Thể thao Việt Nam năm 2016: Lại “ăn xổi” hay đầu tư dài hơi?

Chính Minh Thứ hai, ngày 01/02/2016 13:50 PM (GMT+7)
Sau niềm vui với thành công mỹ mãn của Thể thao Việt Nam (TTVN) trong năm 2015, giới lãnh đạo và người hâm mộ đang lo lắng khi nhìn về Olympic 2016. Những gương mặt còn rất trẻ đã xuất hiện nhưng có làm nên chuyện lại là việc khác.
Bình luận 0

Ánh Viên, Công Phượng từng bị bỏ rơi

Lúc này, tên tuổi của “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên và “Messi Việt Nam” Nguyễn Công Phượng đã nức tiếng cả nước và khu vực Đông Nam Á. Không dừng trong khuôn khổ thể thao đơn thuần, những bước tiến của họ còn là tấm gương cho thế hệ trẻ, những đồng nghiệp, vận động viên (VĐV) ở nhiều môn khác theo đó phấn đấu vươn lên. Có điều ít ai biết là trong quá khứ, cả Ánh Viên lẫn Công Phượng cũng suýt nữa bị “bỏ rơi”.

img

Công Phượng (phải) với thể hình nhỏ bé suýt chút nữa đã không thể theo nghiệp bóng đá.  Minh Hoàng

Trong một lần tâm sự với NTNN, bà Nguyễn Thị Hoa – mẹ Phượng nhớ lại những ngày đầu tiên Phượng đến với trái bóng: “Hàng ngày, sau bữa trưa, tôi thường chở con bằng xe đạp từ nhà tới Trung tâm Văn hóa thể thao Đô Lương tập đá bóng. Quãng đường khoảng 18-20km nhưng đường khó đi nên phải mất 2-3 giờ mới tới nơi. Thế rồi 3 năm trôi qua, Phượng hớn hở bao nhiêu khi nhận giấy báo lên tập thử ở “lò” SLNA thì lại buồn bấy nhiêu khi không được nhận. May mắn thay là trong hoàn cảnh đó, còn có Học viện HAGL-Arsenal JMG khi đó mới thành lập “mở lòng” với cháu”.

"Nguy cơ thể thao thành tích cao Việt Nam ngày càng lùi so quốc tế tại các kỳ ASIAD, Olympic do không chịu tập trung vào thể thao trường học là quá rõ rồi”.
GS Dương Nghiệp Chí

Không khác Phượng là mấy, thời điểm trước năm 2010, Ánh Viên chẳng được ai biết đến cho tới khi “hữu duyên” gặp ông Nguyễn Xuân Gụ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam. “Lần đầu tôi gặp Ánh Viên là cuối năm 2010, khi ấy cháu chưa có tên trong thành phần đội tuyển nên không tiêu chuẩn chế độ gì. Nhưng chẳng hiểu sao nhìn con bé đen nhẻm, người gầy nhẳng, cánh tay dài, hỏi gì cũng chỉ cười hiền tôi lại thấy có một niềm tin mãnh liệt. Tôi hỏi Viên, con có hứa sẽ đạt thành tích cao sau này không? Viên đáp: Con hứa ạ! Con sẽ cố gắng tập thật tốt để không phụ lòng của các bác ạ. Vậy là tôi quyết tâm phải làm gì đó cho cháu” - ông Gụ kể.

Và những giải đấu quốc tế của Viên đã bắt đầu như vậy, không phải bằng tiền nhà nước, mà bằng kinh phí của một doanh nghiệp được Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam “vận động” đầu tư.

Sau Công Phượng, Ánh Viên, hồi ASIAD 2014, TTVN lại tiếp tục ngỡ ngàng với tấm HCB nhảy xa nữ của Bùi Thị Thu Thảo. Đơn giản, trước thềm ASIAD 2 tháng, Thảo còn không có tên trong danh sách tới Hàn Quốc tranh tài. Thậm chí đầu năm 2014, Thảo còn có dấu hiệu chán nản, thờ ơ tập luyện. Nếu các thầy cô ở Bộ môn Điền kinh Hà Nội không có tâm huyết, động viên Thảo kịp thời thì TTVN đã mất đi một huy chương ASIAD quý giá.

“Ăn may” đến bao giờ?

img

Vận động viên Thạch Kim Tuấn

TTVN đã trải qua một kỳ SEA Games 2015 thành công ngoài mong đợi với sức bật từ các môn Olympic. Sự tỏa sáng đầy bất ngờ của Nguyễn Thị Huyền (22 tuổi, điền kinh), Trương Thị Kim Tuyền (18 tuổi, taekwondo), Trương Thị Phương (16 tuổi, canoeing)… đã làm nức lòng các cổ động viên. Cuối năm, việc kỳ thủ  Cẩm Hiền giành HCV U8 nữ thế giới đã thêm một dấu son hoàn hảo vào bức tranh đẹp của TTVN năm 2015. 

img

Vận động viên Ánh Viên

Nhưng vui bao nhiêu lại lo âu bấy nhiêu khi nghĩ tới đấu trường Olympic – nơi mà TTVN mới chỉ có vỏn vẹn 2 HCB. Hướng tới Olympic 2016, TTVN cũng chỉ dám mơ có huy chương ở môn bắn súng (Hoàng Xuân Vinh), cử tạ (Thạch Kim Tuấn) mà thôi.

Sẽ là dễ dàng nếu lấy bối cảnh chung của nền kinh tế, những khó khăn về thể chất con người… để biện minh cho việc TTVN thường “trắng tay” ở Thế vận hội. Phải nhìn nhận rõ cốt lỗi của vấn đề nằm ở tâm lý “ăn xổi”, không chịu (không đủ kiên nhẫn) đầu tư đường dài. Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT nói: “Theo tôi, TTVN vẫn bỏ sót nhiều VĐV đầy tiềm năng vì nhiều lý do. Trong đó, quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào cách nhìn nhận mang theo nhiều cảm tính của các HLV từ cấp cơ sở đến đội tuyển, rồi cả chuyện “quân anh quân tôi”. Cần nhớ, những VĐV tài năng như Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Thạch Kim Tuấn (cử tạ) đều được phát hiện, bồi dưỡng bởi những người thầy có tài và đầy tâm huyết như HLV Hoàng Bảo (Hải Phòng), HLV Huỳnh Hữu Chí”.

img

Vận động viên Hoàng Xuân Vinh

Theo ông Minh, từ cách đây 20-30 năm, chúng ta cũng đã tổng kết, đúc rút, học hỏi những kinh nghiệm từ các nước phát triển về các tiêu chí tuyển chọn VĐV. Sau đó, tất cả những lý thuyết này đã được truyền đạt cho lớp lớp HLV: “Vấn đề là TTVN chưa có một giải pháp tiến hành đồng bộ, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt từ lúc phát hiện VĐV, theo dõi những bước tiến của họ. Ở đây, cần có sự vào cuộc của khoa học, VĐV phải được đo các chỉ số về máu, xương, lượng vận động, thành tích... theo định kỳ” - ông Minh nói.

Còn GS Dương Nghiệp Chí – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT chia sẻ: “Thể thao trường học tạo một nền thể lực chung cho thiếu niên, nhi đồng. Bao năm qua, chúng ta không đi theo con đường mà cả thế giới đã đi, mà chỉ cố gắng nhặt nhạnh, không muốn mất công gì cả mà vẫn tìm ra tài năng, thật phi lý! /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem