Thành tỷ phú nông dân nhờ tiết kiệm điện

Trần Lam Giang Thứ tư, ngày 18/05/2016 17:39 PM (GMT+7)
Phong trào tiết kiệm điện giờ đây không chỉ ở thành phố và người dân thành thị mà đã lan toả đến từng làng quê, làng nghề. Nhiều hộ dân nông thôn đã trở thành tỷ phú, thành ông chủ nhờ tiết kiệm điện.
Bình luận 0

Cả làng nghề tiết kiệm điện

Chúng tôi đến thăm xí nghiệp giấy Đức Bình thuộc cụm làng nghề Phong Khê, thành phố Bắc Ninh do ông Ngô Đức Hảo làm chủ. Ông Hảo khoe: Mỗi năm xí nghiệp chúng tôi sản xuất trên 25.000 tấn giấy. Thời gian gần đây, bối cảnh thị trường khó khăn nên buộc chúng tôi phải tiết giảm chi phí đến mức tối ưu. Giảm tiêu thụ điện là một trong những mục tiêu trọng tâm. “Cụ thể, chúng tôi sử dụng biến tần trong động cơ điện, sử dụng phần mềm tự điều chỉnh tốc độ máy móc, động cơ…Nhờ vậy, điện năng tiêu thụ giảm được gần một nửa so với trước. Từ mức tiêu thụ bình quân mỗi tháng gần 50.000 kWh thì nay chỉ tiêu thụ chưa tới 30.000 kWh” - ông Hảo nói.Ông Hảo thông tin thêm: Không những thay thế thiết bị, chúng tôi còn tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên trong xí nghiệp, nhà xưởng, ban ngày gần hư không phải bật bóng đèn chiếu sáng, ban đêm sử dụng bóng đèn led, bóng đèn compact có dán nhãn tiết kiệm năng lượng thay thế cho toàn bộ bóng đèn không tiết kiệm điện. 

img

Ông Ngô Đức Hảo – chủ xí nghiệp giấy Đức Bình thuộc làng nghề Phong Khuê, Bắc Ninh đang giới thiệu về công nghệ làm giấy tiết kiệm điện.

“Về quản lý vận hành, chúng tôi áp dụng cho công nhân thay nhau sản xuất 3 ca vào giờ thấp điểm. Riêng với những thiết bị, phụ tải vận hành không đòi hỏi yêu cầu liên tục thì bố trí người theo dõi, cắt, ngắt thiết bị khi không thực sự cần thiết” - ông Hảo nói.

Còn tại làng Phú Đô (Hà Nội), theo số liệu của Viện Khoa học Năng lượng, trung bình mỗi hộ dùng tới 2,2 động cơ điện, công suất bình quân 3,7kWh/hộ. Nhiều động cơ điện thế hệ cũ, tiêu tốn nhiều điện năng, mất an toàn về điện, gây tổn thất và lãng phí, nguy hiểm cho người khi sử dụng.

Sau khi được sự tư vấn về công nghệ của các chuyên gia thuộc Viện Khoa học Năng lượng và hướng dẫn thực tế của các cán bộ nhân viên Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, nhiều hộ dân nơi đây đã thay thế thiết bị, sử dụng thiết bị có công suất tương ứng với năng lực sản xuất. Nhờ vậy lượng điện năng tiêu thụ giảm rõ. Lượng than tiết kiệm được trên 70% so với trước, mỗi năm tiết kiệm trên 1.000 tấn than, giúp giảm phát thải trên 2.000 tấn CO2. 

“Trước đây, mỗi tháng tôi phải trả từ 10-12 triệu đồng tiền điện thì giờ, sau khi thay thế động cơ điện và cho vận hành vào giờ thấp điểm, tiền điện mỗi tháng của cả gia đình chưa tới 7 triệu đồng. Toàn bộ bóng đèn neon thông thường cũng được gia đình tôi chuyến sang compact tiết kiệm điện” - anh Đăng Hậu một hộ dân cho biết.

Làng thanh long tiết kiệm điện

Tham quan trang trại trồng thanh long rộng tới 18ha của ông Ung Ngọc Hải ở xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, phóng viên Dân Việt nhận thấy: Toàn bộ bóng đèn sợi đốt cách đó không lâu ông còn sử dụng để chong thanh long thì nay đã được thay thế hoàn toàn bằng bóng đèn compact chuyên dụng tiết kiệm điện.

img

Tỷ phú nông dân Ung Ngọc Hải bên trang trại thanh long chong bằng bóng compact nở đầy hoa và sắp đậu quả của mình.

“Tôi trồng 14.000 trụ, trong đó 10.000 trụ thanh long ruột trắng, 4.000 trụ thanh long ruột đỏ. Cách đây 4 năm tôi bắt đầu dùng bóng compact từ từ, trong 3 năm trở lại đây tôi đã thay thế toàn bộ bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact dùng để chong thanh long. Nhờ việc mạnh dạn thay thế hoàn toàn này, mỗi ha thanh long tôi tiết kiệm được 25 triệu đồng tiền điện” – ông Ung Ngọc Hải nói với phóng viên Dân Việt.

“Ngoài việc dùng bóng đèn sợi đốt để chong thanh long thường, tôi còn dùng loại đèn này để chong thanh long hồ lô - một loại thanh long mà tôi mới phát minh để dùng cho đợt Tết nguyên đán năm nay. Bóng đèn compact không chỉ hiệu quả với thanh long thường mà còn có tác dụng rất tốt với thanh long hồ lô, một loại thanh long với hình dáng hồ lô chuyên dành cho thị trường ngày Lễ, Tết” - ông Hải khoe.

“Mỗi năm, doanh thu tôi đạt từ việc trồng 14.000 trụ thanh long chong bằng bóng compact là hơn 3 tỷ đồng. Trừ đi mọi chi phí và nhờ tiết kiệm điện tôi còn lãi 1,5 tỷ đồng/năm” – tỷ phú nông dân Ung Ngọc Hải.

Ông Hải nói: Tới thời điểm này (tháng 12.2015 - PV), với việc thay thế toàn bộ hơn 10.000 bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact, tôi tiết kiệm được 142.800 kWh, tính ra với giá điện bình quân như hiện tại, tôi “lãi” được 200 triệu đồng.

Còn ông Nguyễn Văn Linh, xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận thì cho biết, gia đình ông có 1 ha trồng thanh long. Qua sự tư vấn của nhân viên ngành Điện, ông đã chuyển hoàn toàn sang sử dụng bóng đèn compact. Ông Linh khẳng định, tỷ lệ ra hoa, kết trái, đạt quả của thanh long chong đèn compact và đèn sợi đốt là ngang nhau, trong khi đó lượng tiêu thụ điện của bóng compact thấp hơn nhiều, tuổi thọ thì gấp nhiều lần bóng sợi đốt lại không lo sợ bể vỡ. Mỗi năm, ông Linh tiết kiệm mấy chục triệu đồng tiền điện nhờ bóng compact.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem