Sáng kiến độc đáo
Năm nay đã bước qua tuổi 79, cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng thầy giáo Nguyễn Nghĩa Hợi chưa nghỉ ngơi mà vẫn hăng say với công việc của mình. Hàng ngày, thầy cặm cụi và trăn trở với chồng hồ sơ của những em có hoàn cảnh khó khăn trong huyện.
Mặc dầu tuổi đã cao nhưng hàng ngày thầy Hợi vẫn say sưa với công việc “trồng người” của mình. Lê Tập
Nhớ lại câu chuyện “trồng chuối khuyến học” của mình, thầy Hợi kể, hơn 30 năm đứng trên bục giảng tại Trường THCS Nghĩa Hội, thầy đã chứng kiến nhiều học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, có em không đủ 2 chiếc áo để mặc, không có cặp sách để đến trường. Thậm chí có em không có bút để viết...
Năm 1990, thầy Hợi về hưu. Ngay khi đó, thầy đã đến trụ sở UBND xã Nghĩa Hội xin được thành lập quỹ khuyến học nhằm giúp con em học sinh trong xã có điều kiện đến trường. Thế nhưng, nguyện vọng của thầy chưa được chấp nhận vì lý do dân còn nghèo chưa có đóng góp. Thương học sinh nghèo, thầy đành mang chút tiền dành dụm ít ỏi của mình cho các em trong xã có hoàn cảnh khó khăn để mua sách vở, bút...
Năm 2003, Hội Khuyến học huyện Nghĩa Đàn được thành lập, thầy Hợi đã được tín nhiệm bầu làm phó chủ tịch thường trực. Thầy Hợi đã đến từng hộ gia đình để vận động mỗi gia đình đóng 5.000 đồng làm vốn cho quỹ khuyến học. Thế nhưng, thấy việc góp từng đồng không phải là việc lâu dài, thầy bàn việc dùng nguồn quỹ ít ỏi đó để trồng chuối gây quỹ. Thế nhưng, “sáng kiến” của thầy, không ít nguời đã phản đối và cho rằng: Thà nộp 1 năm 5.000-10.000 đồng chứ trồng chuối vừa tốn công lại không hiệu quả. Tuy nhiên, thầy thuyết phục trồng chuối không chỉ tận dụng được quỹ đất của gia đình mà còn nhắc nhở mọi người chăm nom cho khuyến học và động viên con cháu chăm chỉ học hành. Nhìn vào điều rất thực tế ở huyện Nghĩa Đàn, gia đình nào cũng đất rộng và màu mỡ, điều kiện thời tiết rất phù hợp với đặc điểm của cây chuối thuận lợi cho cây phát triển. Chuối lại là loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn, dễ bán...
Thấy được sự thiết thực này, xã Nghĩa Hội đã dùng đất trong khuôn viên ủy ban để cho thầy Hợi trồng thử nghiệm. Sau đó, thầy vận động 70 cụ ông trong Hội Người cao tuổi của xã để trồng 700 cây chuối trong chính khu vườn nhà họ. Đó chính là nguồn tiền đầu tiên của Quỹ Khuyến học huyện Nghĩa Đàn.
Sau thành công ở xã nhà, thầy Hợi đi huy động các xã trong toàn huyện trồng chuối làm quỹ khuyến học và tiếp tục trồng được hơn 4.000 cây chuối khuyến học nữa. Đến nay, toàn huyện Nghĩa Đàn đã trồng được hơn 13.000 cây chuối, điển hình là tại các xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Hội, Nghĩa An… hầu như nhà nào cũng có những cây chuối khuyến học. Mỗi năm, sáng kiến của thầy Hợi giúp quỹ khuyến học thu được hơn 300 triệu đồng, góp phần giúp đỡ nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trồng chuối, trồng người
Có tiền quỹ khuyến học, công việc hàng ngày của thầy Hợi là tìm kiếm các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Với những trường hợp đặc biệt khó khăn, thầy tự mình đến tận nhà các em để động viên, thăm hỏi tình hình.
Gần đây nhất, thầy đã đại diện quỹ hỗ trợ cho gia đình em Cẩm Thị Vân trú tại xã Nghĩa Hội. Em Vân có hoàn cảnh rất đặc biệt: Bố mất sớm do bị bệnh tim bẩm sinh khi em còn nhỏ, mẹ cũng bỏ về ngoại sống. Em ở với bà nội đã ngoài 70 tuổi, 2 bà cháu thui thủi nương tựa nhau để sống. Thế nhưng, Vân vẫn luôn cố gắng học tập, nhiều năm liền là học sinh giỏi của Trường THCS Nghĩa Hội. Thầy Hợi tới thăm, tặng em sách vở, một món tiền nhỏ. Đó là nguồn động viên lớn đối với cô học sinh nghèo này. Cũng nhờ sự sẻ chia động viên kịp thời mà tỷ lệ học sinh bỏ học của huyện ngày càng ít. Cách đây 10 năm, học sinh đậu đại học của huyện Nghĩa Đàn chỉ là con số hàng chục thì nay mỗi năm đã có trên 700 em đậu vào các trường cao đẳng, đại học. Từ năm 2008 đến nay, Nghĩa Đàn có hơn 3.100 em đậu và đại học, cao đẳng.
Với những đóng góp của mình, năm 2010 thầy giáo Nguyễn Nghĩa Hợi đã vinh dự được UBND tỉnh Nghệ An biểu dương tại hội nghị sơ kết 2 năm cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. “Với tôi khi đôi chân vẫn còn có thể đi, đôi mắt còn nhìn thấy được thì tôi vẫn tiếp tục trồng chuối khuyến học để góp phần vào sự nghiệp “trồng người” của huyện nhà. Có thêm một buồng chuối là có thêm 1 cuốn vở, 1 chiếc bút được trao, tiếp thêm nghị lực giúp các em đến trường” - thầy Hợi chia sẻ.
Nhờ sự gây dựng của thầy Hợi, đến nay toàn huyện Nghĩa Đàn đã có 27 hội cơ sở; 311 chi hội khối, xóm; 18 ban khuyến học cơ quan; 93 ban khuyến học dòng họ, đồng hương, đồng môn, đồng ngũ; 69 ban khuyến học trường học. Tổng toàn huyện Nghĩa Đàn có 518 tổ chức hội khuyến học với trên 26.000 hội viên.
Không chỉ vận động xây dựng quỹ khuyến học bằng trồng chuối, tùy vào tình hình của từng địa phương, thầy Hợi còn phát động nhiều hình thức xây dựng quỹ như: Phong trào xây dựng “ống tre mét khuyến học”, “lợn đất khuyến học”, thực hiện tốt tháng khuyến học, tết khuyến học…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.