Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM: "Có quốc gia nào trên thế giới đấu thầu thuốc khổ như chúng ta không?"

PVKT Thứ ba, ngày 15/11/2022 10:26 AM (GMT+7)
Góp ý kiến vào Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM đặt câu hỏi, có quốc gia nào trên thế giới đấu thầu thuốc khổ như chúng ta hay không?
Bình luận 0

Góp ý vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng Luật Đấu thầu được Quốc hội khóa 13 ban hành cho tới thời điểm này đã bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết trên thực tế nên cần phải sửa đổi.

Đấu thầu thuốc: Đừng nhìn ai cũng là tội phạm

Đại biểu nêu quan điểm đấu thầu chỉ là một phương tiện, không phải là mục đích. Mục đích của đấu thầu là để có những sản phẩm chất lượng và kiểm soát được giá cả. Nhưng thời gian qua xảy ra tiêu cực quá nhiều và hầu như toàn thể dự thảo luật có các quy định nhằm tăng cường những biện pháp làm sao để giám sát, tuy nhiên sẽ làm tăng thời gian, công sức và thực sự chống tiêu cực hay không? – đại biểu đặt vấn đề.

Đối với các mặt hàng, các nhóm sản phẩm sử dụng ngân sách đều phải đấu thầu, nhưng có thể chấp nhận chậm lại để không xảy ra tiêu cực. Tuy nhiên, có một số nhóm mặt hàng, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, việc cứu chữa người bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh,… không thể chậm trễ.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM: "Có quốc gia nào trên thế giới đấu thầu thuốc khổ như chúng ta hay không?" - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM.

Đại biểu cũng thừa nhận, việc đấu thầu trong y tế nên có một chương riêng. Trong chương 5 của dự thảo có một số điều, nhưng các điều đề cập chưa đủ. Theo đại biểu, phải xem xét đa dạng hóa các phương thức để có được hàng hóa, dịch vụ, có được thuốc cho người bệnh, không chỉ có hình thức đấu thầu.

Hơn nữa, thuốc là mặt hàng thiết yếu, khi đấu thầu sẽ có tình trạng các đơn vị dự thầu từ chối không tham gia thầu hoặc hủy thầu. Trong trường hợp này, đại biểu cho rằng cần có cách giải quyết đặc biệt để có thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy đến nay vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng quy định về chọn giá kế hoạch cần phải rõ ràng. Theo đó, phải căn cứ theo thị trường thực tế, không thể căn cứ vào giá trúng thầu của năm trước để làm giá kế hoạch của năm sau. Như vậy dẫn đến giá đấu thầu thuốc càng ngày càng thấp và không bảo đảm được chất lượng.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, mục tiêu của đấu thầu là chọn giá rẻ nhất, nhưng giải pháp nào để giá rẻ chất lượng phải bảo đảm, nhất là trong đấu thầu thuốc. Đại biểu nhận thấy, trong tiêu chí đấu thầu thuốc thiếu một tiêu chí rất quan trọng đó là đánh giá của bác sỹ điều trị đánh giá về thuốc, sử dụng thế nào, hiệu quả ra sao?

Đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá của bác sĩ điều trị về thuốc đấu thầu, trong đó cần được lượng hóa và tính thành số điểm và phải chịu trách nhiệm công khai, minh bạch bởi Hội đồng thuốc và điều trị…

"Tôi đồng ý, đây là vấn đề đôi khó cảm tính, và sau này nếu cơ quan kiểm tra điều tra có thể kết luận tại sao không chọn thuốc rẻ hơn mà chọn thuốc này đặt hơn,… cho nên cần có quy định cụ thể. Đừng có nhìn ai cũng là tội phạm, bởi bản thân một bác sỹ với quá trình ăn học và lương tâm nghề nghiệp và lời thề trong công tác, ưu tiên đầu tiên của bác sỹ khi lựa chọn thuốc cho bệnh nhân đó chính là hiệu quả điều trị cho người bênh. Đồng ý vẫn có những tiêu cực, nhưng chúng ta vẫn phải xem xét làm sao để đảm bảo chất lượng thuốc vẫn là quan trọng nhất", đại biểu Lan nhấn mạnh.

Bà Lan cũng đặt câu hỏi, có quốc gia nào trên thế giới đấu thầu thuốc khổ như chúng ta hay không? Điều này, theo đại biểu cũng liên quan mật thiết tới tự chủ bệnh viện.

Đại biểu phân tích, nếu như bệnh viện được tự chủ tài chính, được quyền quyết định mua thuốc nào miễn đáp ứng được yêu cầu điều trị của người dân. Nếu như sợ tiêu cực thì cần sự giám sát của cơ quan chức năng.

Về vấn đề giám sát, đại biểu cũng trăn trở, ngay bản thân đại biểu khi giám sát đấu thầu, dù được học về vấn đề này, nhưng đôi khi đại biểu "cũng phải hoảng hốt" trước những chiêu thức liên quan trong đấu thầu.

Rà soát lại các trường hợp được đấu thầu trước

Qua nghiên cứu dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, tán thành việc cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu 2013.

Hoạt động đấu thầu mua sắm công thời gian qua đã phát sinh nhiều vấn đề khiến việc sửa đổi Luật này trở nên cấp thiết.

Đại biểu cũng thống nhất các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, xây dựng Luật đặc biệt là việc nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

Góp ý vào nội dung cụ thể, về áp dụng pháp luật tại Điều 3, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 5 trường hợp lựa chọn nhà thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và vật tư, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên, sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.

Doanh nghiệp tự quyết định về hình thức, quy trình, thủ tục và các nội dung khác trong lựa chọn nhà thầu và ban hành quy chế để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp. Vì hoạt động này không thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật.

Đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị nội dung này nên đưa vào Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đang được nghiên cứu sửa đổi.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM: "Có quốc gia nào trên thế giới đấu thầu thuốc khổ như chúng ta hay không?" - Ảnh 3.

Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Về khoản 7 quy định việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Đại biểu đề nghị xem lại quy định tại khoản này vì nếu áp dụng theo điều ước quốc tế thì phải áp dụng toàn bộ nội dung, trình tự, thủ tục. Trường hợp điều ước quốc tế không quy định trình tự, thủ tục thì hiện án áp dụng luật này.

Đề cập về chỉ định thầu tại Điều 21, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cân nhắc quy định cụ thể hơn đối với một số trường hợp chỉ định thầu gói thầu tái định cư tại điểm d khoản 1. Nếu tất cả các gói tái định cư đều thực hiện chỉ định thầu là chưa phù hợp, nhất là đối với các gói thầu thực hiện tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi, có nhiều nhà nhà thầu quan tâm.

Gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân. Tại điểm b, khoản 1 cần quy định cụ thể hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem