Dân Thủ đô thiệt hại hàng trăm tỷ đồng/năm bởi điệp khúc ngập lụt, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đưa ra giải pháp gì?

Trần Quang Thứ ba, ngày 26/11/2024 06:08 AM (GMT+7)
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) Nguyễn Văn Lợi kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, có phương án hạn chế lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về... để giảm thiểu ngập lụt cho bà con ở địa phương.
Bình luận 0
Dân Thủ đô gặp điệp khúc ngập lụt thiệt hại hàng trăm tỷ/năm, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đưa ra giải pháp gì? - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) Nguyễn Văn Lợi kiến nghị đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, có phương án hạn chế lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về... để giảm thiểu ngập lụt cho bà con ở địa phương. Ảnh: Phạm Hưng

Đặt câu hỏi tại Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” diễn ra sáng 24/11,Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) Nguyễn Văn Lợi: Đề nghị có phương án hạn chế lũ rừng từ thượng nguồn đổ về

Huyện Chương Mỹ có 32 xã, thị trấn, có 11 xã, thị trấn thường xuyên bị ngập lụt bởi lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về, kết hợp với nguồn nước sông Bùi, sông Tích khi có mưa dâng cao, làm ảnh hưởng đến 91 thôn, xóm với trên 23.000 hộ, 122.000 nhân khẩu. 

Trong đó, có 16 thôn với khoảng 2.672 hộ, 10.200 nhân khẩu thường xuyên bị ngập khi có mưa lớn, làm chia cắt, cô lập ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt; hư hỏng đến các công trình di tích lịch sử các khu vui chơi, nhà văn hóa đặc biệt là tài sản của các hộ dân. 

Đồng thời đồng ruộng không thể canh tác, sản xuất được như cơn bão số 2 (tháng 7/2024) gây nước ngập 20 ngày mới rút và chỉ sau 1 tháng nhân dân lại chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, gây ngập lụt gần một tháng, nông dân chịu thiệt hại nặng nề trên 480 tỷ đồng.

Để đảm bảo ổn định cuộc sống cũng như sản xuất, phát triển kinh tế cho nông dân, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, có phương án hạn chế lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về như: Nạo vét các hồ chứa, vì hiện nay, hồ chứa nước khu vực lũ rừng ngang đã bị bồi đắp diện tích lòng hồ không đủ sức chứa nước khi có mưa lớn. Đồng thời, khơi thông dòng chảy sông Bùi, sông Tích, sông Đáy, xây dựng kênh cắt lũ rừng ngang để giảm thiểu ngập lụt cho nhân dân.

Dân Thủ đô gặp điệp khúc ngập lụt thiệt hại hàng trăm tỷ/năm, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đưa ra giải pháp gì? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ TNMT Đỗ Đức Duy trả lời kiến nghị của đại biểu tại diễn đàn. Ảnh: Phạm Hưng

Giải đáp câu hỏi, kiến nghị của đại biểu Nguyễn Văn Lợi ở Chương Mỹ (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ TNMT Đỗ Đức Duy cho biết: Câu hỏi mà ông Đỗ Văn Lợi nêu về ngập úng từ hoàn lưu cơn bão số 3, trước tiên, bão số 3 bão rất mạnh, mạnh nhất trong nhiều chục năm gần đây, tác động của hoàn lưu bão gây hậu quả lớn.

Cuối mùa lũ thường xuyên theo chu kỳ hàng năm ở miền Bắc, khi chúng ta vừa điều tiết hồ chứa, tránh trường hợp chúng ta tháo cạn hồ trước mùa khô thì khó điều tiết cho sản xuất.

Hệ thống lũ trên nhiều sông trên các tỉnh miền núi phía Bắc được ghi nhận đều vượt xa so với đỉnh lũ lịch sử theo tần suất 100 năm mà chúng ta đã ghi nhận.

Trong thời điểm khó khăn như thế, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các bộ ngành phải thường xuyên ứng trực, theo dõi để đảm bảo an toàn các hồ chứa, vừa đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân.

Theo đó, khi xả lũ tại các hồ chứa, đập thủy điện gây ra ngập úng ở hạ lưu, đây là điều không ai mong muốn nhưng đây là giải pháp hợp lý bảo đảm an toàn cho các hồ, đập và khả thi để đảm bảo mọi tình huống, an toàn cho tài sản và tính mạng cho nhân dân. Đây là các giải pháp căn cơ và khả thi nhất và hạn chế thiệt hại xuống mức thấp nhất mà chúng ta thực hiện.

"Vì vậy, chúng tôi xin chia sẻ với khó khăn, thiệt hại mà bà con huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vừa phải trải qua và gánh chịu.

Sau bão, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, đưa ra các giải pháp và giao Bộ TNMT chủ chì và các bộ ngành có liên quan để điều chỉnh vận hành liên hồ chứa, hồ thủy lợi quy mô lớn để làm sao vừa vận hành hiệu quả các hồ chứa, trong đó có hồ thủy điện lớn như Thác Bà, Hòa Bình... làm sao vừa bảo đảm tốt cho các hồ, đập và tài sản vừa giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo tính mạng của người dân", Bộ trưởng Bộ TNMT khẳng định.

Đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Bộ TNMT, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) Nguyễn Văn Lợi cho hay: Bộ trưởng Bộ TNMT cùng Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, điều hành diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" và phần trả lời, giải đáp thắc mắc của bà con rất cụ thể, ngắn gọn, đầy đủ.

"Các đại biểu, nông dân chúng tôi đều cảm nhận thấy không khí trao đổi, giải đáp tại diễn đàn rất hay, ý nghĩa và thoải mái. Chúng tôi rất mong Ban tổ chức tổ chức thêm nhiều diễn đàn, hội nghị "Lắng nghe nông dân nói" để tạo thêm cơ hội để mọi người được nói lên tiếng nói của mình và được các cơ quan nhà nước tháo gỡ kịp thời các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh", ông Lợi kiến nghị thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem