Thay đổi thủ tục cấp giấy đi đường: Nhiều phường, xã đang lúng túng

Phạm Hiệp Thứ bảy, ngày 04/09/2021 12:09 PM (GMT+7)
Việc triển khai quy định mới của Công an Hà Nội về thủ tục cấp giấy đi đường cho người dân, doanh nghiệp Hà Nội đang khiến nhiều xã, phường lúng túng.
Bình luận 0

Vừa làm vừa chờ

Công an TP.Hà Nội được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức thực hiện quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố; hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn Thành phố.

Theo cơ quan này, đơn vị đã hoàn thành và từng bước triển khai phần mềm cấp, kiểm tra giấy đi đường có nhận diện cho đối tượng đủ điều kiện tham gia giao thông qua mã QR code trên địa bàn TP.Hà Nội.

Công an TP.Hà Nội dự kiến cấp giấy đi đường cho 6 nhóm đối tượng từ ngày 6/9.

Sáng nay (4/9), ghi nhận của PV Dân Việt tại một số địa bàn thuộc phân vùng 1 ("vùng đỏ") tại Hà Nội, các phường, xã đang triển khai việc rà soát các cá nhân, doanh nghiệp… trên địa bàn.

Thay đổi thủ tục cấp giấy đi đường: Khó chồng khó - Ảnh 1.

Theo ghi nhận của Dân Việt, sáng 4/9, nhiều đơn vị ở cấp xã, phường mới chỉ đang thực hiện rà soát các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu. (Ảnh: N.Đ)

Tại một xã trên địa bàn huyện Thanh Trì, thông tin từ Chủ tịch UBND xã này cho biết, Công an xã đang tiếp nhận tất cả các hồ sơ của doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu, tổng hợp xong sau đó báo cáo UBND xã. Theo vị lãnh đạo này, nếu ngay từ thời điểm này triển khai luôn thì quá tải.

"Theo yêu cầu của bên Công an phải trang bị 2 máy tính, máy phải "sạch", chưa có dữ liệu nào. Máy tính này thì theo quy định xã, phường không được mua. Chúng tôi đã báo cáo việc này lên cấp trên. Xã không thể tự mua, không đáp ứng được việc này" – vị Chủ tịch UBND xã ở huyện Thanh Trì nói.

Đến thời điểm sáng ngày 4/9, thông tin từ vị Chủ tịch UBND xã, địa phương ông chưa có hồ sơ nào về đề nghị cấp giấy đi đường.

"Cũng đang rất là khó, phải có hướng dẫn nào cụ thể, chi tiết hơn" – vị lãnh đạo UBND xã nhìn nhận.

Chủ tịch UBND xã nêu trên cũng bày tỏ quan điểm, theo ý kiến của ông, việc lấy toàn bộ dữ liệu của UBND xã đã triển khai thực hiện rồi để cho Công an kiểm tra, quản lý, đưa vào thiết chế mạnh hơn nữa thì sẽ "hay hơn".

"Còn bây giờ xin lại hồ sơ, làm lại từ đầu thì đúng là không phải một sớm, một chiều mà xong được" – vị Chủ tịch UBND xã nói.

Cũng trao đổi với Dân Việt, một lãnh đạo Công an xã trên địa bàn huyện Thanh Trì xác nhận, lực lượng Công an xã này hiện mới đang rà soát, thống kê các trường hợp có nhu cầu, "vừa làm vừa theo hướng dẫn của Công an Thành phố".

"Đơn vị đang lập danh sách, đang hướng dẫn cho các cơ sở doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Phân theo từng địa bàn của khu dân cư, Cảnh sát khu vực sẽ đi kiểm tra, rà soát. Ai có nhu cầu thì sẽ chủ động đăng ký với cảnh sát khu vực để tổng hợp" – vị lãnh đạo Công an thông tin.

Thay đổi thủ tục cấp giấy đi đường: Khó chồng khó - Ảnh 2.

Theo lãnh đạo UBND 1 xã trên địa bàn huyện Thanh Trì, cần phải có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn liên quan đến việc cấp giấy đi đường. (Ảnh: N.Đ)

Theo vị lãnh đạo Công an xã trên, cũng đã có một vài trường hợp đến đăng ký, hiện xã đang tổng hợp để gửi về Công an huyện, Công an Thành phố. Công an TP.Hà Nội sẽ xét trong 6 nhóm đối tượng, đơn vị nào đủ điều kiện hoạt động thì sẽ trao đổi bằng mail với nhau.

Ở địa bàn quận Thanh Xuân, các lực lượng cũng đang tiến hành rà soát nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Trao đổi với PV, Trưởng Công an phường Kim Giang cho biết, các Cảnh sát khu vực đang tiến hành rà soát các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, các đối tượng thiết yếu.

"Sáng nay chúng tôi chưa nhận được hồ sơ nào" – Trưởng Công an phường Kim Giang cho biết.

Cũng theo vị lãnh đạo Công an phường Kim Giang, về tiến độ cấp giấy đi đường cho người dân, doanh nghiệp ông cho rằng cũng sớm, vì cơ bản nằm trên phần mềm của Công an Thành phố hướng dẫn.

Khó chồng khó

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia pháp lý Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhìn nhận, việc thay đổi thủ tục liên tục có thể sẽ làm khó cho cơ quan chức năng và khó cho công dân, doanh nghiệp.

Với vấn đề quy định lại về việc cấp giấy đi đường, vị luật sư cho rằng vẫn chưa hợp lý, chưa khả thi.

"Quy định, hướng dẫn có những nội dung khó hiểu, dẫn đến áp lực cho người dân, doanh nghiệp và quá tải đối với cơ quan chức năng trong việc cấp giấy đi đường.

Theo dự kiến quy trình cấp giấy đi đường thì có hai cơ quan (2 cấp) có thẩm quyền cấp giấy là Công an phường và Công an thành phố (Công an phường cấp giấy đi đường cho cá nhân, Công an cấp thành phố cấp giấy cho tổ chức, doanh nghiệp).

Trong khi đó, đối tượng được phép đi lại theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại Hà Nội là rất lớn. Nếu để hai đầu mối này cấp giấy đi đường thì chắc chắn là quá tải, chậm trễ dẫn đến khó khăn cho công dân, doanh nghiệp và quá tải về công việc đối với hai cơ quan này" – luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Thay đổi thủ tục cấp giấy đi đường: Khó chồng khó - Ảnh 3.

Vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhìn nhận, việc quá tải với 2 đầu mối cấp giấy đi đường là điều hoàn toàn có thể xảy ra. (Ảnh: N.Đ)

Với số lượng người được phép ra đường như hiện nay rất nhiều, khi quá nhiều người gọi điện và liên hệ qua email của cơ quan chức năng, các đầu mối tiếp nhận thông tin và xem xét cấp giấy, theo vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội, hiện tượng quá tải hoàn toàn có thể xảy ra.

Và chuyện phải bổ sung thêm rất nhiều lực lượng để nghe điện thoại, đọc email và hướng dẫn các thủ tục là điều có thể sẽ phải thực hiện sớm.

"Khi thủ tục hoàn thành, cơ quan chức năng cấp giấy đi đường thì việc trao giấy đi đường cho người dân cũng là câu chuyện rất khó khăn bởi số lượng lớn, địa chỉ phức tạp nên cần phải một được người chuyển phát rất lớn, riêng lực lượng chuyển phát giấy đi đường này cũng có thể gây ùn tắc, ách tắc giao thông, khiến mật độ giao thông tăng cao" – cái khó tiếp theo được luật sư Đặng Văn Cường nêu.

Mặt khác, theo vị luật sư, đối với 6 nhóm người được phép ra đường theo đề xuất, đối chiếu với Chỉ thị 16 vẫn thiếu một số đối tượng như những người hoạt động trong cơ quan bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng. Thủ tục cấp giấy đi được đối với người hoạt động trong lĩnh vực báo chí cũng chưa rõ ràng.

Thay đổi thủ tục cấp giấy đi đường: Khó chồng khó - Ảnh 4.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, Hà Nội cần lắng nghe các ý kiến đóng góp, tham khảo để đưa ra được các biện pháp phòng, chống Covid-19 hiệu quả. (Ảnh: N.H)

"Rất nhiều người đang khó hiểu và tranh cãi là họ thuộc nhóm nào trong số 6 nhóm đối tượng nêu trên bởi dự thảo không nhắc đến. Trong hướng dẫn thì có nội dung là công dân gọi điện, liên hệ với cảnh sát khu vực để được hướng dẫn. Nội dung này là không cần thiết và có thể gây tập trung đông người, quá tải trong việc nghe điện thoại.

Đã là hướng dẫn thì phải hướng dẫn bằng văn bản, khi mọi người tiếp cận bằng văn bản sẽ dễ hiểu, một người dân lao động có thể hiểu được và thực hiện quyền của mình" – luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội nêu quan điểm.

Ông Cường cũng đánh giá, nếu thủ tục đã ban hành, hướng dẫn đã có, người dân vẫn phải liên hệ với cảnh sát khu vực, công an phường để nhờ hướng dẫn thì nội dung văn bản hướng dẫn khó hiểu, không có tính khả thi.

Vị luật sư cũng băn khoăn về việc dùng giấy đi đường. Theo luật sư Cường, việc cấp các giấy đi đường theo hình thức trực tuyến, cấp mã QR code rồi chuyển cho người dân qua điện thoại, email, các phương tiện điện tử hoàn toàn có thể thực hiện được.

"Về nguyên tắc là khi đã có quy định thì sẽ có chế tài. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành chính của công dân vẫn được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh vậy dẫn cách xã hội.

Bởi vậy, nếu ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý xã hội mà không khả thi, không có tính dự báo, kĩ thuật lập pháp không tốt thì rất dễ có thể dẫn đến xâm phạm đến quyền và thực hiện quyền của các chủ thể, nguy cơ khiếu kiện là có thể xảy ra" – luật sư Cường viện dẫn.

Bên cạnh đó, theo luật sư Cường, các chế tài của pháp luật hiện có đủ sức để xử lý đối với tình trạng cấp giấy ra đường không đúng quy định, mua bán giấy đi đường.

"Vậy ở đây phải làm rõ mục đích quy định lại về việc cấp giấy ra đường là để làm gì? Nếu chỉ để thỉ hướng đến mục đích là hạn chế số người ra đường thì có rất nhiều biện pháp chứ không nhất thiết là phải ban hành lại quy định về cấp giấy ra đường.

Ví dụ Thành phố có thể ban hành quyết định, nghị quyết mới về phòng chống dịch bệnh, trong đó hạn chế các đối tượng được phép ra đường khi thực hiện Chỉ thị 16 theo hướng thu gọn, giảm bớt số người trong cơ quan nhà nước, thu gọn số người trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện các hoạt động phải dịch vụ thiết yếu...

Khi các đối tượng được phép ra đường giảm đi thì đương nhiên số người được phép tham gia giao thông sẽ giảm đi. Để xử lý tình trạng cấp giấy ra đường không đúng quy định, mua bán giấy ra đường thì hoàn toàn có thể xử lý bằng cách lập chốt, xử phạt, tạm giữ phương tiện, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác, làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức" – luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem