Thỏa mãn “bệnh” thành tích
Không phải tới Olympic 2012, trong hơn chục năm qua, cứ sau mỗi kỳ ASIAD, Olympic, Thể thao Việt Nam (TTVN) lại nhức nhối với những dấu hỏi liên quan tới tầm nhìn chiến lược, quá trình chuẩn bị thiếu kỹ lưỡng.
|
Thất bại của lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn có thể do cả tính toán sai của Ban huấn luyện. |
Cựu võ sĩ Nguyễn Văn Hùng-người từng thi đấu hai kỳ Olympic 2004, 2008 và hiện đang là HLV phó đội tuyển taekwondo Việt Nam bày tỏ: “TTVN đã đầu tư quá dàn trải. Những VĐV thi đấu nổi bật tại giải vô địch quốc gia thường được lấy lên đầu tư “ăn xổi” để thỏa mãn thành tích SEA Games - giải đấu mà trên thế giới ít ai biết đến, rồi thôi.
Với điều kiện kinh tế của ta, VĐV không thể đòi hỏi có được sự trang bị “đến tận chân răng” như các nước khác, đặc biệt ở các môn Olympic. Nhưng chúng ta nên có kế hoạch phát hiện VĐV từ nhỏ, chuẩn bị bài bản, khoa học hướng tới đấu trường châu lục, thế giới”.
Chia sẻ với suy nghĩ của Văn Hùng, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn (HCB cử tạ Olympic 2008) tâm sự: “Sau Olympic 2008, chuyên gia của tôi đã bị cắt hợp đồng (?!), thay vì đáng ra phải được tiếp tục duy trì hướng tới những mục tiêu xa hơn. Mỗi năm, cử tạ-thể hình có 60-70 nghìn USD, vấn đề là làm sao phân bổ cho hợp lý mà thôi”.
Theo Tuấn, việc “đàn em” Trần Lê Quốc Toàn không có huy chương Olympic 2012 có lỗi của Ban huấn luyện: “Khi xuất hiện VĐV CHDCND Triều Tiên với thành tích 293kg, đáng ra chúng ta phải thay đổi chiến thuật. Cụ thể, nên gạt VĐV Triều Tiên và VĐV Trung Quốc sang bên vì coi như họ đã có HCV, HCB rồi. Mục tiêu của mình là cạnh tranh tấm HCĐ với Valentin (Azerbaijan).
Thực tế, do Ban huấn luyện vẫn “bảo thủ” nên Toàn đã khởi đầu cử giật ở mức 125kg và phải đợi tới lần thứ 3 mới thành công. Trong khi đó, do xác định chỉ tranh HCĐ với Toàn nên Valentin dễ dàng thành công ở mức 127kg. Thua 2kg cử giật, sức ép đè nặng lên Toàn ở phần thi cử đẩy và đã thất bại” - Tuấn phân tích.
Đầu tư chiều sâu
Trao đổi với NTNN xung quanh những bước đi của TTVN tại Olympic 2012, ông Nguyễn Đình Lân-Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội nói: “Theo tôi, với điều kiện hiện tại, TTVN đã được đầu tư hết mức rồi. Hà Nội đóng góp 6 VĐV dự Thế vận hội và họ đều được chuẩn bị chu đáo từ thuốc men, dinh dưỡng tới tập huấn… Điều chúng ta cần khắc phục là phải có chiến lược 5-10 năm, thay vì chỉ 1-2 năm.
Ngay sau Olympic 2012, Hà Nội sẽ lên kế hoạch đầu tư trọng điểm cho Nguyễn Thị Thúy (cử tạ), Nguyễn Thị Lụa (vật), Diệu Linh (taekwondo), Phước Hưng (thể dục dụng cụ), Phạm Thị Hài (rowing). Phải thay đổi “công nghệ” tìm kiếm huy chương Olympic, chứ những gì chúng ta làm hiện nay là không ổn”.
Theo HLV Nguyễn Văn Hùng: “Lê Huỳnh Châu có nhiều cơ hội cạnh tranh huy chương ở Olympic 2012. Châu từng vượt qua những võ sĩ hàng đầu để có HCĐ thế giới, HCĐ châu Á. Hơn nữa, em cũng hoàn thiện thêm nhiều sau chuyến tập huấn dài hạn ở Hàn Quốc trước thềm Olympic”.
Còn ông Nguyễn Phúc Linh-Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng khẳng định: “Đà Nẵng có 3 VĐV trọng điểm: Quốc Toàn (cử tạ), Thanh Phúc (điền kinh), Quý Phước (bơi lội) và họ đều được quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất. Sau khi từ Mỹ về, Quý Phước đang tiếp tục tập huấn dài hạn ở Trung Quốc. Với Quốc Toàn, Thanh Phúc, Đà Nẵng đã hỗ trợ riêng cho các em 15 triệu đồng/người/tháng”.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP.HCM Mai Bá Hùng bộc bạch: “Việc chúng ta có 18 VĐV đoạt vé chính thức dự Olympic đã là thành công. Nhưng làm sao để giành huy chương Thế vận hội lại là chuyện khác. Riêng TP.HCM vẫn đang nghiêm túc thực hiện chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2020 của Nhà nước.
Ngoài ra, TP.HCM còn có các chương trình trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ chiến lược phát triển TDTT. Ngoài Tiến Minh được TP.HCM đầu tư rất nhiều trong những năm qua, Huỳnh Châu (taekwondo), Tiến Nhật (đấu kiếm) còn rất trẻ và chắc chắn sẽ được tập huấn, thi đấu quốc tế liên tục hướng tới Olympic 2016”.
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.