Thất thu gần 13 triệu USD vì doanh nghiệp gỗ “lách” thuế?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 17/10/2017 16:00 PM (GMT+7)
Một nghiên cứu của nhóm doanh nghiệp (DN) gỗ tại TP.HCM cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, chênh lệch giữa giá gỗ xuất khẩu và giá gỗ nội địa cùng loại rất lớn, gây khả năng thất thu thuế cho ngân sách nhà nước lên tới gần 13 triệu USD.
Bình luận 0

Cụ thể, với mặt hàng gỗ xẻ (HS 4407), giá xuất khẩu căn cứ trên hóa đơn giá trị gia tăng của một số DN xuất khẩu gỗ sang thị trường Trung Quốc vào khoảng 231 USD/m3, trong khi giá của mặt hàng gỗ xẻ này tại thị trường nội địa lên tới 330 USD/m3. Tương tự, với mặt hàng gỗ bóc (HS 4408), giá xuất khẩu chỉ 65 USD/m3 trong khi giá nội địa của mặt hàng này lên tới 200 USD/m3.

img

Ước tính thuế thất thu của ngân sách Nhà nước với chênh lệch giá xuất khẩu gỗ và giá thị trường nội địa

Thất thu thuế lên tới gần 13 triệu USD?

Theo nghiên cứu của nhóm DN gỗ trực thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng lượng xuất khẩu gỗ xẻ (HS 4407) của Việt Nam vào khoảng 533.700 m3. Với chênh lệch tới 99 USD giữa giá xuất khẩu và giá nội địa, cùng với mức thuế xuất 20%, tổng số thất thu thuế nhà nước theo nghiên cứu của nhóm này lên tới hơn 10,5 triệu USD.

Tương tự, với mặt hàng gỗ bóc (HS 4408), ước tính 6 tháng đầu năm 2017, tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này khoảng 174.756 m3. Với chênh lệch giữa giá xuất khẩu và giá nội địa lên tới 135 USD, tổng số thất thu thuế nhà nước theo ước tính vào khoảng hơn 2,3 triệu USD.

Như vậy, tổng thất thu thuế nhà nước theo nghiên cứu của nhóm DN này lên tới gần 13 triệu USD (12.926.466 USD).

img

Sơ đồ đường đi của các DN gỗ "lách thuế"

Cũng theo điều tra của nhóm DN này, tình hình thất thu thuế không phải diễn ra trong thời gian gần đây mà có thể kéo dài từ những năm về trước. Cụ thể, với mặt hàng gỗ xẻ (HS 4407), giá xuất khẩu trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 dao động từ 223 - 247 USD/m3 thì giá mặt hàng này tại thị trường nội địa trung bình từ 320 - 330 USD/m3. Tương tự, mặt hàng gỗ bóc  xuất khẩu trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 cũng dao động 61 - 82 USD/m3 nhưng giá trị mặt hàng này ở thị trường nội địa lên tới 200 USD/m3.

img

Giá gỗ xuất khẩu từ năm 2016 đến nay

Trước những kết quả điều tra này, ông Nguyễn Vương Kim Bảo, đại diện DN Gỗ Tekcom nhận định, nhiều khả năng các DN xuất khẩu gỗ đã mua gỗ tròn (VAT bằng 0%) sau đó khai báo tự sản xuất để hợp thức hóa chứng từ và qua mặt cơ quan thuế chứ không thể xuất khẩu với giá rẻ mạt như vậy được. Nếu cơ quan chức năng không vào cuộc thì không những ảnh hưởng đến các DN sản xuất gỗ mà còn gây thất thoát nguồn thu thuế rất lớn.

img

Hóa đơn giá trị gia tăng của một số DN gỗ xuất khẩu có giá thấp hơn trị trường

Đồng quan điểm, ông Trần Minh Trí, đại diện một DN sản xuất gỗ tại Bình Dương cho rằng, mỗi năm ngành gỗ của Việt Nam sử dụng khoảng 30 triệu m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu, trong khi nguồn gỗ nguyên liệu từ trong nước chỉ cung cấp được 20 triệu m3. "Tuy nhiên hiện nay việc các DN xuất khẩu gỗ lại xuất đi các nước khác với giá 2/3 giá bán trong nước thì thật sự rất khó hiểu. Tôi đề nghị cơ quan thuế nên vào cuộc để xác minh có hay không việc hợp thức hóa chứng từ của các DN này", ông Trí bức xúc.

Làm sao để “kiểm soát chặt”?

Ngoài liên quan đến việc có thể xảy ra thất thu thuế, những số liệu mà nhóm DN này nghiên cứu cũng rất đáng để suy nghĩ. Cụ thể, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng xuất khẩu gỗ nguyên liệu tăng hơn 219% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý 1.2017 xuất khẩu hơn 107 nghìn m3 gỗ (cùng kỳ hơn 49 nghìn m3); bước sang quý 2.2017 xuất khẩu hơn 165 nghìn m3 gỗ (cùng kỳ 74,8 nghìn m3).

Về vấn đề này, ông Kim Bảo cho rằng, hiện các nước xung quanh chúng ta đã “đóng cửa rừng” nhưng Việt Nam lại đang xuất khẩu mạnh mặt hàng này dù trong nước nguồn nguyên liệu cho các DN sản xuất lại thiếu. Vì vậy, ông cho rằng có 4 nhóm giải pháp cần thực hiện để bảo vệ các DN sản xuất gỗ trong nước, đồng thời cũng tránh thất thu thuế với các DN xuất khẩu gỗ nếu các DN này cố tình khai báo gian dối để hợp thức hóa chứng từ.

Cụ thể, 4 nhóm giải pháp được ông Bảo đề xuất gồm: Xem xét khả năng down-invoice để tránh thất thu thuế đồng thời bảo vệ ngành sản xuất nội địa; Cấm xuất khẩu gỗ xẻ và gỗ bóc tương tự như các nước trong khu vực để thực sự bảo vệ thị trường nội địa; Áp giá xuất khẩu tối thiểu - tăng thuế suất xuất khẩu (gỗ bóc và gỗ xẻ); Kiểm tra tính minh bạch trong quá trình sản xuất gỗ nguyên liệu.

img

Hoạt động bảo vệ rừng của các quốc gia lân cận

Được biết, Việt Nam là quốc gia có nền công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu lớn thứ 5 trên thế giới, với kim ngạch đạt 7,3 tỷ USD năm 2016. Dự đoán, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), hiện kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam còn chiếm một tỷ trọng quá nhỏ bé so với giá trị tiêu thụ đồ gỗ trên toàn thế giới đạt khoảng 467,7 tỷ USD/năm.

“Điểm mấu chốt để ngành gỗ Việt Nam vươn ra thị trường thế giới vẫn là sản phẩm có giá trị cao, chưa kể muốn hướng tới các thị trường khó tính luôn đòi hỏi các quy trình nghiêm ngặt về nguồn gốc gỗ nhưng phần lớn DN Việt Nam chưa tạo được vị thế và uy tín với các thị trường lớn này”, ông Hạnh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem