Tháo gỡ khó khăn cho nông dân Đà Nẵng phát triển nông nghiệp đô thị bền vững
Đà Nẵng: Tháo gỡ khó khăn cho nông dân phát triển nông nghiệp đô thị bền vững
Trần Hậu
Thứ năm, ngày 06/10/2022 09:56 AM (GMT+7)
Ngày 5/10, tại Đà nẵng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, Hội Nông dân quận Cẩm Lệ tổ chức Hội thảo nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị tại quận Cẩm Lệ: Cơ hội và thách thức.
Phát biểu tại buổi hội thảo bà Hứa Thị Thùy Phương – Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cho biết, là một trong các quận có tốc độ đô thị hóa đạt cao của thành phố, quá trình đô thị hóa của quận phát triển mạnh theo chiều rộng, những dự án bất động sản, khu đô thị ở các phường như Hòa Xuân, Hòa Thọ Đông đã và đang hình thành, điều này khiến cho tốc độ đô thị hóa nhanh.
Ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại hội thảo ở quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: T.H.
Các yếu tố về tốc độ đô thị hóa cao, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, lao động chuyên môn hóa trong lĩnh vực nông nghiệp chưa cao và nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn, sạch ngày càng tăng. Vì vậy đây vừa là cơ hội và thách thức cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đô thị tại quận.
Bà Hứa Thị Thùy Phương – Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ trình bày tham luận vai trò của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp đô thị. Ảnh: T.H.
Theo bà Phương, dù có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp đô thị nhưng trên thực tế, nông nghiệp quận còn nhiều lợi thế, tiềm năng chưa được khai thác. Hộ gia đình vẫn là đơn vị sản xuất phổ biến, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận đã có nhưng chiếm tỷ trọng chưa cao.
Một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả sản xuất còn thấp, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng truyền thống sang đối tượng nông nghiệp đô thị chưa mang tính bứt phá.
Ông Nguyễn Đình Trung Kiên – Bí thư Đảng ủy phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ cho biết, những năm qua, địa phương đã tập trung rà soát và tạo điều kiện để hỗ trợ cho hội viên nông dân mượn các lô đất trống thành phố chưa sử dụng để sản xuất rau màu và trồng hoa, cây cảnh phù hợp với điều kiện đô thị hiện nay của phường. Thời gian qua, địa phương đã cho 50 hội viên nông dân mượn đất với diện tích trên 8,5ha, từ đó thu hút hơn 200 hội viên trực tiếp sản xuất, có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, Đảng ủy phường Hòa Xuân đã thực hiện nghiêm túc công tác tín chấp nguồn vốn vay ưu đãi từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, nguồn mượn không lãi trên 40 tỷ đồng với hơn 1.200 lượt hộ vay.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân của phường đã phát động nhiều phong trào thi đua, tiêu biểu nhất là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", từ các phòng trào này đã tạo động lực thúc đẩy nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.
Vườn hoa lan BaNa GH cho lãi bạc tỷ của chị Nguyễn Thị Thu Hiền tọa lạc trên đường Trần Nam Trung (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Ảnh: T.H.
Theo ông Kiên, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên việc phát triển nông nghiệp đô thị tại Hòa Xuân nói riêng và quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng nói chung còn gặp nhiều tồn tại, thách thức, do đó sở đề xuất các cấp, ngành cần có giải pháp về quy hoạch, đầu tư hạ tầng; phát triển các mô hình nông nghiệp nội đô; những cơ chế, chính sách phát trển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các giải pháp về khoa học công nghệ, môi trường, tổ chức sản xuất theo hướng VietGAP, sản xuất hữu cơ; đào tạo và thu hút nguồn nhân lực; tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi cung ứng nông sản; xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu…
Còn chị Nguyễn Thị Thu Hiền (chủ vườn hoa lan BaNa GH) ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ cho biết, đặc thù ở đô thị nông nghiệp có nhiều khó khăn hơn so với nông thôn như mặt bằng sản xuất không ổn định, đa số là đất thuê, đất mượn nên nông dân rất khó đầu tư vốn lớn, mở rộng quy mô; hơn nữa lực lượng lao động trẻ thì họ làm các công việc khác, không hứng thú với nông nghiệp. Ngoài ra còn là các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp....
Mô hình trồng nấm bào ngư cho thu nhập cao của ông Lê Văn Giới ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng cho lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Ảnh: T.H.
Tại hội thảo, Hội Nông dân quận Cẩm Lệ cũng mạnh dạn đưa ra các đề xuất, giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp đô thị bền vững đó là, cần tăng cường nguồn lực, hỗ trợ xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị gắn với bảo vệ môi trường mang nét đặc trưng của vùng; tăng cường nâng cao năng lực cho cán bộ, người trực tiếp tham gia trên lĩnh vực nông nghiệp và thu hút cộng đồng địa phương tham gia phối hợp cùng thực hiện vì một nền nông nghiệp xanh, an toàn, hiệu quả.
Đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng…; cần kết nối, phối hợp tổ chức các phiên chợ, hội chợ hàng nông sản; xây dựng hệ thống sàn kết nối cung cầu nông nghiệp thực phẩm.
Tăng cường hơn nữa công tác phối, kết hợp giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể liên quan trên tất cả các lĩnh vực, nhằm phát huy có hiệu quả nhất hỗ trợ cho hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp đô thị; các cấp Hội thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiện toàn hệ thống tổ chức Hội từ quận đến cơ sở, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội; phát huy tối đa vai trò của giai cấp nông dân...
Kết luận hội thảo, ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Trung ương hội nông dân Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến của đại diện các ngành, phòng, ban, đơn vị trên địa bàn quận Cẩm Lệ; đây là tư liệu quan trọng để Trung ương hội nghiên cứu, tổng hợp, đáp ứng trong việc xây dựng đề tài "Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị ở các thành phố trực thuộc Trung ương". Từ đó, có những căn cứ để đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chính sách hỗ trợ phù hợp giúp cho nông nghiệp đô thị phát triển bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.