“Xé rào” làm nông thôn mới
4 năm về trước, khi cả nước bước vào xây dựng NTM, Thanh Văn nổi lên như một “hiện tượng” đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí. Từ một vùng quê nghèo, chiêm trũng độc canh cây lúa, ấy thế mà chỉ sau vài năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở Thanh Văn đã thay đổi rõ rệt. Cả xã không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá tăng lên rõ rệt, con em được ăn học đến nơi đến chốn… Đó là kết quả của Chương trình xây dựng NTM, với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng lợi, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính” mà xã đã triển khai.
Nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, vật nuôi ở xã Thanh Văn (Thanh Oai, Hà Nội) đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ảnh: V.T
Trước đó, năm 1991 Thanh Văn đã xây dựng quỹ xoá đói giảm nghèo với số vốn ban đầu là 20 tấn lúa và 20 triệu đồng. Khoản này đã hỗ trợ nông dân vay không lấy lãi, xã trực tiếp mua cây, con giống giúp bà con. Bên cạnh đó, xã đã sớm quy hoạch đất nông nghiệp, dồn điền đổi thửa (DĐĐT) nhằm hướng tới sản xuất lớn. Ông Quang Văn Thỉnh – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn, chính là người khởi xướng cho cách làm “phá cách” trong xây dựng NTM khi mạnh dạn thành lập “Quỹ phúc lợi và bảo hiểm nông dân”. Theo đó, người dân từ 60 tuổi trở lên, sẽ được hưởng lương hưu với mức 400.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, xã còn huy động người dân, doanh nghiệp đóng góp gần 600 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. “Mô hình của Thanh Văn hiệu quả, có lợi cho người dân, song không phải địa phương nào cũng làm được, do đó rất khó có thể nhân rộng. Điều quan trọng nhất để thành công của mô hình này là phải được người dân đồng thuận, lấy lợi ích người dân làm gốc và minh bạch” – ông Thỉnh chia sẻ.
Vượt qua sóng gió
Việc làm “xé rào” của Thanh Văn cũng đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng đó là vi phạm pháp luật. Song có nhiều ý kiến ủng hộ cách làm này và cho đây là “hiện tượng”, là nhân tố điển hình cần nghiên cứu và nhân rộng.
Bà Phùng Thị Hồng Hà – Bí thư Huyện ủy Thanh Oai cho biết, trong thời gian qua, mặc dù đã có những sóng gió đối với Thanh Văn, song tình hình an ninh trật tự, đời sống của người dân rất bình yên. Ông Nguyễn Văn Thanh - người dân thôn Bạch Nao, xã Thanh Văn cho biết: “Tất cả người dân đều ủng hộ “Quỹ phúc lợi và bảo hiểm nông dân”, bởi nó mang lại lợi ích thiết thực”.
Ông Bùi Văn Sáng – tân Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn cho biết, hiện “Quỹ phúc lợi và bảo hiểm nông dân” vẫn được duy trì. Dù xã đã về đích xây dựng NTM, song vẫn tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong đó đặc biệt chú ý đến các tiêu chí có khả năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân” – ông Sáng cho hay.
Nói về hiện tượng Thanh Văn, nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá: “Làm sai mà đời sống nhân dân lại ổn định, người dân có lương hưu, có đời sống tinh thần, vật chất tốt, thế thì sao lại sai? Chúng ta vẫn nói phải lấy dân làm gốc, nơi nào đời sống của dân được nâng cao, ổn định cả về kinh tế và chính trị là đúng. Còn cứ rập khuôn, cứng nhắc theo một khuôn mẫu, mà đời sống người dân lại kiệt quệ, mất ổn định, đó mới là sai”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.