Thất hổ tướng Tây Sơn - Nguyễn Văn Tuyết: Sức mạnh sáng ngang Hạng Vũ

K.N Chủ nhật, ngày 24/03/2024 22:31 PM (GMT+7)
Nguyễn Văn Tuyết vâng lời, hai tay ôm tảng đá, vận sức xô xuống vực. Quả là một thanh niên có sức mạnh như Hạng Võ, Tuyết đẩy được tảng đá nghiêng dần dần về phía vực...
Bình luận 0

Theo sách "Võ nhân Bình Định" thì Nguyễn Văn Tuyết là người xã Nhơn Ân, huyện An Nhơn. Lúc nhỏ Tuyết có sức mạnh, ưa thích đánh nhau với lũ trẻ trong thôn và bao giờ cũng thắng. Lớn lên tụ tập các tay anh chị ở chợ Gò Chàm, chuyên khuấy phá xóm làng, nên Tuyết được bầu làm đại ca. Các phiên họp chợ Gò Chàm thường rất đông người mua bán. Băng nhóm của Tuyết hoạt động quy củ. Những kẻ lạ mặt đến buôn bán phải ra mắt Tuyết rồi mới được cất lều. Những kẻ làm nghề mãi võ, bán thuốc đều làm đúng theo lệ.

Một ngày kia, có một ông già râu tóc bạc phơ, trắng như bông vải cùng hai cô gái xinh đẹp, đến chợ mãi võ. Ông già không theo lệ cũ, vừa đến liền khua chiêng khai diễn. Cô gái nhỏ múa kiếm vun vút, khí lạnh rợn người. Người đến xem đông như kiến và tiếng vỗ tay hoan hô dậy trời.

Thất hổ tướng Tây Sơn - Nguyễn Văn Tuyết: Sức mạnh sáng ngang Hạng Vũ- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Nguyễn Văn Tuyết nghe tin, đùng đùng nổi giận, liền kéo mươi tên thủ hạ đến vấn tội ông già. Nhưng khi Nguyễn Văn Tuyết hỏi, ông già không thèm nói, đánh không thèm đỡ, đứng trơ trơ như một tượng đá trời trồng. Nguyễn Văn Tuyết thất kinh bỏ về nhà, tìm cách rửa hận.

Ông già và hai cô gái trú tạm tại miếu thổ địa ở sau chợ. Nguyễn Văn Tuyết đợi đến đêm khuya, giắt kiếm vào lưng, nhảy tường vào miếu. Bốn bề im phăng phắc. Hai cô gái đã ngủ say. Ông già ngủ ngáy như sấm. Tuyết khẽ lén đến gần, rút kiếm đâm vào cổ ông già. Kiếm gãy kêu đánh rắc. Tuyết hoảng sợ chạy trốn. Ông già níu lại. Tuyết run sợ, quỳ xuống chịu tội. Ông già ngồi dậy nói:

- Nhà ngươi tư chất thông minh, lại là trai tráng có sức mạnh xuất chúng, sao không lo rèn võ luyện văn chờ cơ hội ra giúp nước mà lại đắm mình trong vũng bùn nhơ như vậy?

Tuyết lạy, thề quyết tâm hối cải và van xin được theo làm môn đồ.

Ông già ấy tên Trần Kim Hùng, là một võ sư thôn Trường Định, huyện Tuy Viễn. Võ nghệ tuyệt luân, song vì con trai mất sớm, nên dẫn hai cháu nội đi giang hồ tìm nhân tài truyền thụ võ công. Gặp được Nguyễn Văn Tuyết, Trần lão sư rất vừa lòng. Tuyết theo Trần lão ra đi. Trên đường ngao du, Tuyết được thầy ngày đêm rèn luyện võ nghệ và truyền các kinh nghiệm của giới giang hồ.

Một hôm, trên đỉnh dốc cao, hai thầy trò gặp một tảng đá chận đường. Một bên là vực thẳm, một bên là sườn núi nên muốn đi qua phải đẩy được tảng đá xuống vực. Để thử sức và mưu trí của trò, Trần lão liền bảo Tuyết dẹp tảng đá. Nguyễn Văn Tuyết vâng lời, hai tay ôm tảng đá, vận sức xô xuống vực. Quả là một thanh niên có sức mạnh như Hạng Võ, Tuyết đẩy được tảng đá nghiêng dần dần về phía vực. Bỗng nhiên đánh rầm một tiếng, đất nơi bờ vực rời ra và sụt xuống, lôi nhanh tảng đá lăn theo. Nguyễn Văn Tuyết đang vận sức xô tới nên lỡ đà, loạng choạng sắp nhào theo. Nhanh như chớp, Trần lão đã nhảy đến, tay tóm lấy cổ áo, chân đạp mạnh vào tảng đá đang rơi làm điểm tựa, nhảy ngược lôi theo Tuyết về phía sau.

Sau một lúc định thần, Tuyết được thầy chỉ dạy:

- Khi tảng đá lung lay sắp đổ, lực đẩy của con vẫn còn và tiếp tục xô ra. Lúc thình lình đất rơi kéo theo tảng đá, con sẽ bị hẫng và dường như con trở lại bị tảng đá lôi theo. Khi ấy con phải nhanh chóng thu hồi nội lực, dùng tảng đá làm điểm tựa để nhảy vọt về phía sau. Cần phải đạp lên tảng đá một cách nhẹ nhàng, nếu đạp mạnh, con sẽ rơi theo. Thế đạp này giống như con chuồn chuồn khẽ động vào mặt nước lúc đang bay để cất cánh vút bổng lên.

Nguyễn Văn Tuyết nhờ theo thầy sống nhiều ở các khu vực núi rừng nên kinh nghiệm học được cũng không ít. Sau 5 năm theo thầy, Nguyễn Văn Tuyết được ân sư cho về nguyên quán để lập nghiệp. Bọn đồ đảng cũ tụ hội đón mừng. Sau đêm tiệc vui hội ngộ, Tuyết đã khuyên anh em đồng đảng giải tán, tìm việc làm lương thiện. Một số sau này theo Nguyễn Văn Tuyết quy phục nhà Tây Sơn.

Lời bàn về Nguyễn Văn Tuyết

Nguyễn Văn Tuyết được người đương thời phong là một trong "Thất hổ tướng" của nhà Tây Sơn. Là bậc võ nghệ cao cường lại giàu mưu lược và có biệt tài cầm quân, Nguyễn Văn Tuyết được phong dần lên đến Đô đốc. Năm 1792, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đột ngột qua đời, vua kế vị là Quang Toản không đủ năng lực, càng không đủ uy tín để giữ gìn và phát huy những thành tựu của vua cha để lại. Sau đó, chính quyền của vua Quang Toản bị chia rẽ và mất đoàn kết ngày càng nghiêm trọng. Lợi dụng cơ hội đó, Nguyễn Ánh đã liên tục tổ chức phản công. Và Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết đã chết trong một trận chiến không cân sức giữa quân Tây Sơn và quân của Nguyễn Ánh.

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có lẽ không có mấy ai lại phải chịu thiệt thòi lớn lao như các danh tướng nhà Tây Sơn. Họ là những người cả một đời xông pha oanh liệt với hàng loạt những chiến công kiệt xuất, nhưng sử sách ghi chép và lưu truyền về họ lại quá ít. Họ đã anh dũng chiến đấu quên mình vì nghĩa cả là cứu nước, cứu dân nhưng ngay sau đó thì sự nghiệp phi thường này bị triều đại của Nguyễn Ánh tìm đủ mọi cách xóa bỏ. Vì vậy, việc trả lại những gì mà các bậc tiền nhân xứng đáng được hưởng là trách nhiệm của hậu thế hôm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem