Thay quần áo mới cho xác người chết

Thứ ba, ngày 18/09/2012 07:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tục lệ dân gian kỳ lạ này được dân làng Baruppu ở huyện miền núi Tana Toraja thuộc tỉnh Nam Sulawesi (Indonesia) tổ chức 3 năm một lần, gọi là Ma'nene.
Bình luận 0

Theo đó, xác người chết đã phân hủy được đào lên khỏi mộ rồi thay quần áo mới như một cách tưởng nhớ người chết.

Đưa xác người chết đi chào xóm làng

Tục Ma'nene được diễn giải nôm na là “tắm rửa cho người chết”, được tổ chức trước mùa vụ hoặc trước khi hết tháng 8. Đây cũng là dịp mọi người trong dòng họ tụ về để làm giỗ. Mỗi dịp làm lễ kéo dài 3 ngày. Ngày thứ nhất: quan tài của người chết được đưa ra khỏi mộ (Pa’tane, nằm giữa một tảng đá lớn) ra bàn làm lễ, xung quanh là người thân của người chết.

img
Thay quần áo mới cho cụ Peter Till Sambara

Họ lau rửa xác (còn nguyên hoặc chỉ là bộ xương) rồi mặc quần áo sạch mà người chết từng mặc lúc còn sống. Tiếp đó, gia đình “dẫn” người chết đi khắp làng để hàng xóm cúng viếng. Dân làng Baruppu tin người chết dù đã chết hàng trăm năm rồi vẫn còn sống với họ, và linh hồn người chết sẽ phù hộ cho họ tránh được những điềm dữ, sâu bọ phá hoại mùa màng và bị bất hạnh trong cuộc sống gia đình.

Ngày thứ hai, xác được đưa trở lại vào mộ và đóng mộ. Ngày thứ ba, gia đình tụ tập đọc kinh và làm bữa cỗ tưởng nhớ người chết. Năm nay gia đình Sambara làm lễ thay quần áo cho cụ Peter Till Sambara. Xác cụ được ướp từ 100 năm nay. Lúc sinh thời, cụ là một trưởng tộc đáng kính của làng Baruppu.

Theo truyền thuyết, Ma’nene bắt đầu được hình thành từ rất xưa: một thợ săn tên là Pong Rumasek đang đi săn thú hoang ở khu rừng Balla thì phát hiện xác người nào đó đã chết từ lâu, nằm dưới những gốc cây, chỉ còn là bộ xương.

img
Dẫn cụ “thăm” hàng xóm

Cảm thấy thương hại, Pong Rumasek cởi áo mình để mặc cho xác rồi chôn. Sau đó, Pong Rumasek tiếp tục cuộc săn. Từ đó, mỗi lần Pong Rumasek đi săn đều có kết quả tốt, bắn được nhiều con vật. Khi về đến nhà, ông còn ngạc nhiên khi thấy ruộng lúa chín vàng và ông chỉ còn mỗi việc là gặt. Pong Rumasek cho rằng đó là nhờ ông đã làm việc phúc đức khi chăm sóc cái xác vô danh. Từ đó, dân làng luôn tưởng nhớ các xác chết của tổ tiên và người thân, tạo nên tục thay quần áo cho người chết.

Tục Ma’nene cũng có những quy định cấm bất thành văn. Ví dụ nếu người này (chồng hoặc vợ) chết thì người kia chỉ được tái hôn sau khi làm lễ thay quần áo cho người này, tức phải để tang ba năm. Dân làng Baruppu tin nếu không cử hành tục Ma’nene thì tổ tiên sẽ không phù hộ, họ sẽ gặp thiên tai, dịch bệnh, ruộng lúa kiệt nước và không có gạo để ăn.

Đào sọ người lên trang trí đủ kiểu

Trong khi đó, hằng năm, người Bolivia đều tổ chức “Ngày của sọ”, nhằm tưởng nhớ đầu lâu của những người đã chết. Họ đào sọ người chết khỏi mộ trong nghĩa trang rồi trang trí sọ theo mọi cảm hứng, như cho đội mũ lính, cắm hoa.

img
"Ngày của sọ" được tổ chức hằng năm ở Bolivia

“Ngày của sọ” là sự kết hợp lạ lùng giữa tín ngưỡng vùng núi Andes thời trước khi bị Tây Ban Nha đô hộ với đạo Công giáo La Mã. Theo các nhà nhân chủng học, người Andes cổ tin mỗi người có 7 linh hồn, gồm một linh hồn ngự trong sọ. Họ tin rằng linh hồn này có quyền lực đi vào trong giấc mơ của người sống, giúp chữa bệnh và bảo đảm sự an toàn cho người sống không bị trộm “viếng” nhà. Vì thế, người sống giữ “natita” (sọ) trong nhà, đặt tên và đặt trong hộp kính hoặc bệ thờ.

Niềm tin “natita” có cội nguồn từ các vùng đất nghèo, nông dân mù chữ, nhưng tầng lớp trung lưu Bolivia không tin. Nhà nhân chủng học Milton Eyzaguirre nói, đối với người Andes, cái chết là một cuộc sống khác, và thời gian tiếp xúc với các linh hồn là cần thiết. Các sọ thường không của người trong gia đình, thường được lấy từ nghĩa trang hoặc mua lại. Phong tục Bolivia là cải táng từ mộ sau 8 năm để gia đình đem thiêu, nhưng nhiều mộ không có người thân đem xác về nên sọ người lạ được “mượn” vào “Ngày của sọ”.

Giáo hội Công giáo Bolivia xem “Ngày của sọ” là thờ cúng ma quỷ, nhưng chọn cách chấp nhận nhằm duy trì tầm ảnh hưởng tại đất nước mà thổ dân chiếm đa số này. Riêng năm nay, linh mục Jaime Fernandez từ chối đến nghĩa trang ở thủ đô La Paz để ban phép lành cho các “natita”. Vì nể sự khẩn cầu của người ta, ông đồng ý đọc một đoạn kinh ngắn cầu cho các linh hồn được nghỉ ngơi. Ông khuyên họ không nên đem sọ đến nhà thờ, lấy khỏi mộ mà hãy để các linh hồn an nghỉ.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem