Thấy gì từ gần 4.000 vụ án được tổ chức xét xử trực tuyến?

PVKT Thứ ba, ngày 08/11/2022 15:13 PM (GMT+7)
Gần 4.000 vụ án đã được tổ chức xét xử trực tuyến trong vòng gần 1 năm qua. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai tại địa phương cho thấy, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn có những bất cập, khó khăn.
Bình luận 0

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ và các cơ quan chức năng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho thấy, năm 2022 tình hình tội phạm vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp.

4.000 vụ án xét xử trực tuyến, trong đó 3.000 vụ hình sự

Theo đại biểu, một số vụ án có quy mô lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm trên không gian mạng với thủ đoạn mới, tinh vi hơn; tội phạm tham nhũng tăng 40,97%; tội phạm trong công tác quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, an ninh, tiền tệ; tội phạm về ma túy, xâm phạm trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các tranh chấp dân sự, hành chính có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai ngày càng gia tăng. Kết quả phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án của các cơ quan tố tụng cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, nhiều vụ án lớn được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận, Nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tiếp tục được quan tâm thực hiện. Các vụ án dân sự, hành chính được Tòa án cao cấp đối thoại, hòa giải thành chiếm tỷ lệ cao.

"Điều đó khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan tư pháp trung ương rất quyết liệt và có nhiều giải pháp phù hợp trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội đạt kết quả bước đầu về xét xử phiên tòa trực tuyến", đại biểu nhấn mạnh.

Thấy gì từ gần 4.000 vụ án được tổ chức xét xử trực tuyến? - Ảnh 1.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.

Dẫn chứng thêm, đại biểu Hà Tĩnh thông tin, sau gần một năm kể từ ngày Nghị quyết 33 có hiệu lực, các cơ quan tố tụng đã phối hợp xét xử trực tuyến gần 4.000 vụ án, trong đó, hơn 3.000 vụ án hình sự có điểm cầu thành phần tại các trại giam công an tỉnh trên cả nước.

Trong đó có vụ án xét xử trực tuyến từ điểm cầu của tòa án tỉnh tới điểm cầu thành phần, từ Tòa án quận Tân Bình, trong khi bị cáo đang bị tạm giam ở Thành phố Hồ Chí Minh mà không phải dẫn giải về Hà Tĩnh để xét xử.

240 vụ án dân sự, 251 vụ án hành chính, 158 vụ án biện pháp xử lý hành chính, vụ việc có điểm cầu tại Ủy ban nhân dân các cấp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) cũng cho hay, từ khi Thông tư liên tịch số 05 ngày 15/12/2021 giữa các cơ quan quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/2/2022 đến nay là 11 tháng nhưng đã có 662 tòa án, trong đó có tòa 33 tòa án nhân dân cấp cao, 62 tòa án nhân dân cấp tỉnh và 557 tòa án nhân dân cấp huyện đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 3.614 vụ án.

Đại biểu Hà cho rằng, so với tổng số vụ việc đã được giải quyết trong năm là 504.681 vụ việc là không cao, chỉ chiếm 0,7% nhưng trong cả nước, số tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã tổ chức được phiên tòa trực tuyến là tương đối cao.

Thấy gì từ gần 4.000 vụ án được tổ chức xét xử trực tuyến? - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.

Tổ chức phiên tòa trực tuyến còn có những bất cập, khó khăn

Tuy nhiên, theo nữ đại biểu tỉnh Quảng Ninh, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn có những bất cập, khó khăn.

Một là, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ, cán bộ, công chức của tòa án phải tận dụng những thiết bị sẵn có tại cơ quan, kể cả của cá nhân để phục vụ việc xét xử trực tuyến, chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu tại Quyết định số 50 hướng dẫn về trang bị, lắp đặt thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cho phòng xử án của tòa án nhân dân các cấp.

Tại một số điểm cầu cấp huyện đôi lúc vẫn bị gián đoạn vì lỗi kỹ thuật, chi phí thuê thiết bị, đường truyền để xét xử trực tuyến hằng tháng là khá cao, dẫn đến tăng áp lực về kinh phí cho các đơn vị.

Dẫn chứng thực tiễn ở Quảng Ninh, đại biểu nói: Hiện nay hai cấp tòa án tỉnh tính đến nay mới có 4 đơn vị có thiết bị xét xử trực tuyến, trong đó đều đi thuê thiết bị và đường truyền.

Thời gian đầu chỉ có điểm cầu tòa án tỉnh và trại giam công an tỉnh, các đơn vị tòa án xét xử trực tuyến tại cơ quan công an cấp huyện phải di chuyển bị cáo từ nhà tạm giữ công an huyện lên trại giam công an tỉnh đối với trường hợp tạm giam tại nhà tạm giữ của công an cấp huyện.

Hội đồng xét xử về di chuyển lên điểm cầu trung tâm tòa án nhân dân tỉnh để xét xử vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng, đương sự phải di chuyển xa nên các đơn vị ở xa tòa án tỉnh chưa tổ chức được xét xử trực tuyến.

Thứ hai, như báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, trong số 3.614 vụ án được xét xử trực tuyến. Số vụ án hình sự chiếm tới 82,7%. Cũng như vậy, ở Quảng Ninh 2 cấp tòa án tỉnh đã tổ chức xét xử trực tuyến được tổng số 52 vụ án, toàn bộ là án hình sự. Các vụ án hành chính dân sự chưa được tổ chức xét xử trực tuyến, do các phiên tòa này thường phức tạp, nhưng cũng có những nguyên nhân do một số quy định pháp luật về xét xử trực tuyến chưa có hoặc chưa đầy đủ.

Điều này dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng trong tổ chức triển khai, như chưa có quy chế phối hợp với cơ sở giam giữ; chưa có quy định thủ tục tiếp nhận, bàn giao tài liệu, chứng cứ; chưa có quy định về trình tự, thủ tục ghi âm, ghi hình có âm thanh, bảo quản dữ liệu điện tử, giao nhận, bàn giao bị cáo tại phiên tòa.

Từ những kết quả và thực tiễn nêu trên, để đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 33 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cần đánh giá đầy đủ hơn về kết quả thực hiện phiên tòa trực tuyến, đặc biệt những khó khăn, bất cập hiện nay trong việc thực hiện để có giải pháp thực hiện đồng bộ.

Đòng thời, kiến nghị với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao quan tâm phát huy hiệu quả của tòa án điện tử, trợ lý tòa án ảo, khai thác có hiệu quả kho dữ liệu lớn của Tòa án nhân dân tối cao, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác xét xử.

Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị xét xử trực tuyến cho hệ thống Tòa án nhân dân các cấp, đảm bảo đồng bộ về công nghệ, đường chuyền theo đúng yêu cầu kỹ thuật của Tòa án nhân dân tối cao.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về xét xử trực tuyến và xây dựng quy định pháp luật về tổ chức đối thoại, hòa giải trực tuyến cũng như các quy định về xét xử trực tuyến đối với các vụ án hành chính dân sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem