Thắt chặt tín dụng, người trẻ "gồng mình" trước những áp lực mua nhà, trả nợ
Thắt chặt tín dụng, người trẻ "gồng mình" trước những áp lực mua nhà, trả nợ
Hồng Trâm
Chủ nhật, ngày 05/02/2023 15:36 PM (GMT+7)
Thị trường kinh tế hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, người dân phải thắt chặt chi tiêu, những người trẻ đứng trước những áp lực về việc mua nhà, trả nợ ngân hàng.
Với người trẻ, công việc, gia đình, nhà cửa luôn là một trong những mục tiêu được đặt ra hàng đầu và phải thực hiện được để sớm ổn định cuộc sống, an cư lập nghiệp. Mỗi 1 mục tiêu tuỳ từng người mà thực hiện, cũng như hoàn thành trong kế hoạch. Tuy nhiên, vì là những người trẻ, mới lập nghiệp và vốn tích luỹ chưa nhiều nên hầu hết đều gặp phải những khó khăn.
Trong năm 2022, kinh tế toàn thế giới cũng như tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trên địa bàn TP.HCM cũng "đứng hình" khi các chủ đầu tư không có dự án mới. Một số dự án thì giá "trên trời" hoàn toàn không phù hợp với túi tiền của người dân và những người trẻ mới đi làm và mong muốn có một căn hộ để ổn định cuộc sống. Điều này vô tình gây "áp lực" và khiến nhiều người lo lắng về những kế hoạch, hoạch định tương lai.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Nguyễn Nga (28 tuổi, quê tỉnh Phú Yên) cho biết: "Tôi đã sinh sống, học tập và làm việc ở TP.HCM hơn 10 năm nay, khi còn là sinh viên, tôi đã mong cuộc sống có thể thay đổi, cố gắng vừa học vừa làm, tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân, cũng như tiền bạc để có thể tự mua cho mình một ngôi nhà an cư lập nghiệp".
"Ở TP.HCM kiếm tiền dễ, nhưng tiêu cũng dễ, mức chi phí sinh hoạt rất cao và có muốn tiết kiệm thì cũng chỉ sát sao với chính thu nhập, nhất là những người trẻ như tôi, lương cùng với những khoản thu cũng không dư giả, muốn có nhà ở TP.HCM phải tính rất kỹ và sử dụng đòn bẩy kinh tế, vay người thân, ngân hàng… nhưng tiền vay thì phải trả, những khoản trên cũng đủ khiến cho mọi người chật vật", chị Nga chia sẻ.
Cũng đang làm việc trên địa bàn TP.HCM nhưng mua nhà ở Bình Dương (giáp TP.HCM) anh Hoàng Bằng Việt (31 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho biết: "Thu nhập 30 triệu/tháng, đầu năm 2022 tôi vay ngân hàng 1 tỷ đồng và người thân cùng với khoản tiết kiệm để mua căn hộ hơn 2 tỷ. Tôi tự tin với nhiều khoản thu nhập, việc trả nợ số tiền lãi hơn 11 triệu/tháng là dễ dàng, thế nhưng đến giữa năm 2022, công ty thông báo giảm lương, giảm các chế độ vì gặp nhiều khó khăn… từ đó thu nhập của tôi cũng giảm còn chưa tới 20 triệu…, mọi áp lực bắt đầu xuất hiện".
"Căng thẳng nhất vẫn là khoản vay ngân hàng, mỗi tháng buộc tôi phải trả gốc lẫn lãi đúng hạn, mặc dù ngôi nhà đã là tài sản của mình, nhưng thời điểm kinh tế khó khăn như lúc này, lãi ngân hàng tăng, nếu thả nổi nữa thì không biết có gồng gánh được không. Tôi từng nói vui với bạn bè, mua xong nhà nợ thì bán trả… với áp lực kinh tế kéo dài, thì việc phải sang nhượng lại căn nhà đã mua là rất có thể", anh Vũ chia sẻ.
Tìm thêm việc, kiếm thêm thu nhập để trả nợ mua nhà
Theo nhiều chuyên gia, mặc dù kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định và có mức tăng trưởng chung, nhưng nhiều ngành nghề vẫn gặp khó khăn. Trong năm 2022 nhiều công ty, nhà xưởng đã phải giảm giờ làm, cắt lương nhân viên, công nhân… do đơn hàng ít, các chi phí gồng gánh nhiều nên cần phải thắt chặt chi tiêu.
"Sau khi dịch Covid-19 đi qua, công ty chúng tôi cũng phải cắt giảm lương… Điều này thực sự không hề muốn, nhưng để đưa công ty qua giai đoạn khó khăn này, ban lãnh đạo công ty buộc phải có những biện pháp để duy trì. Công ty tôi toàn những nhân viên trẻ, tôi phải động viên nhiều người cùng cố gắng để vượt qua khó khăn… không cắt giảm nhân sự, nhưng lương buộc phải giảm, cùng nhau để duy trì", anh Phạm Tấn Đạt - CEO một công ty bất động sản trên địa bàn TP.HCM tâm sự.
Dù chưa rơi vào cảnh chậm lương hay đứng trước ngưỡng thất nghiệp, nhưng chị Nguyễn Hoa (28 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận) vẫn đang loay hoay với khoản tiền nợ nhà.
"Tôi mua căn hộ tại TP.Thủ Đức đã hơn 2 năm nay với giá 2,6 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng hơn 800 triệu để được tính lãi thấp. Nhưng hiện giờ, thu nhập giảm hàng tháng lãi xuất ngân hàng thôi cũng khiến tôi chật vật vì 1 mình phải lo đủ thứ phí".
"Thú thực tôi lúc nào trong trạng thái lo sợ nằm trong diện cắt giảm nhân sự. Tiền nợ nhà luôn đè nặng trên vai. Nếu nghỉ việc, tôi chưa biết sẽ phải xin công việc mới như thế nào vì bên nào cũng đang cắt giảm. Chưa kể, thu nhập thấp, tôi đã phải bán thêm hàng online, đi dạy thêm tiếng Anh để có thêm các khoản", chị Hoa cho hay.
Theo một số chủ đầu tư, hiện nay việc mua nhà chắc chắn sẽ càng khó khăn khi quỹ đất hạn hẹp, chủ đầu tư lớn không còn mặn mà với những dự án nhà giá rẻ, nhà dành cho người thu nhập thấp nên cơ hội mua nhà với nhiều người sẽ ngày càng xa vời.
Với những dự án dưới 3 tỷ, áp lực tài chính thực sự là nỗi "sợ" của những người trẻ, với mong muốn có nhà, có nơi an cư lập nghiệp, khi muốn mua nhà buộc phải sử dụng đòn bẩy tài chính từ việc vay vốn ngân hàng.
"Nếu nguồn tài chính chưa đảm bảo mà sở hữu nhà quá sớm thì cả phần đời còn lại sẽ dành chủ yếu để đi trả nợ. Điều này cũng dẫn đến việc các bạn trẻ không còn tiền để tận dụng các cơ hội đầu tư khác", giám đốc một công ty bất động sản cho hay.
Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, doanh nghiệp gặp khó, thực hiện chính sách sa thải nhân sự, cắt giảm lương, những người mua trẻ càng đứng trước thách thức lớn trong bài toán trả nợ. Đây cũng là một trong những giai đoạn được cho là để đánh giá lại những kế hoạch, phát triển không chỉ của người trẻ mà cả những người đang mua nhà với thu nhập trung bình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.