Thầy trò Nậm Xe "căng mình" vượt dốc, lũ đến trường

Xuân Thi - Thuần Việt Thứ hai, ngày 04/09/2017 06:00 AM (GMT+7)
Mùa tựu trường năm nay đúng vào thời điểm trên địa bàn tỉnh Lai Châu tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp và nguy hiểm. Các thầy cô không chỉ phải đến từng nhà vận động học sinh đi học mà ngày ngày còn chờ bên bờ suối, đưa các em qua...
Bình luận 0

Nhìn lên những con đường nhánh ngược dốc đến các bản vùng cao với những vệt bánh xe máy ngoằn ngoèo trong nhầy nhụa bùn đất, chúng tôi thật sự ái ngại khi nghĩ đến hành trình học chữ của các em học sinh nơi đây. Một vài năm trước, cũng thời tiết như thế này, khi đến các điểm trường vùng cao khác trong tỉnh, chúng tôi thường gặp cảnh đìu hiu, vắng thầy, thiếu trò vì trò chưa đến, thầy phải đi mời gọi. Tuy nhiên, khi đặt chân đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học số 2 Nậm Xe, chúng tôi đã thấy những hình ảnh vui tươi hơn nhiều.

Trong cái bắt tay đầy mừng vui như thể một người lính vừa thắng trận, anh Phan Tiến Dũng - Hiệu trưởng nhà trường - phấn khởi: “Đến ngày 24.8, chúng tôi đã huy động được 366/369 học sinh ra lớp (về điểm trường trung tâm xã). Tuy vẫn còn 3 em chưa ra lớp nhưng đây đã là một thành công lớn của nhà trường, nhất là trong điều kiện thời tiết như thế này…”.

img

Các em học sinh vùng cao xã Nậm Xe vượt suối đến trường. 

Tham quan các phòng học được chỉnh trang gọn gàng, ngăn nắp mới hiểu hết nỗ lực vượt khó của các thầy, cô giáo. Lớp học được chính các thầy, cô giáo trong trường tự bỏ công sức, tiền của đóng góp xây dựng nên. Quả thật cụm từ “vượt khó huy động học sinh ra lớp” dường như còn chưa phản ánh hết những nỗ lực, cố gắng, những gian truân của các thầy cô nơi đây từng trải qua để đem con chữ “thắp sáng” những ước mơ của trẻ vùng cao.

img

Các thầy, cô giáo ở xã Nậm Xe đến từng gia đình để vận động các em học sinh đến trường. 

Nậm Xe là xã biên giới của huyện Phong Thổ. Xã có 17 bản nhưng dân cư sống phân tán ở các quả núi, triền đồi quanh khu vực biên giới Việt - Trung. Nhiều bản ở cách trung tâm xã cả chục cây số, trong khi các con đường giao thông liên bản hầu như chỉ là đường đất với độ dốc khá lớn. Một số bản lại bị chia cắt với trung tâm xã bởi các con suối to, nước sâu, chảy xiết. Vào mùa này, những con suối hung dữ hơn hẳn như luôn chầu chực lấy đi mạng người; còn những con đường thì vốn đã rất dốc lại trơn như đổ mỡ.

Ông Lý Văn Lo (ở bản Mỏ, xã Nậm Xe) cho biết: “Đường sá xa xôi, bình thường đi lại đã khó khăn rồi, giờ lại mưa gió, sạt lở, phụ huynh rất lo lắng cho tính mạng con em mình. Chính vì thế, nhiều học sinh ở quanh đây tới trường cũng không được đều. Có thời điểm do nước suối dâng cao, chảy xiết nên một số bản bị cô lập tạm thời như bản Nậm Xe, học sinh phải nghỉ học, ngồi nhà chờ nước rút”.

img

Hành trình tìm kiếm con chữ của các em học sinh ở vùng cao luôn chứa đầy sự vất vả và cực nhọc.

Chỉ vào con suối Nậm Xe đang cuồn cuộn chảy, thầy giáo Đồng Văn Công (giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học số 2 Nậm Xe) chia sẻ: Đi lên bản trên núi cao vận động học sinh tới trường thì việc đẩy xe, khiêng xe vượt dốc tuy vất vả, nguy hiểm, nhưng chưa thấm vào đâu so với việc vận động học sinh ở các bản bị chia cắt bởi các con suối. Vào mùa mưa lũ, có hôm dù đã thuyết phục được cha mẹ, các em học sinh ra lớp mà nước lũ dâng lên thì chúng tôi lại phải ngủ ở bản chờ nước rút mới về. Có lần các thầy phải dùng săm ô tô cũ làm phao để đưa các em sang suối. Nếu nước lũ rút nhiều thì các thầy phải lần lượt cõng từng em qua…”.

Tìm hiểu sâu về chuyện đời, chuyện nghề của những giáo viên nơi đây chúng tôi càng hiểu, càng yêu, càng thán phục những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa ở vùng biên này. Để trụ vững với nghề nơi đây thì trong “tiểu sử” nghề nghiệp của họ hầu như ai cũng có nhiều phen "hú vía" với hàng chục; thậm chí hàng trăm bận ngã xe, trượt dốc. Không ít người thâm tím tay chân, có người xây xát mặt mày, nhưng trên gương mặt của họ lúc này, chúng tôi chỉ thấy những nét rạng ngời khi học sinh đến lớp đầy đủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem