Cô trò ôm nhau khóc
Chúng tôi về vùng tâm chấn động đất những ngày cuối tháng 11, khi cả nước hưởng ứng tháng “dạy tốt - học tốt”. Cô Đỗ Thị Bích Phương - giáo viên Trường Mầm non Hoa Phượng, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My - cho hay: Động đất đã làm gián đoạn sự học của nhiều em. Các em không dám đến trường vì sợ. Mỗi lần động đất, cả cô lẫn trò khiếp đảm, chỉ biết ôm nhau khóc thét, chân cứng hết không chạy nổi ra ngoài.
|
Giáo viên Trường mầm non Hoa Phượng, xã Trà Đốc dỗ các cháu sau một trận động đất. |
Tôi đã nhiều lần tham gia tập huấn về ứng phó với động đất tại huyện, cũng biết rằng khi động đất xảy ra, cô trò nên chui xuống gầm bàn để an toàn. Nhưng đó là đối với học sinh lớp lớn. Còn ở đây, những em mầm non làm gì có bàn. Cả cô và trò đều ngồi trên những chiếc ghế nhựa bé tí. Khi động đất xảy ra không biết lấy bàn ở đâu mà chui. Cũng chẳng thể chạy ra khỏi lớp vì bế em này chạy thì em khác bỏ cho ai lo. Do vậy, cảnh động đất ầm ầm đã làm cho các em ngày càng sợ hãi.
Ngay cả học sinh tiểu học cũng hốt hoảng không kém khi có động đất xảy ra. Cô Nguyễn Thị Mây - giáo viên Trường Tiểu học Trà Tân cho biết: Động đất liên miên, trận này chưa nguôi thì trận khác lại tới. Mà mức độ lại cứ càng tăng thêm. Khi đang dạy học nghe tiếng gầm nổ trong lòng đất, lớp học rung lên bần bật là cô trò hốt hoảng, mạnh ai nấy chạy ra khỏi lớp vì sợ trường sập.
Sau động đất là... động viên
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Trà Đốc), cho biết: “Học sinh của trường chiếm trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Các em không thiết tha việc học. Nay lại có động đất nên càng có lý do để nghỉ”.
Để đảm bảo số học sinh, ngoài giờ học, nhà trường phân công giáo viên đến từng nhà vận động học sinh đi học lại. Khi giáo viên đến, nhiều phụ huynh nói thẳng: Con tui đến lớp học, mấy cô có đảm bảo an toàn cho nó khi có động đất xảy ra không? “Giáo viên không biết trả lời sao vì thực sự nếu có động đất xảy ra, cũng không biết bảo vệ các em bằng cách nào và cũng chẳng có gì đảm bảo là không có chuyện gì xảy ra” - cô Huệ bộc bạch.
Thầy Tùng lo lắng, trước đây chỉ có hơn 10 công trình trường học bị hư hỏng do động đất nhưng kể từ sau trận động đất mạnh 4,7 độ richter ngày 15.11 thì số trường bị hư hỏng đã tăng lên hoặc có trường hư hỏng nặng hơn, nhưng đến nay vẫn chưa được tu sửa.
Ông Hồ Văn Tuấn (thôn 1, Trà Đốc) - phụ huynh của mấy học sinh vừa nghỉ học, chia sẻ: Mình cũng muốn con em đi học kiếm cái chữ, nhưng động đất liên miên, trường học thì nứt nẻ. Lỡ con đang ngồi học, động đất làm sập trường thì sao? Nói thiệt, thấy mấy cô, mấy thầy nhiệt tình động viên, tôi cũng rất xúc động nhưng cho con đi học thì sợ lắm.
Thầy Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng GDĐT huyện Bắc Trà My buồn rầu: “Trong ngày 20.11 vừa qua, nhiều thầy cô ở huyện phải tranh thủ ngày nghỉ để đến nhà vận động học sinh bỏ học do động đất đến lại lớp. Động đất đã làm đảo lộn mọi thứ, nhất là không thể duy trì sĩ số học sinh và chất lượng dạy học. Thậm chí đến giáo viên, chúng tôi cũng phải vận động để thầy cô chịu bám trường, bám lớp. Các cô, các thầy ở những trường vùng động đất khổ lắm, không chỉ lo giáo án, bài dạy trên lớp mà mỗi tối còn phải đến từng nhà động viên các em”.
Trương Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.