Thất nghiệp làm... phó chủ tịch xã cho đỡ phí

Thứ tư, ngày 12/12/2012 06:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có thông tin UBND tỉnh Phú Yên sẽ tuyển trong số 1.000 sinh viên tốt nghiệp sư phạm chưa có việc làm để làm phó chủ tịch cấp xã. Điều này nhằm “tránh lãng phí tài năng cũng như chi phí đào tạo”.
Bình luận 0

Không dễ làm cán bộ xã

Sau hơn 5 năm cầm bằng đại học sư phạm bước vào “trận đồ” tìm việc, Cao Vĩ Nhánh (ở thôn Phụng Tường, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) thở hắt:

“Tôi xin khẳng định rằng mình có thừa lòng yêu nghề nhưng trước những bất cập trong tuyển dụng công chức ngành sư phạm của tỉnh, tôi đâm ra mệt mỏi và mất niềm tin vào lời hứa suông của các quan chức ngành giáo dục.

Bạn bè tôi ai cũng còn nhớ vị giám đốc sở GDĐT từng hứa với chúng tôi là sẽ tạo điều kiện cho những sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy của tỉnh sau khi ra trường. Nhưng thực tế thì sao? Chỉ một số ít trong đó được nhận nhiệm sở. Oái oăm thay có người từng bị rớt tốt nghiệp thì được bố trí công tác ngay khi có kết quả thi lại lần hai, còn người học giỏi thì bây giờ vẫn còn lơ ngơ ở ngoài…”.

img
Trường Đại học Phú Yên hiện đang đào tạo trên 2.000 sinh viên sư phạm.

Nhánh cho hay, cách đây mấy năm cũng có hỏi để xin dự tuyển vào “Dự án trí thức trẻ về công tác ở các xã nông thôn, miền núi Phú Yên” nhưng lý lịch… không đạt. “Em có nhờ một cán bộ Tỉnh đoàn Phú Yên hỏi thăm đầu mối xét tuyển, người ta nói lý lịch em không có khả năng phát triển Đảng nên không đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ” – Nhánh nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đa - Trưởng phòng Tổ chức Sở GDĐT Phú Yên, Sở có đề xuất với UBND tỉnh về việc bồi dưỡng theo chuyên đề (nhân lực mà tỉnh đang cần) đối với một phần giáo viên “thất nghiệp” để có thể tăng cường làm cán bộ xã hoặc thậm chí là phó chủ tịch UBND xã.

“Dù sao lực lượng sinh viên tốt nghiệp sư phạm cũng đã được tuyển chọn, đào tạo bài bản. Điều này tránh lãng phí nhân lực và đỡ phải tuyển dụng lực lượng cán bộ mới cho cấp xã” - ông Đa nói.

Thế nhưng theo ông Trần Quang Nhất- Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đề xuất của Sở GDĐT vẫn chưa được tỉnh phê duyệt…

Giải nạn thừa thầy?

Chỉ ở một tỉnh “nhỏ” như Phú Yên, mà hằng năm Sở GDĐT (đang quản khoảng 30 trường THPT) nhận trên 500 hồ sơ xin việc của sinh viên sư phạm “mới toanh”, chưa kể tại 9 phòng GDĐT cấp huyện. Mà lượng hồ sơ tại các phòng GDĐT mới gọi là “khủng”, bởi cấp huyện đang được phân cấp quản lý, tuyển dụng giáo viên THCS, tiểu học và mầm non (bình quân vài chục trường/huyện).

Riêng khoảng 30 trường THPT do Sở GDĐT Phú Yên trực tiếp quản lý đã dừng tuyển mới giáo viên từ 5 năm trước, do cung vượt xa cầu. Lượng hồ sơ sinh viên sư phạm “lũy kế” từ các năm của tỉnh hiện luôn ở con số hàng ngàn, trong lúc giải quyết tuyển dụng chỉ “nhỏ giọt”, chủ yếu là “giặm” vào “ghế” giáo viên về hưu hoặc giáo viên “đột xuất” chuyển tỉnh khác, về hưu hoặc nghỉ ngang công việc.

Ông Nguyễn Ngọc Đa cho hay: Có sinh viên sư phạm đã mừng như “cha chết sống dậy” khi bất ngờ được gọi nhận quyết định tuyển dụng sau nhiều năm “khổ nhục bám trụ”! Báo cáo từ các phòng GDĐT cấp huyện ở Phú Yên cho thấy, dẫu cấp huyện đang quản lý khá nhiều trường học nhưng tất cả đều đã “nêm kín” từ nhiều năm rồi. Tình hình tuyển dụng giáo viên cũng “khơi khơi, lấy lệ” để điền vào những “khoảng trống bất ngờ” do giáo viên hiếm hoi chuyển vùng hoặc nghỉ hưu. Ông Nguyễn Văn Tá- Giám đốc Sở GDĐT Phú Yên, nói: “Đây là một tồn tại thực tế, chưa có cách giải quyết thấu đáo…”.

Chỉ ở một tỉnh “nhỏ” như Phú Yên, mà hằng năm Sở GDĐT (đang quản khoảng 30 trường THPT) nhận trên 500 hồ sơ xin việc của sinh viên sư phạm “mới toanh”, chưa kể tại 9 phòng GDĐT cấp huyện.

Theo ông Trần Lăng -Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Phú Yên, “xuất thân” từ một trường cao đẳng sư phạm cách đây vài năm nên Trường Đại học Phú Yên hiện vẫn có “thế mạnh” đào tạo sư phạm. Thực tế tuyển sinh của trường “đại học tỉnh” đang rất khó khăn, dẫu nhiều năm đã “hạ chuẩn, vét sinh viên”.

Thế nhưng năm học vừa qua, Đại học Phú Yên vẫn đang có trên 2.000 sinh viên khối ngành sư phạm, chiếm khoảng 75% tổng sinh viên. Và năm học mới này, nhà trường được giao chỉ tiêu tuyển 1.800 sinh viên, trong đó, hơn 70% số sinh viên đăng ký học đại học, cao đẳng ngành sư phạm!

Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân chính của khủng hoảng thừa giáo viên là do Bộ GDĐT “phân phát” chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm cho các trường đào tạo nhưng không tiến hành khảo sát nhu cầu sử dụng tại các địa phương. Mà tỉnh nào giờ lại thiếu trường sư phạm? Thế nên cung và cầu “vênh nhau” là điều tất yếu!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem