Đánh giá toàn diện vai trò của Hội
Các đại biểu khẳng định, báo cáo tổng kết đã đánh giá tương đối toàn diện những kết quả nổi bật, cũng như nêu lên đầy đủ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục của công tác hội và phong trào ND khóa V, nhiệm kỳ 2008-2013. Các ý kiến tập trung thảo luận nhiều nhất vào phần 2 của báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ, trách nhiệm, giải pháp thực hiện công tác hội và phong trào ND, nhiệm kỳ VI (2013-2018).
|
Các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 1.7. |
Hầu hết các đại biểu bày tỏ đồng tình, nhất trí cao đối với việc đưa thêm 3 nhiệm vụ mới của Hội NDVN trong nhiệm kỳ VI (2013-2018). Nhiệm vụ đầu tiên của Hội NDVN là “Chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp NDVN giai đoạn 2010-2020”; Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư; Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Một nhiệm vụ mới nữa của Hội NDVN là “Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, ND, nông thôn”. Và cuối cùng là Hội NDVN có nhiệm vụ mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế.
Ông Lương Quốc Đoàn - Trưởng ban tổ chức T.Ư Hội NDVN cho biết, có nhiệm vụ, giải pháp mới được tách ra từ một nhiệm vụ, giải pháp trước đây để công tác hội hiệu quả hơn, tranh thủ được những yếu tố thuận lợi để hỗ trợ ND tốt hơn. “Ví dụ nhiệm vụ mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế được tách từ nhiệm vụ xây dựng tổ chức hội trước đây. Chẳng hạn, Hội ND Đức đang hợp tác với Hội NDVN về đào tạo, dạy nghề cho ND, sắp tới Hội sẽ hợp tác với Pháp trong vấn đề hỗ trợ ND. Việc bổ sung thêm nhiệm vụ, giải pháp này là cần thiết...” - ông Đoàn lý giải thêm.
Sáng nay (2.7), đại hội tiến hành thủ tục bầu cử BCH T.Ư Hội NDVN khóa VI; tiếp tục phần trình bày tham luận của đại biểu. Buổi chiều, đại hội tiến hành công bố kết quả bầu cử BCH T.Ư Hội NDVN khóa VI và tiếp tục phần tham luận của đại biểu. Cuối giờ chiều, Hội nghị lần thứ nhất BCH T.Ư Hội NDVN khóa VI sẽ được tiến hành để bầu Ủy viên Ban Thường vụ, chủ tịch và các phó chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN khóa VI.
Liên quan đến báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành (BCH) T.Ư Hội NDVN khóa V, ý kiến của phần lớn đại biểu đều cho rằng, mặc dù có một số điểm hạn chế, nhưng BCH T.Ư Hội NDVN khóa V vẫn có nhiều ưu điểm, nhất là sự năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo điều hành.
Đại biểu Vũ Văn Thẩm (Quảng Nam) khẳng định việc bổ sung thêm các nhiệm vụ, giải pháp mới có tính khả thi cao đối với Hội NDVN khóa VI là dựa trên thực tiễn hoạt động của BCH Hội NDVN khóa V. Thường vụ, các đồng chí Thường trực T.Ư Hội ND đã thể hiện dấu ấn rõ nét với vai trò chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ của T.Ư Hội NDVN trong việc ban hành cơ chế, chính sách, tạo công cụ, phương tiện để hoạt động hội thực chất, trúng nhu cầu của hội viên, ND...”.
Chỉ tiêu cần sát với thực tế nông dân
Một nội dung được nhiều đại biểu thảo luận nhất và cho ý kiến khác nhau là về các chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ VI. Các đại biểu ở các tỉnh đồng bằng, thành thị cho rằng chỉ tiêu 5 về 100% cho hội có quỹ ở mức bình quân 30.000 đồng/hội viên trở lên là quá thấp, cần nâng lên mức 50.000 đồng/hội viên, thậm chí là 70.000 đồng/hội viên.
Tuy nhiên, đại biểu của các tỉnh miền núi, vùng thuần nông nghiệp thì tán thành với mức bình quân như dự thảo đưa ra. Chỉ tiêu 8 đưa ra mức tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ ND tăng trưởng 15%/năm trở lên cũng khiến một số đại biểu “kêu” là cao quá. Đại biểu Phan Văn Long (Tây Ninh) lý giải: “Nông dân giờ đang phải đóng góp nhiều khoản nên huy động Quỹ Hỗ trợ ND ở mức cao là khó”. Tuy nhiên, ý kiến của một số đại biểu lại cho rằng, mức này chấp nhận được bởi việc huy động tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ ND là từ nhiều nguồn, nhiều cách, không thể trông chờ hết vào sự đóng góp của hội viên, ND...
Cũng ở phần chỉ tiêu, hầu hết các ý kiến của đại biểu ở tất cả vùng miền đều cho rằng việc có 50% chi hội có tủ sách pháp luật, tủ sách nhà nông và 80% Hội ND cấp xã hướng dẫn, xây dựng được ít nhất 1 mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả là rất khó khả thi. Đại biểu Nguyễn Duy Mỡi (Thái Bình) nêu quan điểm: “Thực tế ở các thôn hiện nay vẫn có tủ sách chung nhưng số đầu sách nghèo nàn, hiệu quả rất hạn chế thế thì tủ sách chi hội phải tính sao đây?”.
Đại biểu Nguyễn Tiến Soạn (Bắc Giang) chấp nhận chỉ tiêu về xây dựng mô hình kinh tế tập thể nhưng là “hội phối hợp tham gia xây dựng” chứ không phải trực tiếp đứng ra xây dựng như dự thảo báo cáo đã nêu. Một số đại biểu khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, cần hiểu mô hình kinh tế tập thể theo nghĩa rộng hơn trong đó bao gồm tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất (từ 3-5 hộ trở lên) thì chỉ tiêu mới khả thi…
Về dự thảo Điều lệ Hội NDVN (sửa đổi), đại biểu Hội ND các cấp đánh giá cao tinh thần của Tiểu ban Văn kiện đại hội đã nghiêm túc, cân nhắc tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, hội viên, ND cả nước để dự thảo sát thực tế hơn. Tuy nhiên, một vấn đề được đại biểu của hầu hết các đoàn kiến nghị là nên tiếp tục giữ việc tổ chức đại hội và bầu BCH chi hội ND như Điều lệ hiện hành (dự thảo Điều lệ không có BCH chi hội, chi hội trưởng, chi hội phó được bầu lên thông qua hội nghị chứ không phải đại hội)...
Đại biểu Ksor Hhmui - Chủ tịch Hội ND xã Ia Phang (Chư Păh, Gia Lai): Mong tiếng nói nông dân có “sức nặng” hơnVề dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội NDVN, chị mang theo kỳ vọng gì?
- Cuối năm 2011, tôi được bầu làm Chủ tịch Hội ND xã Ia Phang, tiếp xúc với người dân tôi thấy bà con còn rất nhiều thiệt thòi. Thiệt thòi về chế độ chính sách, thiệt thòi về chưa được tiếp cận nhiều với các tiến bộ khoa học, kỹ thuật... Về dự đại hội này, tôi kỳ vọng T.Ư Hội NDVN sẽ cụ thể hóa các nghị quyết, chiến lược của đại hội đề ra, lắng nghe tiếng nói của người dân, làm sao để tiếng nói của người dân có “sức nặng” hơn nữa. Cũng qua đại hội, tôi mong muốn học hỏi kinh nghiệm tổ chức hoạt động hội từ các anh chị em, từ các địa phương.
Cụ thể, theo chị cần làm gì để tăng “sức nặng” cho tiếng nói của nông dân?
- Tôi xin kiến nghị Đảng, Nhà nước, T.Ư Hội NDVN cần quan tâm hơn nữa đến người ND, tăng cường các chính sách hỗ trợ người dân như chính sách hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ giống, con giống... và đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Riêng đối với ND là người dân tộc thiểu số, cần hỗ trợ người dân học nghề, chuyển giao khoa học -kỹ thuật… có như vậy bà con mới có thể ổn định đời sống.
Việt Tùng (thực hiện)
Đại biểu Nguyễn Đình Xiêm - Chủ tịch Hội ND huyện Phú Vang (Thừa – Thiên Huế): Sớm có chế độ hỗ trợ cán bộ chi hội
Thưa ông, những chính sách mà Đảng, Nhà nước, T.Ư Hội ND đã và đang triển khai có đáp ứng nguyện vọng của Hội chưa?
- Mặc dù Đảng, Nhà nước, T.Ư Hội ND đã có nhiều chính sách, trong đó rất nhiều chính sách đi vào lòng dân như Chương trình 167, Quyết định 1956… Tuy nhiên, về chính sách đối với Hội, đặc biệt là cấp chi hội thì vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, hiện 100% các chi hội trưởng đều không có lương, phụ cấp, mà vẫn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Chi hội là cấp gần dân nhất, nhưng lại không có lương, do đó việc hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nơi bầu mà không có người làm, vì họ thấy không cò quyền lợi gì. Còn những người nhận nhiệm vụ là vì họ xác định được trách nhiệm của họ với người nông dân, bên cạnh đó được các cấp hội động viên, vận động là chính.
Tại Đại hội VI này, ông có đề xuất, kiến nghị gì để tháo gỡ khó khăn đó?
- Tôi mong muốn Nhà nước sẽ sớm có cơ chế chính sách hỗ trợ các chi hội trưởng, nhằm giúp đỡ họ về mặt kinh tế, đồng thời nâng cao trách nhiệm của mình trong việc điều hành hội, có như vậy chất lượng hoạt động của các chi hội mới được nâng lên. Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục đưa các dịch vụ cây con, giống mới chất lượng cao vào để ND áp dụng, song song với đó là tăng cường dịch vụ tiêu thụ sản phẩm!
Nam Tùng Sơn (thực hiện)
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.