Thầy giáo kỹ thuật sáng chế máy sấy vạn năng khiến nông dân liên tục đặt hàng

Hoài Anh Thứ tư, ngày 06/03/2024 10:07 AM (GMT+7)
Chỉ khoảng 5 tháng thực hiện, dự án nghiên cứu máy sấy đa năng ứng dụng năng lượng mặt trời của thầy giáo Phan Văn Hiệp đã hoàn thành và nhận được nhiều đơn đặt hàng của bà con nông dân.
Bình luận 0

5 tháng hoàn thiện dự án nghiên cứu máy sấy nông sản đa năng

Nhận thấy nhu cầu sấy sản phẩm ở Việt Nam rất lớn trong khi các dòng máy sấy trên thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu, anh Phan Văn Hiệp, giảng viên Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến đã dành nhiều thời gian nghiên cứu thị trường, tìm cách sáng chế chiếc máy sấy đa năng.

Thầy giáo kỹ thuật sáng chế máy sấy vạn năng khiến nông dân liên tục đặt hàng- Ảnh 1.

Thầy giáo Phan Văn Hiệp sáng chế ra chiếc máy sấy vạn năng giúp người nông dân chế biến và bảo quản nông sản. Ảnh: NVCC

Năm 2017, thầy Hiệp mạnh dạn nhận đề tài nghiên cứu ứng dụng năng lượng mặt trời để sấy cá sặc rằn cho hợp tác xã Tương Lai (Củ Chi) của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Dự án được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2017 thì hoàn thành. Sau rất nhiều những cải tiến, máy sấy vạn năng chính thức được thương mại hóa ra thị trường vào năm 2019.

Trong 4 tháng đầu trước khi nhận dự án nghiên cứu, anh Hiệp đến từng địa phương, tìm hiểu các dòng máy sấy trước đó bà con đã sấy cá sặc rằn. Từ đó, anh đã tìm ra giải pháp, đề xuất các nội dung công nghệ để thực hiện dự án.

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, anh Hiệp cho biết cơ duyên để anh có cơ hội đảm nhận và thực hiện dự án chính là nhờ nghề nghiệp của mình. Giảng viên Đại học Văn Hiến luôn xem việc nghiên cứu là trách nhiệm và hướng dự án nghiên cứu gắn liền với nhu cầu đời sống con người. Thực hiện nghiên cứu cũng là cách giúp các giảng viên có thêm tư liệu trong việc giảng dạy.

Trên thực tế, máy sấy sản phẩm nông nghiệp đã có nhiều trên thị trường, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khuyết điểm. Trước đây, mô hình sấy ứng dụng năng lượng mặt trời chỉ  hoạt động được ở các nhà mái vòm sử dụng hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, mô hình sấy này vẫn chưa thật sự hiệu quả.

Thầy giáo kỹ thuật sáng chế máy sấy vạn năng khiến nông dân liên tục đặt hàng- Ảnh 3.

Sản phẩm được sấy vẫn giữ được chất dinh dưỡng, màu sắc và hình thể tương đương như công nghệ sấy lạnh. Ảnh: NVCC

Từ bài toán thực tế đó, anh Hiệp sáng chế ra thiết bị thu nhiệt mặt trời, khi ánh nắng mặt trời chiếu vào thì nó sẽ đẩy nhiệt lượng trong buồng sấy lên nhanh. Đồng thời, anh Hiệp nghiên cứu giải pháp sấy động để mọi vị trí sản phẩm đều được sấy đều, khô nhanh và đồng bộ.

“Trước kia, khi áp dụng công nghệ cũ thì máy sấy làm cho sản phẩm khô không đồng đều, vị trí nào không nhận được gió và nhiệt thì sẽ không khô, công nhân phải tự xoay thủ công. Vì vậy, giải pháp sấy động sẽ tăng hiệu quả trong sản xuất cho nông dân”, anh Hiệp nói với Dân Việt.

Nhờ có nhiều điểm mới, sáng tạo, nhất là có thể sấy được nhiều loại sản phẩm khác nhau khiến máy sấy mang tên ITS của anh Hiệp dù sinh sau đẻ muộn nhưng lại thu hút nhiều sự chú ý. Bí kíp tận dụng “bẫy nhiệt mặt trời” có thể gia tăng nhiệt độ trong buồng sấy từ 10 - 35 độ C, giúp máy sấy ITS tận dụng năng lượng mặt trời rất hiệu quả.

Công cụ đắc lực hỗ trợ nông dân

Trong quá trình tham khảo thị trường, anh Hiệp cải tiến liên tục để tối ưu hóa giải pháp cho nông dân. Đối với những sản phẩm cao cấp như dược liệu hay rau phải sấy ở nhiệt độ thấp để giữ được màu sắc, dinh dưỡng, hình thể.

“Máy sấy đa năng đã tích hợp công nghệ tách ẩm ngõ vào, không khí ngoài trời đi vào sẽ tách nước và đưa một lượng không khí khô vào buồng sấy. Nhờ vây, nhiệt độ trong buồng sấy được giảm và giữ được cảm quan hình thể, màu sắc và dinh dưỡng cho sản phẩm sấy, cho chất lượng tương đương với sấy lạnh”, anh Hiệp nói thêm.

Thầy giáo kỹ thuật sáng chế máy sấy vạn năng khiến nông dân liên tục đặt hàng- Ảnh 4.

Máy sấy ITS sấy được đa dạng các loại nông sản, dược liệu, hải sản… Ảnh: NVCC

Những sản phẩm sấy như hải sản có rất nhiều vi sinh. Vì vậy, dự án nghiên cứu của anh Hiệp còn cần giải được bài toán vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, anh Hiệp áp dụng công nghệ tia cực tím dải C nhằm xử lý các dòng vi sinh trên thủy hải sản và nấm mốc trên nông sản, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa giúp sản phẩm sấy bảo quản lâu hơn.

Xuất phát từ một giảng viên kỹ thuật điện tử, anh Hiệp áp dụng lập trình vi điều khiển để kết nối với các thông số sấy, dễ dàng sấy cho tất cả các loại sản phẩm từ thủy sản, nông sản đến dược liệu…

Theo giảng viên này, chất lượng nông sản Việt Nam tốt nhưng khâu sản xuất, chế biến vẫn còn nhiều hạn chế, do thiếu thiết bị, máy móc hiện đại. Trong những năm qua, anh Hiệp luôn mang trong mình khát khao nâng tầm nông sản Việt bằng cách tạo ra giải pháp chế biến hiệu quả.

Thầy giáo kỹ thuật sáng chế máy sấy vạn năng khiến nông dân liên tục đặt hàng- Ảnh 5.

Hệ thống sấy được tích hợp đèn cực tím dải C (UVC) để oxy hóa không khí tạo ra khí ozone khử vi sinh và nấm mốc. Ảnh: NVCC

“Thiếu thiết bị sản xuất hiện đại khiến nông dân dễ rơi vào tình trạng khó khăn. Ví dụ như trái cây sau khi thu hoạch không bán được sẽ bỏ đi. Nhưng nếu có máy sấy thì nông dân có thể biến trái cây không bán được thành sản phẩm sấy. Máy sấy mini dễ sử dụng, dễ di chuyển đến các địa bàn nhỏ, nhiều hộ có thể gom tiền mua một máy dùng chung”, anh Hiệp nói thêm.

Chưa dừng lại ở chiếc máy sấy đa năng này, anh Hiệp đang tiếp tục ấp ủ những dự án ứng dụng năng lượng mặt trời phục vụ dân sinh, như dự án máy lọc nước nhiễm mặn thành nước ngọt, bếp năng lượng mặt trời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem