Trao đổi với NTNN/Dân Việt sau loạt bài Góp sức giải tỏa những “điểm nóng” (NTNN số ra ngày 16, 17, 18.5), Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (BCH T.Ư Hội NDVN) Nguyễn Hồng Lý khẳng định, tham gia giải quyết những khó khăn, bức xúc của hội viên, nông dân không chỉ là trách nhiệm, thể hiện vai trò đại diện, mà còn thúc đẩy nhanh sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tế công tác của Hội NDVN.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý cho biết, cá nhân và tập thể Thường trực T.Ư Hội NDVN nhất trí, đồng tình với cách đặt vấn đề và thông tin trong loạt bài “Góp sức giải tỏa những “điểm nóng” mà Báo NTNN vừa khởi đăng. Những vấn đề, thông tin đề cập trong loạt bài thể hiện được phần nào vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN cũng như phản ánh cơ bản quá trình đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội ND nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tình hình mới.
Thể hiện vai trò đại diện
Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Hồng Lý thăm hỏi, động viên và tặng quà các hộ
nông dân nghèo vùng hạn hán nặng thuộc xã H’Bông, huyện Chư Sê (Gia Lai). Ảnh: Lê Kiến
Cơ chế, chính sách để Hội NDVN tham gia giải quyết những khó khăn, bức xúc, động viên nông dân; tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách cho nông dân càng thể hiện rõ khi thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218 của Bộ Chính trị về ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền…” .
Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Hồng Lý
|
Thưa bà, những năm qua, vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN các cấp đã thể hiện thế nào trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân?
- Có thể nói, những năm qua, bên cạnh việc củng cố, xây dựng tổ chức, tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề thì công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân cũng được Hội ND các cấp chú trọng. Chính những việc làm đó đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Hội NDVN trong xã hội và hệ thống chính trị.
Qua một số vụ việc, sự kiện có thể thấy Hội NDVN đã thể hiện rõ được vai trò đại diện của mình. Điển hình là việc Hội tham gia bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh trong vụ Công ty Vedan xả thải trái phép ra sông Thị Vải và buộc doanh nghiệp này phải bồi thường cho nông dân hơn 218 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề đất đai, Hội NDVN đã chủ động vào cuộc nắm bắt tình hình, nghiên cứu tài liệu và có tiếng nói kịp thời, đúng mực trong một số vụ việc như cưỡng chế thu hồi đất ở khu Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), vụ cưỡng chế thu hồi đất tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (Hưng Yên). Những bức xúc của nông dân liên quan đến đất đai đã giúp Hội NDVN làm cơ sở để kiến nghị, đề xuất, tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai… Hội NDVN cũng đề xuất, kiến nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành tham gia góp ý xây dựng các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Bà có thể chia sẻ thêm hoạt động hữu ích của các cấp Hội ND trong những năm qua trong việc tập hợp, động viên, giúp đỡ nông dân ổn định tư tưởng, khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống?
- T.Ư Hội NDVN luôn chỉ đạo các cấp Hội ND phải bám sát thực tiễn nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn nội dung hoạt động của tổ chức với nhu cầu thiết thực của hội viên, nông dân. Trước diễn biến của hạn hán ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; hạn, xâm nhập mặn gay gắt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, T.Ư Hội NDVN đã chỉ đạo Hội ND các tỉnh, thành phố liên quan khẩn trương nắm bắt tình hình sản xuất, đời sống, sinh hoạt của hội viên, nông dân; cùng các cấp, ngành, địa phương kiến nghị, đề xuất các phương án giải quyết, hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn. T.Ư Hội NDVN cũng đã cử 3 đoàn công tác về các địa phương vùng hạn hán, xâm nhập mặn để nắm bắt tình hình, động viên nông dân, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp hỗ trợ nông dân. Cuối tháng 4.2016, T.Ư Hội NDVN đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn tại tỉnh Bến Tre để bàn giải pháp giúp nông dân ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Hay như mới đây nhất, trước tình trạng cá và các loài thủy, hải sản chết bất thường ở các tỉnh ven biển miền Trung, T.Ư Hội NDVN đã lên tiếng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng nhanh chóng vào cuộc nghiên cứu, xem xét và sớm đưa ra kết luận nguyên nhân gây cá chết. T.Ư Hội NDVN đã chỉ đạo Hội ND các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế chủ động, nhanh chóng cử cán bộ xuống cơ sở nắm tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con ngư dân; tham gia đề xuất kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương và T.Ư trong việc ổn định tư tưởng nông dân, hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn. T.Ư Hội NDVN cũng đã cử 2 đoàn công tác về các địa phương có thủy, hải sản chết để nắm bắt thêm tình hình, nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ nông dân và động viên, thăm hỏi, hỗ trợ nông dân nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại.
Khắc phục tính hình thức
Thưa bà, những kết quả vừa nêu rất đáng phấn khởi, tuy nhiên có ý kiến cho rằng những hoạt động chăm lo, vai trò đại diện của Hội NDVN thể hiện chưa đồng đều giữa các địa phương cũng như chưa thường xuyên, liên tục ở một số địa phương. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Điều này có phần liên quan đến vấn đề đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội ND. Tại một số địa phương, công tác Hội ND vẫn còn mang tính hành chính, hình thức, chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sâu sát tình hình nông dân, gắn các hoạt động của mình với nhu cầu thiết thực của hội viên, nông dân. Bên cạnh một số địa phương như vậy, hầu hết các cấp Hội ND hoạt động tích cực, chủ động vào cuộc nắm bắt tình hình, đề xuất, kiến nghị cấp ủy, phối hợp chính quyền, ngành chức năng trong việc giải quyết những khó khăn, nguyện vọng của hội viên, nông dân.
Điển hình như Hội ND tỉnh Bắc Kạn, Ninh Bình, Nghệ An… đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm, bảo vệ hoa màu; thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình thiệt hại và đề xuất giải pháp hỗ trợ nông dân bị thiệt hại bởi giá rét trong những tháng cuối năm 2015, đầu năm 2016. Hội ND TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… hỗ trợ, hướng dẫn nông dân đoàn kết, liên kết trong đánh bắt hải sản xa bờ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc trên biển… Những kinh nghiệm đó sẽ được đúc rút và chia sẻ giữa các địa phương nhằm nâng cao chất lượng công tác hội và phong trào nông dân trong thời gian tới…
Không ít nơi, cán bộ hội còn băn khoăn, trong nhiều vụ việc, sự kiện có liên quan đến nông dân, nhưng cơ chế, chính sách để Hội ND tham gia giải quyết chưa rõ ràng?
- Đến nay, cơ bản đã có đầy đủ cơ chế để các cấp Hội NDVN tham gia giải quyết những khó khăn của hội viên, nông dân. Chủ trương của Đảng luôn nhất quán và khuyến khích các tổ chức chính trị-xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hiệu quả. Điều lệ Hội NDVN được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2013-2018 cũng nhấn mạnh tinh thần đó. Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận số 61/2009 của Ban Bí thư và Quyết định số 673/2011 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh đến vai trò, nhiệm vụ, giao những việc trực tiếp cho Hội NDVN…
Xin cảm ơn bà!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.