Lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD, riêng Trung Quốc đã chiếm 4 tỷ USD
Lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD, riêng Trung Quốc đã chiếm 4 tỷ USD
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 26/11/2024 06:38 AM (GMT+7)
Sự vươn lên mạnh mẽ của ngành hàng sầu riêng đã giúp lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu (XK) rau quả của Việt Nam năm 2024 có thể chạm mốc 7 tỷ USD.
9 tháng, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt 2,45 tỷ USD
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 9/2024, Trung Quốc nhập khẩu 228.000 tấn sầu riêng, trị giá 894,58 triệu USD, tăng 58,4% về lượng và tăng 39% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu xấp xỉ 1,38 triệu tấn sầu riêng, trị giá 6,2 tỷ USD, tăng 11,2% về lượng và tăng 5,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 9/2024, giá bình quân nhập khẩu sầu riêng vào Trung Quốc đạt mức 3.926 USD/tấn, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng năm 2024, giá nhập khẩu bình quân sầu riêng vào Trung Quốc đạt mức 4.497 USD/tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu nguồn cung, tháng 9/2024, Việt Nam trở thành nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc, lượng đạt xấp xỉ 177.000 tấn, trị giá 640,72 triệu USD, tăng 90% về lượng và tăng 71,5% về trị giá so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 618.000 tấn sầu riêng từ Việt Nam, trị giá 2,45 tỷ USD, tăng 72,2% về lượng và tăng 57,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, Trung Quốc giảm nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan trong tháng 9/2024. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2024, Thái Lan vẫn là nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc, lượng đạt gần 755.000 tấn, trị giá 3,73 tỷ USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong khi giá bình quân nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc từ Thái Lan đạt mức 4.947 USD/tấn, tăng 0,9% thì ngược lại, giá bình quân nhập khẩu từ Việt Nam giảm 8,7%, xuống mức 3.962 USD/tấn.
Xuất khẩu rau quả lập kỷ lục mới
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK rau quả của Việt Nam trong tháng 10/2024 giảm 43,3% so với tháng 9/2024 và giảm 14,6% so với tháng 10/2023, đạt 519,8 triệu USD. Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch XK rau quả của nước ta đạt 6,16 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành là mặt hàng sầu riêng, tỷ trọng chiếm 49,86% tổng kim ngạch XK hàng rau quả của cả nước. Tháng 10/2024 so với tháng 9/2024, kim ngạch XK rau quả sang một số thị trường truyền thống và tiềm năng giảm, gồm: Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Đài Loan. Ngược lại, XK rau quả tăng tới các thị trường: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Nga. So với tháng 10/2023, kim ngạch XK rau quả của Việt Nam sang các thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Đài Loan giảm; nhưng XK tới các thị trường tiềm năng khác tăng.
Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch XK rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn tăng trưởng khả quan, ngoại trừ Hà Lan. Như vậy, trong 10 tháng năm 2024, ngành hàng rau quả của Việt Nam nỗ lực khai thác tốt nhiều thị trường tiềm năng như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất…
Tính chung trong 10 tháng qua, XK rau quả sang Trung Quốc đã đạt 4,098 tỷ USD. Con số này đã vượt xa kỷ lục XK đạt được trong cả năm 2023 là 3,6 tỷ USD riêng tại thị trường Trung Quốc.
Tại Mỹ, nhiều sản phẩm trái cây, rau củ của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng. Trong đó, trái dừa, chanh leo và nhiều sản phẩm khác sẽ tiếp tục được quảng bá mạnh mẽ tại Mỹ. Với thị trường Úc, trong tháng 10/2024, hơn 1,5 tấn chanh leo đầu tiên đã được XK sang thị trường này, mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng rau quả Việt Nam vào thị trường được đánh giá là "khó tính" nhất thế giới.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), Bộ Công Thương, đây là lần đầu tiên trong một năm, XK rau quả Việt Nam vượt mốc 6 tỷ USD. VITIC cho biết, ngoài sầu riêng, nhiều loại rau quả xuất khẩu chủ lực khác như nhãn, dừa, xoài, mít… cũng tăng đáng kể về kim ngạch XK so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, XK thanh long lại giảm. 9 tháng đầu năm, kim ngạch XK thanh long giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2023, xuống còn 392 triệu USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chia sẻ, sầu riêng vẫn là động lực chính để XK rau quả Việt Nam lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD. Ước tính đến hết tháng 10, XK sầu riêng đã đạt trên 3 tỷ USD. Dự kiến trong cả năm nay, sầu riêng có thể mang về 3,5 tỷ USD từ hoạt động XK.
Sản lượng nhiều loại trái cây chủ lực tăng trong năm nay đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng mạnh của XK rau quả. Theo VITIC, tính chung 10 tháng năm 2024, sản lượng hầu hết các loại trái cây chủ lực của cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm 2023 nhờ diện tích cho thu hoạch tăng, trong đó sầu riêng tăng hơn 20% lên hơn 1,1 triệu tấn; xoài đạt 858.000 tấn, tăng 3,6%; cam tăng 2,3% lên 1,15 triệu tấn… Riêng thanh long giảm 4,8%, còn 841.700 tấn.
VITIC nhận định, trong các tháng cuối năm nay, XK rau quả tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng từ các thị trường thế giới vào dịp cuối năm, nhất là Trung Quốc, cộng với hiệu quả từ các Hiệp định thương mại tự do và các Nghị định thư. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, một số loại trái cây XK chủ lực như sầu riêng, xoài, mít, nhãn… vào vụ nghịch sẽ khiến nguồn cung thu hẹp. Vì vậy, dự báo XK qua quả trong các tháng còn lại của năm có thể giảm đáng kể so với các tháng 8 và 9, nhất là ở mặt hàng sầu riêng.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhận định, triển vọng XK rau quả cuối năm 2024 nhìn chung vẫn sẽ khả quan do yếu tố mùa vụ. Mặc dù sầu riêng chính vụ đã kết thúc vào tháng 10, nhưng Việt Nam vẫn còn hàng trái vụ. Bên cạnh đó, kim ngạch XK nhiều mặt hàng rau, củ, quả và sản phẩm chế biến khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao. Điều này cho thấy, chất lượng hàng rau quả của Việt Nam ngày càng được nâng cao nhờ áp dụng quy trình sản xuất hiện đại với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó, ngành hàng rau quả Việt Nam có sự đa dạng về chủng loại và cạnh tranh về giá.
Do đã vượt mốc 6 tỷ USD sau 10 tháng, nên trong 2 tháng còn lại của năm nay, chỉ cần duy trì kim ngạch XK ở mức khoảng 500 triệu USD/tháng, xuất khẩu rau quả của Việt Nam hoàn toàn có thể vượt mốc 7 tỷ USD.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.