản… Theo đó, huyện phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/năm”.
Trần Quang (Trần Quang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.