Tháo gỡ khó khăn từng dự án để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Tháo gỡ khó khăn từng dự án để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)
Thứ năm, ngày 27/04/2023 16:17 PM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương phối hợp chặt chẽ, chỉ rõ vướng mắc từng dự án, đề xuất hướng ban hành văn bản pháp lý theo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Sáng 27/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp Tổ công tác số 2 thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công với 17 Bộ, cơ quan trung ương.
Tháo gỡ khó khăn từng dự án
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như công tác chuẩn bị đầu tư dự án của các Bộ, ngành địa phương.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương phối hợp chặt chẽ, làm việc sát sao với các địa phương để tháo gỡ khó khăn từng dự án; chỉ rõ vướng mắc, đề xuất hướng ban hành văn bản pháp lý theo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Các bộ, cơ quan rà soát, tăng cường năng lực, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, quản lý công tácgiải ngân vốn đầu tư côngtừ khâu chuẩn bị, quyết định đầu tư, tập trung cho những dự án lớn.
"Nhiệm vụ giải ngân từ nay đến cuối năm còn rất nặng nề," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ kết quả giải ngân từ đầu năm đến nay, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan trung ương nhận thức đầy đủ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm từ khâu đề xuất, thẩm định đến tổ chức thực hiện dự án, phối hợp giải quyết vướng mắc phát sinh.
"Không để tình trạng phân bổ vốn đầu tư công nhưng không giải ngân được hoặc không bảo đảm tiến độ," Phó Thủ tướng nêu; đồng thời yêu cầu, chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương trong thực hiệngiải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án.
Trong thẩm định các dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng có giải pháp huy động nhân lực, cải tiến phương thức làm việc, đề xuất phương án phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương để rút ngắn thời gian thẩm định dự án, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cho ý kiến về hướng xử lý vướng mắc liên quan tới Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tiêu chí, định mức, đơn giá, trình tự thủ tục… cho các dự án chuyển đổi số, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; điều chuyển vốn từ năm 2022 của các dự án đang triển khai, có nhu cầu vốn; xác định tài sản thế chấp trong các dự án sử dụngvốn ODA.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao 17 Bộ, cơ quan trung ương gần 111.768 tỷ đồng. Số vốn đã phân bổ chi tiết hơn 105.135 tỷ đồng, đạt 94%. Số vốn chưa phân bổ chi tiết gần 6.633 tỷ đồng.
Đến hết tháng 4/2023, tổng số vốn đã giải ngân của 17 Bộ, cơ quan Trung ương khoảng 23.741 tỷ đồng, đạt 21,24% so với kế hoạch vốn được giao và cao hơn mức bình quân của cả nước (14,66%).
Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các Bộ, cơ quan trung ương; có 2 Bộ, cơ quan trung ương giải ngân trên mức bình quân của cả nước (Bộ Giao thông vận tải 24,27%; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 19,44%). Các Bộ, cơ quan trung ương còn lại đều giải ngân rất thấp.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, các vướng mắc của cơ quan chủ yếu do dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; do vậy, các Bộ, cơ quan trung ương cần chủ động đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư. Các cơ quan thụ lý hoặc được lấy ý kiến khẩn trương xem xét, xử lý hoặc trả lời đúng hạn.
Đối với vướng mắc liên quan tới Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (điều hòa linh hoạt, kéo dài thời gian giải ngân), trước mắt, các Bộ, cơ quan trung ương đẩy mạnh giải ngân tối đa như đã cam kết trong quá trình xây dựng danh mục sử dụng nguồn vốn này. Đối với các cơ quan có tỷ lệ giải ngân quá thấp, cần khẩn trương đề xuất phương án xử lý (điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch vốn) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và báo cáo Chính phủ.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội… nêu rõ thực trạng, một số dự án phát sinh vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, vượt thẩm quyền xử lý của các Bộ, ngành trung ương. Các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chậm được giao kế hoạch vốn, thời gian giải ngân vốn ngắn.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đầu năm, nhiều bộ, cơ quan trung ương cần giải ngân hết số vốn đang làm thủ tục kéo dài giải ngân; hoàn trả khối lượng ứng trước đối với những dự án mới ký hợp đồng.
Dự án phải có khối lượng hoàn thành mới có thể nghiệm thu, thanh toán hoặc dự án đang thực hiện thủ tục đấu thầu, chưa có khối lượng.
Công tác chuẩn bị dự án của các Bộ, cơ quan trung ương còn chậm, chất lượng chưa cao, vẫn còn tình trạng dự án được dự kiến bố trí vốn nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Năng lực, trình độ hiểu biết pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, ngân sách nhà nước của một số cán bộ quản lý dự án chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến việc cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xử lý và phải lấy ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị khác./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.