TS Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng trường dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - khẳng định việc giáo viên và học trò dùng chung nhà vệ sinh không phải là sáng kiến mà là "tối kiến".
TS Tùng Lâm phân tích về nguyên tắc, giáo viên sẽ có nhà vệ sinh riêng và học sinh cũng phải có khu riêng giữa nam và nữ.
Thầy trò ra vào nhà vệ sinh cùng nhau sẽ không tốt
“Nếu đi chung thì hình ảnh của người giáo viên sẽ khác trong mắt học sinh. Thầy trò ra vào nhà vệ sinh cùng nhau sẽ không tốt”, TS Lâm nhận định.
Ông cũng cho rằng việc dùng chung WC có thể khiến nhà vệ sinh của học sinh bớt bẩn, song nhiều em lại cố “nhịn” vì ngại va chạm với thầy cô mà không dám đi, ảnh hưởng đến sức khỏe.
TS Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng trường dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).
“Đây là điều không nên làm”, TS Lâm cho ý kiến. Ông cũng chỉ ra rằng để cải thiện tình trạng nhà vệ sinh bẩn, trước hết, các trường nên thuê lao công thu dọn sau mỗi tiết học.
“Nhà trường hay hiệu trưởng phải coi giữ nhà vệ sinh sạch sẽ là việc không hề nhỏ, yêu cầu tối thiểu đối với mỗi trường”, TS Lâm nói.
Bên cạnh việc dọn dẹp thường xuyên, đặt các khẩu hiệu giữ gìn toilet cũng là cách thay đổi ý thức của học sinh.
“Học sinh trường nào cũng có em nghịch, chúng ta nên đặt những khẩu hiệu như 'Bảo vệ của công là người có văn hóa' để tác động đến ý thức của các em trong việc giữ gìn vệ sinh chung”, TS Lâm chia sẻ.
Hai nhà vệ sinh gánh cả 600 học sinh: Quá tải?
Thầy Lê Thảo - giáo viên dạy Toán của một trường ở Hà Nội - cho rằng không thể ghép chung nhà vệ sinh của học trò và giáo viên. Bởi lẽ, nhiều thầy cô không thoải mái khi đi chung với học sinh vì các em sẽ nhìn mình hoặc chính học sinh cũng e ngại khi đi cùng với giáo viên.
“Việc bố trí chung không làm cải thiện chất lượng nhà vệ sinh mà còn khiến cả thầy cô và học sinh đều khó xử. Nếu đi chung, học sinh có khi còn không dám đi, buồn thì cũng phải nhịn”, thầy Thảo nhận định.
Thầy giáo cũng cho rằng chuyện vệ sinh của học trò chưa bao giờ nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà vệ sinh của giáo viên được quan tâm nên sạch hơn, còn của học sinh thì luôn đông, quá tải dẫn đến hôi hám.
Nhà vệ sinh dành cho học trò ở một số trường luôn bẩn, bốc mùi.
“Mấu chốt của vấn đề này là sự quan tâm của ban giám hiệu. Cứ để bẩn, học sinh nhịn đi.
Về lâu dài, việc này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của các em. Nếu không được quan tâm, một nhà vệ sinh sạch sẽ, thơm tho vẫn còn trong mơ ước”, thầy Thảo nhận định.
Bên cạnh đó, thầy nhận định rằng đối với các trường ở Hà Nội, học sinh nhiều, nhà vệ sinh ít nên mới có tình trạng này.
"Trường tôi dạy có 2 nhà vệ sinh, một tầng có tới gần 300 em. Như vậy thực tế so với nhu cầu sẽ quá tải. Dù lao công dọn dẹp thường xuyên, toilet vẫn bốc mùi”, thầy Thảo cho biết.
Tuy nhiên, thầy cũng thừa nhận việc có nhiều nhà vệ sinh hơn thì tốt, song không phải trường nào cũng có kinh phí để xây và cải tạo, nhất là các trường công lập.
Do đó, việc học trò giữ được vệ sinh chung là điều quan trọng. Nhưng thực tế, nhiều em nghịch ngợm còn ném đủ thứ bẩn thỉu vào bồn cầu.
Đỗ Hợp (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.