Cách giải thích của người đứng đầu ngành Giáo dục Đào tạo TP.HCM - ông Lê Hồng Sơn, xoay quanh việc “bỏ chương trình cũ và áp dụng chương trình mới” khiến cho nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên, phụ huynh có chung nhận định: Sở GD-ĐT đang lao vào một cuộc phiêu lưu với nhiều rủi ro mà người gánh hậu quả chính là các em học sinh.
"Theo chương trình tích hợp mới, học sinh bậc tiểu học sẽ được học môn Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh. Nếu lên lớp 6, học sinh phải chuyển sang trường khác, nơi đó không có chương trình “Tích hợp - Quốc gia Anh” này, học sinh đó sẽ làm sao theo học chương trình dạy bằng tiếng Việt bình thường? Kiến thức của học sinh ấy chẳng lẽ phải “dịch” trọn vẹn sang tiếng Việt để em có thể theo kịp bạn bè ở trường mới?
Nếu học sinh đang theo học chương trình “Tích hợp - Quốc gia Anh” này, được một vài năm thì chương trình này bị hủy bỏ (như với chương trình Cambridge hiện nay) thì các em phải làm sao với mớ kiến thức Toán và khoa học bằng tiếng Anh? Không lẽ phải bắt các em học lại kiến thức những năm học đó bằng tiếng Việt? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho chương trình ‘thí điểm’ đó?..."
Những thắc mắc đó của phụ huynh và cũng là của nhiều người làm giáo dục đều nhận được câu trả lời của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM là: “Việc chứng minh được chương trình “Tích hợp - Quốc gia Anh” có tốt hay không thì thời gian sẽ trả lời. Chúng ta không thể ngồi đây đánh giá được chương trình có tốt hay không hoặc chất lượng như thế nào?”.
Rõ ràng, cách trả lời của người đứng đầu ngành GD-ĐT TP.HCM không thuyết phục. Thậm chí là gây cho người ta cảm giác Sở GD-ĐT đang đưa ra biện pháp “chống chế” trong việc thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục mà không hề có sự chuẩn bị kỹ càng.
Cũng cần phải nhìn lại một chút về chương trình Cambridge. Đây là chương trình được chính Sở GD-ĐT triển khai từ năm 2010 (sau 2 năm thí điểm từ 2008). Ngay khi triển khai, đã có nhiều ý kiến cho rằng chương trình Cambridge cũng bộc lộc nhiều vấn đề về nội dung, chưa thật sự phù hợp với trình độ của HS Việt Nam và mức học phí không hề dễ thở (3 triệu đồng/tháng).
Chi phí cao, phần lớn chỉ các “trường điểm” ở quận trung tâm mới có điều kiện tham gia, nhưng với nhiều hứa hẹn hấp dẫn: lấy bằng tốt nghiệp tú tài Cambridge, được nhiều nước trên thế giới công nhận… Chương trình Cambridge trở nên hấp dẫn nhiều khiến nhiều bậc phụ huynh phải “chạy trường”, “lo lót”… để con em mình vào bằng được những trường tổ chức dạy. Và đến nay, toàn TP hiện có 27 trường tiểu học, THCS đang giảng dạy chương trình này với 4.800 HS theo học.
Thế rồi, chương trình bất ngờ ngưng tuyển sinh thay bằng một chương trình khác, phụ huynh rơi vào cảm giác bị bỏ rơi sau rất nhiều công sức, đầu tư lẫn sự tin tưởng.
Đổi lại, cách giải thích của ngành GD-ĐT khi bỏ chương trình này cũng hết sức mơ hồ: “Chương trình Cambridge khi nó là một chương trình của nước bản xứ, không đáp ứng được yêu cầu học sinh vừa được tiếp cận nội dung tiên tiến, hiện đại nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa dân tộc”.
Vậy trước khi đưa chương trình Cambridge vào giảng dạy, phải chăng Sở GD-ĐT đã vội vàng mà chưa có thẩm định? Với chương trình “Tích hợp - Quốc gia Anh” này, Sở đã thẩm định được bao nhiêu mà đã áp dụng cho học sinh? Phải chờ bao lâu mới có kết quả thẩm định hay chỉ dựa vào câu “thời gian sẽ trả lời” mà Sở GD-ĐT nhắn nhủ?
Nếu không chắc chắn về tính hiệu quả của chương trình, xin đừng đưa các em học sinh ra làm "thí nghiệm” nữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.