Thầy giáo Khmer: "Tiền lương của tôi từng không đủ trả tiền xăng"

Thứ ba, ngày 14/11/2023 06:42 AM (GMT+7)
Thầy Danh Lực, giáo viên tại một trường tiểu học ở Kiên Giang, đã nhiều lần từng muốn nghỉ dạy vì đồng lương ít ỏi của thầy không đủ để trả tiền xăng. Nhưng vì học trò, thầy vẫn luôn bám trụ.
Bình luận 0

Thầy Danh Lực (SN 1986) hiện đang là giáo viên Trường Tiểu học Bàn Tân Định (Kiên Giang). Trong 15 năm đi dạy, thầy Lực từng nhiều lần muốn từ bỏ nghề giáo vì những khó khăn, vất vả khi dạy học tại một nơi còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất.

Từng bỏ ước mơ trở thành thầy giáo vì nhà nghèo

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp lớp 12, thầy Lực không có ý định học tiếp đại học: "Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê. Mẹ tôi mất sớm, tôi học hết chương trình phổ thông đã là sự nỗ lực gồng gánh kinh tế của bố tôi.

Nhà nghèo nên ước mơ bước vào giảng đường đại học với tôi càng khép lại. Đứng trước lựa chọn giữa việc phải đảm đương một khoản học phí đại học khổng lồ và phụ giúp gia đình, tôi đã chọn từ bỏ ước mơ của mình".

Từ nhỏ, thầy Lực đã ấp ủ ước mơ được cầm phấn, "gieo" chữ cho các em học sinh. Nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép theo đuổi ước mơ, nên học hết 12, thầy tiếp tục đi làm để đỡ đần kinh tế gia đình.

Đi làm được một thời gian, thầy Lực bất ngờ nhận được thông báo đã đậu học bổng toàn phần ngành sư phạm tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang. Niềm hạnh phúc lớn lao này đã thúc đẩy thầy Danh Lực gói ghém hành trang đi đến giảng đường đại học.

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Lực đi dạy tại Trường THCS Mỹ Thái ở Hòn Đất (Kiên Giang): "Lúc ấy vừa ra trường, lương của tôi chỉ đủ trang trải cuộc sống. Với đồng lương 1 triệu đồng/tháng, tôi còn không đủ trả tiền đổ xăng.

Mùa mưa bão tại Hòn Đất còn khiến đường đất trơn trượt và dễ té ngã khi di chuyển. Trường học vào thời gian này thường bị ẩm mốc và dột. Những hôm mưa bão lớn, tôi thường phải ngủ qua đêm tại trường".

Thầy giáo Khmer: "Tiền lương của tôi từng không đủ trả tiền xăng" - Ảnh 1.

Thầy Danh Lực (trên bục giảng) đang dạy học cho các em học sinh (Ảnh: NVCC).

Đi dạy tại Hòn Đất được 3 năm, thầy Lực quyết định xin chuyển công tác về Trường Tiểu học Bàn Tân Định để tiện chăm sóc cho bố của mình.

"Biết chữ để phân biệt được đâu là thuốc độc"

Vì số lượng giáo viên không đủ, thầy Lực buộc phải dạy lớp ghép cho học sinh lớp 1, 2 và 3: "Tôi chưa được tập huấn kỹ năng dạy cho các lớp ghép. Mới đầu, tôi gặp không ít khó khăn khi phải phân bổ thời gian, giáo trình để dạy cả ba lớp cùng một lúc.

Đa phần các em học sinh trong lớp là người dân tộc Khmer. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải dạy song ngữ vì học trò chưa thông thạo tiếng Kinh. Thú thật, giai đoạn đó tôi hơi nản".

Đôi lúc muốn từ bỏ, thầy nhớ đến những lần được người dân nơi đây gửi gắm con em, những lần nhìn thấy ánh mắt ham học của các em học sinh. Nghĩ tới đó, thầy lại tiếp tục nỗ lực.

"Thầy trò chúng tôi học trong một căn phòng xập xệ, xuống cấp, tường nứt, ẩm mốc và mưa dột. Có những hôm lớp bị tốc mái, nhưng học sinh nói với tôi vẫn muốn đi học. Tôi xúc động không nói nên lời", thầy Lực bộc bạch.

Thầy giáo Khmer: "Tiền lương của tôi từng không đủ trả tiền xăng" - Ảnh 2.

Thầy Danh Lực (áo sơ mi màu xanh) trong chương trình hỗ trợ gạo cho học sinh nhân dịp Tết Nguyên đán (Ảnh: NVCC).

Có trường hợp các em học sinh bỏ học để theo ba mẹ làm nông, thầy Lực liền xuống nhà vận động, hỏi thăm các em. Thầy Lực luôn dặn dò học trò: "Các em có thể không học đến nơi, đến chốn nhưng chí ít ra phải biết đọc, biết viết.

Trong trường hợp đi lạc, các em biết đọc để nhìn bảng chỉ dẫn mà tìm đường về nhà. Hay khi thấy một lọ thuốc thì các em còn có thể biết được đây có phải là thuốc độc hay không".

Cô Nguyễn Thị Phương Oanh, đồng nghiệp thầy Danh Lực, nhận xét: "Ở trường, thầy Lực là một giáo viên có đạo đức tốt. Thầy hiền hòa, dễ gần, luôn giúp đỡ đồng nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao.

Thầy luôn lắng nghe ý kiến để nâng cao trình độ chuyên môn nên thầy luôn được phụ huynh và học sinh yêu mến. Ở nhà thầy là người chồng, người cha gương mẫu có trách nhiệm với vợ con và chan hòa với bà con lối xóm".

Hiện tại, thầy Lực đã lập gia đình. Vợ của thầy, cũng là giáo viên, luôn san sẻ những nỗi vất vả, khó khăn khi thầy phải đi dạy xa nhà hơn 32 km.

Trong tương lai, thầy Danh Lực sẽ tiếp tục sự nghiệp cầm phấn và "gieo" chữ của mình cho các em học sinh tại Trường Tiểu học Bàn Tân Định.

Tú Như (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem