Thầy giáo dạy online ở buôn làng, học sinh không có điện thoại thông minh thì học ra sao?

Phương Hằng Thứ tư, ngày 08/09/2021 10:59 AM (GMT+7)
Mỗi tuần 3 buổi tối, những bài giảng của thầy giáo Lương Anh Quang lại vang lên đều đều qua chiếc điện thoại của các gia đình người Ê Đê. Với cách làm của thầy Quang, những học sinh không có điện thoại thông minh cũng không hề bị bỏ lại phía sau.
Bình luận 0

Những tiết học online miễn phí

Tại buôn Kniêr và buôn Kplang (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) tưởng chừng như các gia đình người dân tộc Ê Đê không chú trọng lắm đến việc học hành, nay lại rất quan tâm đến tiết học online của con em. Vào các buổi tối thứ 2, 4, 6 buôn làng nhỏ này rộn ràng lời giảng của thầy Lương Anh Quang (giáo viên Trường tiểu học Ngô Gia Tự) qua điện thoại, tiếng học sinh xung phong trả lời câu hỏi.

Nỗ lực của người "cầm phấn" đem con chữ đến với các buôn làng - Ảnh 1.

Lớp học online mỗi tối 2,4,6 của thầy Anh Quang. Ảnh: H.X

Trao đổi với PV Dân Việt, thầy giáo Lương Anh Quang cho biết, năm học 2021-2022 này, thầy được phân công chủ nhiệm lớp 4C. Điều đặc biệt là lớp có 24 học sinh, đều là người dân tộc thiểu số, gồm 12 em ở buôn Kplang và 12 em ở buôn Kniêr.

Mặc dù đến ngày 15/9, toàn tỉnh Đắk Lắk mới bắt đầu học chính thức nhưng từ những ngày đầu tháng 9, thầy Quang đã đến từng nhà vận động, hướng dẫn các gia đình cho con em tham gia lớp học online miễn phí của mình. Thầy dạy từ 7 giờ đến 9 giờ, mỗi tối thứ 2, 4, 6.

Thầy Quang chia sẻ: "Sau 4 buổi đầu, không khí học tập của các em đã có phần thay đổi, sôi nổi hơn, phụ huynh các lớp khác cũng xin cho con học cùng. Với lại, giờ chưa đến học chính khóa, nên tôi cố ôn tập cho các em thêm ít kiến thức, kỹ năng".

Nỗ lực của người "cầm phấn" đem con chữ đến với các buôn làng - Ảnh 2.

Em Y Kani Êban, lớp 4C Trường tiểu học Ngô Gia Tự chăm chỉ ôn lại những kiến thức thầy Anh Quang đã chia sẻ. Ảnh: H.X

Thầy Quang cũng cho biết thêm, hiện số học sinh tham gia học online đã là 50 em. Trong đó lớp 4A có 9 em, lớp 4B có 18 em và lớp 4D có 3 em. Và trong số này chỉ có 18 em là người dân tộc Kinh.

Nhiều em học sinh sau khi tham gia lớp học miễn phí trên tỏ ra thích thú. Em Y Hôn Êban, lớp 4B hào hứng kể: "Hôm nay con được thầy cho học phép tính cộng, chơi trò chơi biểu cảm bằng hình ảnh, giải câu đố. Ngày mai thầy sẽ dạy chúng con học tiếng Việt. Con thấy lớp học online của thầy Quang rất vui và bổ ích...".

Không có điện thoại thì học online bằng cách nào?

Nhiều trường hợp là học sinh của thầy Quang không có điện thoại thông minh để tham gia lớp học trực tuyến, những tưởng sẽ làm khó được thầy. Nhưng mỗi ngày thầy vẫn miệt mài rong ruổi trên con đường đất đỏ vào các buôn làng để giao bài tập, nhận kết quả bài tập từ các em học sinh không thể tham gia học online.

Điển hình như trường hợp gia đình chị H' Kai Byă, nhà có 2 con, trong đó cháu lớn đang học lớp 4 Trường tiểu học Ngô Gia Tự nhưng không có điện thoại thông minh để cho con học online.

Nỗ lực của người "cầm phấn" đem con chữ đến với các buôn làng - Ảnh 3.

Thầy Anh Quang đến tận nhà giao bài tập cho các em học sinh không có điện thoại thông minh để học online. Ảnh: H.X

Chị H' Kai Byă kể, mỗi ngày thầy Quang đều đến nhà giao bài tập và hướng dẫn con tỉ mỉ, giúp vợ chồng chị chỉ cho con học. "Hy vọng hết mùa măng này, tôi sẽ mua được cho con cái điện thoại để học với các bạn. Đời tôi được học ít, giờ phải cố gắng cho con ăn học để sau này đỡ vất vả", chị xúc động nói.

Lớp học của thầy Quang, theo đề nghị của phụ huynh sẽ được duy trì đến 15/9 để giúp học sinh ôn tập thêm một số kiến thức, bắt đầu một năm học mới. Thầy Quang cũng dự kiến, nếu sau 15/9 học sinh chưa tới trường được thì sẽ tiếp tục dạy online 5 buổi/ tuần vào khung giờ như trên từ thứ 2 đến thứ 6.

Nỗ lực của người "cầm phấn" đem con chữ đến với các buôn làng - Ảnh 4.

Lớp học online của thầy Anh Quang khiến nhiều em học sinh thích thú - Ảnh: H.X

Cô Lê Thị Minh Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Gia Tự cho biết, năm học 2021- 2022, trường có 480 học sinh, trong đó có đến 70% là người dân tộc thiểu số. Trường có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ, điểm khó khăn nhất là ở buôn Kplang, đây là buôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn.

Theo cô Hương, nhà trường đã sẵn sàng các phương án dạy học bảo đảm theo yêu cầu phòng, chống Covid-19. Lớp học của thầy Lương Anh Quang là một trong những điểm sáng cần nhân rộng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem