Thế giới đối mặt với đợt suy thoái mới

Thứ hai, ngày 15/08/2011 06:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Thế giới sẽ phải đối mặt với một giai đoạn mới nguy hiểm hơn, đặc biệt là đối với các nền kinh tế phát triển trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công đang tiếp tục hoành hành châu Âu” - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cảnh báo.
Bình luận 0

Khủng hoảng rình rập

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Weekend Australia về triển vọng kinh tế thế giới, Chủ tịch World Bank (WB) ông Robert Zoellick cho rằng, thế giới đang ở giai đoạn đầu của một cơn bão mới, không giống như năm 2008, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong 2 tuần qua, thế giới đã đi từ giai đoạn phục hồi không đồng đều sang một giai đoạn mới nguy hiểm hơn. Cụ thể là, các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng cao, trong khi các thị trường phát triển vẫn phải vật lộn với những khó khăn.

img
Chủ tịch WB, ông Zoellick cảnh báo, kinh tế thế giới sẽ gặp nguy hiểm hơn cuộc khủng hoảng năm 2008.

Ông Zoellick cho rằng, mặc dù người dân ít bị nợ nần hơn so với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và những diễn biến hiện nay không có yếu tố gây sốc bất ngờ tương tự, song lần này khả năng xử lý đã "eo hẹp" hơn.

Theo ông Zoellick, cơ cấu kinh tế khu vực đồng euro có thể bộc lộ những khó khăn lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới. Các thị trường tài chính toàn cầu trở nên hỗn loạn trong tuần qua một phần do những tin đồn xung quanh việc Pháp có thể bị hạ mức đánh giá tín nhiệm và 2 nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư trong khu vực đồng euro là Italy và Tây Ban Nha có thể theo chân Hy Lạp rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công, khiến nguy cơ khu vực này tan rã ngày càng hiện hữu.

Châu Á sẽ ảnh hưởng nặng nề

Các nhà đầu tư cũng đang đặt câu hỏi về khả năng Pháp và Đức, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực, có thể tiếp tục bảo lãnh các khoản nợ cho các quốc gia khác mà không bị đánh tụt vị trí xếp hạng tín nhiệm hàng đầu cũng như không trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng.

Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới dự đoán, một cuộc suy thoái mới chắc chắn sẽ làm tổn thương các nền kinh tế châu Á vốn phụ thuộc vào xuất khẩu. Tăng trưởng châu Á cũng có nguy cơ giảm sút do các ngân hàng trung ương khu vực siết chặt chính sách tiền tệ vì lạm phát cao. Một số chuyên gia nhận định các nền kinh tế châu Á có thể sẽ phải điều chỉnh lại các dự báo kinh tế.

Trước nguy cơ suy thoái hiện nay, một số nhà kinh tế đã kêu gọi Mỹ và châu Âu tung ra những gói kích thích kinh tế mới. Tuy nhiên, do thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, Washington khó lòng tung ra những gói kích thích mới. Tháng 10.2011, Mỹ sẽ phải cắt giảm chi tiêu 900 tỷ USD, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Mới đây, Singapore đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2011 từ mức 5-7% xuống còn 5-6%. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á mới đây cũng hạ mức dự đoán về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 6,1%.

Theo ADB, tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam giảm nhẹ ở mức 5,4% trong quý I và 5,7% trong quý II năm 2011. Tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2011 được dự báo sẽ ở mức 6,1%, với nền kinh tế trong năm 2012 kỳ vọng tăng trưởng 6,7%.

Theo chuyên gia kinh tế Ấn Độ Niranjan Rajadhyaksha, khi khủng hoảng năm 2008 xảy ra, chính quyền Mỹ và châu Âu đã đổ hàng trăm tỷ USD vào thị trường nhằm kích thích kinh tế và giải cứu các ngân hàng. Nhờ đó, Mỹ và châu Âu đã vượt qua suy thoái. Tuy nhiên, chính sách đó đã khiến nợ công của Mỹ và các nước châu Âu tăng vọt, phần lớn đã chạm ngưỡng 100% GDP, vượt xa mức an toàn 60% GDP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem