Thế giới “phát sốt” với kho tên lửa của Iran

Thứ năm, ngày 21/03/2013 06:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Iran là quốc gia hiếm hoi ở Trung Đông sở hữu kho tên lửa đạn đạo, tên lửa chiến thuật đồ sộ vượt trội so với các nước láng giềng. Theo các nguồn tin, con số tên lửa các loại của Iran lên đến hàng ngàn đơn vị.
Bình luận 0

Kho tên lửa đạn đạo chiến thuật đồ sộ

img

Tên lửa tầm trung dòng Shahab-1

Lực lượng tên lửa đạn đạo chiến thuật của Iran hình thành từ những năm 1980. Thời ấy, Liên Xô chuyển giao cho Iran 200 tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud-B, đổi lại Tehran cho phép Liên Xô triển khai một trạm nghe lén điện tử ở miền bắc Iran, theo tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly (Mỹ). Đến những năm 1990, Iran bắt đầu hợp tác với các đối tác khác (gồm CHDCND Triều Tiên) để phát triển lĩnh vực công nghệ tên lửa.

Từ sự hợp tác trên, Iran đã đặt những viên gạch đầu tiên cho quá trình tự sản xuất tên lửa đạn đạo. Thành quả đầu tiên của nỗ lực này là tên lửa Shahab-1, sản xuất từ năm 1987 dựa trên mẫu Scud của Liên Xô và có sự giúp đỡ về linh kiện và công nghệ từ CHDCND Triều Tiên.

Shahab-1 sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng có tầm bắn khoảng 330km. Sai số trượt mục tiêu (CEP) của tên lửa này tương đối lớn khoảng 500m, nên chỉ phù hợp để tấn công các mục tiêu căn cứ quân sự rộng lớn hoặc tạo thế răn đe. Shahab-1 không có khả năng tấn công các mục tiêu di động hay các mục tiêu có giá trị cao.

Thế hệ tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng tiếp theo của Iran là Shahab-2. Về bản chất, đây là một biến thể nâng cấp của Shahab-1. Theo nguồn tin tình báo Mỹ, Iran có khoảng 200 tên lửa Shahab-2. Về cơ bản, Shahab-2 hoàn toàn giống với Shahab-1 về sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính, hình dáng, xe phóng, duy chỉ có thân tên lửa dài hơn một chút để tăng sức chứa nhiên liệu.

Tầm bắn của Shahab-2 khoảng từ 500 - 700km, tên lửa được trang bị đầu đạn nặng 750 - 900kg tùy nhiệm vụ. Iran quảng cáo CEP của tên lửa này chỉ khoảng 50m. Tuy nhiên, con số này không thực sự đáng tin cậy. Bởi nếu chỉ dựa vào hệ thống dẫn đường quán tính thì tầm bắn càng xa chỉ số CEP càng lớn.

img
Tên lửa Shahab-2

Ngoại trừ lợi thế về tầm bắn, khả năng tác chiến của Shahab-2 không hơn Shahab-1 là bao, so với loại tên lửa đạn đạo chiến thuật cùng loại của Israel là Jericho-1 thì khả năng của Shahab-2 bị đánh giá “dưới cơ”.

Sau các tên lửa tầm ngắn Shahab-2 và Shahab-1, Iran nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung với sản phẩm đầu tiên Shahab-3. Một trong những điểm nổi bật của Shahab-3 là được trang bị hệ thống động cơ vòi phun, cho phép nó thay đổi quỹ đạo bay nhằm tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ABM của Mỹ và Israel.

Shahab-3 được thiết kế là một tên lửa tốc độ cao nhằm rút ngắn thời gian tấn công mục tiêu, sử dụng hệ thống dẫn hướng con quay hồi chuyển được cho là khá chính xác. CEP của Shahab-3 được giới thiệu chỉ 30 - 50m. Shahab-3 có chiều dài 15,8m, đường kính 1,2m, trọng lượng phóng 26,7 tấn, tầm bắn khoảng 1.280km với biến thể đầu tiên.

Gần đây, Iran tuyên bố, kết hợp động cơ nhiên liệu lỏng và nhiên liệu rắn để nâng tầm bắn của Shahab-3 lên khoảng 1.900km. Những cải tiến trên Shahab-3 được cho là có khả năng vượt qua hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Arrow-2 của Israel và có khả năng tấn công các mục tiêu giá trị cao. Tuy vậy, các chuyên gia quân sự bày tỏ sự nghi ngờ với các con số mà Iran công bố.

img
Tên lửa Shahab-3

Nỗ lực đạt tầm bắn liên lục địa

Kho tên lửa đạn đạo chiến thuật của Iran khá đồ sộ, tầm bắn của các biến thể này đều phủ khắp khu vực Trung Đông và thực sự là mối đe dọa đối với Israel cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ đóng quân tại đây.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự, nhà phân tích chính trị đang đặt câu hỏi “bao nhiêu tên lửa của Iran có thể rời bệ phóng nếu chiến tranh nổ ra?”.

Ngoài những hạn chế về vấn đề kỹ thuật của tên lửa, sức mạnh quân sự của Mỹ-Israel bố trí ở khu vực này là quá lớn để Iran có thể tạo được lợi thế.

Mỹ và Israel đang duy trì một hệ thống giám sát tinh vi, ngoài những vệ tinh gián điệp đang ngày đêm theo dõi nhất cử nhất động của Iran còn có hàng trăm phương tiện trinh sát đường không khác như máy bay do thám không người lái, hệ thống radar phòng thủ tên lửa, hệ thống chiến đấu Aegis trên các tàu chiến Mỹ ngoài khơi Địa Trung Hải.

Hệ thống tối tân Aegis trang bị tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-2/3 đủ khả năng vô hiệu hóa tất cả các tên lửa đạn đạo của Iran sau khi nó rời bệ phóng không lâu. Thật khó để tên lửa của Iran có thể “qua mặt” những đôi mắt thần này để tấn công phủ đầu Israel hoặc các căn cứ quân sự Mỹ.

Nếu tên lửa của Iran có thể rời bệ phóng thì khả năng “sống sót” để tấn công mục tiêu cũng rất khó khăn. Đó là lý do thúc đẩy Iran tiến tới khả năng sở hữu các tên lửa đạn đạo tầm xa. Chỉ có tên lửa tầm bắn xa mới đảm bảo cho khả năng tấn công mạnh mẽ. Một khi tên lửa đã ở pha cuối, khả năng đánh chặn là không thể.

Theo thông tin trên trang web của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, Iran đang cố gắng từng bước phát triển một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm bắn khoảng 5.000km, với các phiên bản Shahab-4, 5 và 6.

Các tên lửa này đều có khả năng đe dọa các căn cứ quân sự Mỹ ở Trung Đông, thậm chí đe dọa cả lãnh thổ Mỹ, CIA dự báo Iran sẽ chỉ có thể sở hữu ICBM thực thụ từ năm 2015.

Tuy nhiên, Trung tâm Thông tin và phân tích Quốc hội Mỹ lại đưa ra những báo cáo hoàn toàn ngược lại: cơ quan này cho rằng CIA, Lầu Năm Góc thổi phồng mối đe dọa từ tên lửa của Iran nhằm duy trì mức tăng ngân sách quốc phòng.

(Còn tiếp)

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem