Thầy cô góp tiền làm Tết sớm cho học trò vùng cao

Lê San Thứ ba, ngày 02/02/2016 10:15 AM (GMT+7)
Thưởng tết của mình không có nhưng các thầy cô giáo vùng cao năm nào cũng có quà tết cho các em học sinh. Khi là bữa cỗ liên hoan cuối năm, khi là chút quà để các em mang về nhà.
Bình luận 0

Mổ lợn tất niên

Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Pá Hu, ở xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, có 448 em học sinh, trong đó có 323 em ở bán trú. 100% các em đều là người dân tộc thiểu số (DTTS). Từ năm học 2010 – 2011, cũng là năm nhà trường có chế độ nội trú, trước khi các em về nhà nghỉ tết, nhà trường sẽ mổ lợn, tổ chức nấu bánh chưng để các em được hưởng trước niềm vui tết đến. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trong năm học, nhà trường tận dụng số cơm thừa tăng gia nuôi lợn, ngan, gà, và trồng rau để cải thiện bữa ăn cho các em. Đến gần tết, trường cũng để dành một con lợn mổ liên hoan chia tay trước khi các em về nhà đón tết. Các thầy cô giáo mỗi người đóng góp thêm một ít để mua các vật liệu về cho các em gói bánh chưng. Chỉ là hoạt động nhỏ thôi, nhưng các em rất háo hức, vì tết truyền thống của dân tộc các em rất khác so với tết của người Kinh.

img

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Trạm Tấu trong bữa cơm tất niên trước khi về nhà ăn tết.     L.S

Bận rộn giúp các thầy cô giáo chuẩn bị vật liệu gói bánh chưng, em Mùa Thị Ca (lớp 7A) không giấu được niềm thích thú: “Người Mông chúng em đón tết cổ truyền chỉ có bánh giày thôi không có bánh chưng như thế này đâu. Chúng em được xum vầy bên nhau, cùng gói bánh, cùng chờ từng cái bánh chín rồi cắt ra chia nhau, thích lắm”.

"Những hoạt động mổ lợn liên hoan hay tặng quà cho các em học sinh nghèo nhỏ thôi nhưng đã góp phần giúp các em gắn bó hơn với trường lớp hơn. Nhiều năm nay, từ sau Tết, chúng tôi đã không còn phải vất vả đến từng nhà để vận động các em đi học nữa. Các em học sinh bây giờ thích đến trường hơn ở nhà”. 
Thầy Nguyễn Duy Tiến 
– Hiệu trưởng Trường PTDTBT 
Tiểu học và THCS xã Trạm Tấu

Trường học những ngày cuối năm dường như rộn ràng hơn, không khí tết dường như đã đến tự bao giờ khi các em học sinh và cả các thầy cô giáo đều háo hức chuẩn bị cho buổi liên hoan cuối năm. Ở Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Trạm Tấu, nhà trường vừa mới mổ hết mấy con lợn nuôi đợt trước cho các em ăn nên hiện tại không còn lợn để làm liên hoan. Nhưng không để cho các em thiệt thòi so với năm trước, các thầy cô  đã góp nhau mua con lợn về làm tiệc liên hoan chia tay các em và thầy cô giáo về nhà ăn tết.

Tặng quà cho trò nghèo

Cũng cứ mỗi độ xuân về, tết đến, nhiều nhà trường ở vùng cao lại tổ chức thăm hỏi những học sinh thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các bản xa. Ở Trường Tiểu học Nà Ca (thị trấn Pắc Miều, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), năm nào cũng vậy, các cô giáo trong trường cũng đóng góp, trích từ quỹ Công đoàn ra một ít để mua quà cho các em thuộc diện khó khăn. Quà cũng không có gì nhiều chỉ là ít kẹo, bánh, quần áo, giày dép.

Trường có hơn 150 em học sinh, chủ yếu đều là con em người DTTS nghèo, sống rải rác ở trên núi cao. Để có một phần quà nhỏ tặng các em nhân dịp tết đến xuân về cũng là cố gắng lớn của các thầy giáo, cô giáo ở đây. Cô Hiệu trưởng Nông Thị Lới kể: Tới gần tết, Đoàn trường tổ chức kêu gọi các thầy cô trong trường, cùng các tổ chức, đoàn thể quyên góp tiền để làm quà tết cho học sinh. Muốn làm được việc này, gần cuối năm, trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm khảo sát đối tượng học sinh ở xa trong các bản, sau đó lập danh sách để nhà trường tổ chức đoàn thăm hỏi, tặng quà cho các em ngay tại nhà trước khi nghỉ tết.

img

Giáo viên Trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn thăm và tặng quà tết cho gia đình học sinh.   I.T

Một số em ở điểm trường cách xa trung tâm, nhà ở trên tận núi cao, phải đi bộ nhiều giờ liền, nhưng các thầy cô giáo vẫn không ngần ngại trèo đèo lội suối đến tận nơi để trao quà cho các em. “Ở dưới xuôi, bố mẹ tặng quà cho các thầy cô giáo dịp tết đến, nhưng ở trên này thì ngược lại. Nhiều năm nay, ý thức của bố mẹ của các em về học hành của con em mình đã có nhiều thay đổi so với trước nhưng vẫn còn vất vả lắm.

Những đồng quà, tấm bánh tuy nhỏ nhưng có tác động động viên tới cả phụ huynh và học sinh. Bố mẹ các em ngày càng tin tưởng giáo viên, khuyến khích các em đến trường để đi học. Mấy năm gần đây, các thầy cô giáo đã không còn phải vất vả đi vận động học sinh ra lớp sau tết hay nghỉ hè” – cô Lới cho hay.

Tổ chức tặng quà tết cho học sinh xong, các thầy cô giáo vùng cao mới thu dọn đồ đạc để về quê ăn tết! Câu chuyện nghe lạ mà trở thành một lẽ thường tình với các thầy cô nơi bản xa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem