Sau khi nhà thơ Bàng Ái Thơ lên tiếng xác nhận rằng bà đã từng đọc bài thơ đang gây tranh cãi này vào tháng 4/2011, tác giả là một người nam và là một người lính, thì những dư luận trái chiều xung quanh câu chuyện tranh chấp bản quyền này ngày càng căng thẳng.
Hình ảnh chụp từ tập thơ “Tổ quốc gọi tên mình” của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai
Bên cạnh những ý kiến cho rằng tác giả là nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, người từng được vinh danh tại nhiều giải thưởng chuyên môn quan trọng thì cũng có nhiều ý kiến lại nghiêng về phía anh Ngô Xuân Phúc. Tuy nhiên, ai là người đã “đẻ” ra bài thơ này thì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.
Trong lúc đó, thời hạn ngày 10.10 mà nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đưa ra yêu cầu anh Phúc xin lỗi chị đã qua được mấy ngày. Anh Phúc vẫn một mực khẳng định anh mới là tác giả thật sự của bài thơ. Còn phía nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai vẫn im lặng, chưa lên tiếng chính thức về việc này.
Giữa lúc thái độ im lặng của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai gây ra sự khó hiểu cho nhiều người thì chiều ngày 15.10, thầy Nguyễn Văn Nội (đang công tác tại Phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) cho biết rằng cách đây 6 -7 năm, thầy đã được đọc bài thơ này trên mạng, tác giả là một người nam, và là quân nhân.
Thầy Nguyễn Văn Nội kể lại: “Do đặc thù công việc nên cách đây 6 -7 năm, tôi hay phải viết lời dẫn cho những chương trình ca nhạc có chủ đề về Tổ quốc. Tôi lên mạng search 2 từ khóa ‘Tổ quốc” thì từ trang này dẫn đến trang kia và cuối cùng tôi biết được có bài thơ này. Lúc đó, tôi đã có ý thức rằng mình phải lưu nó lại vì có một ý rất hay mà mình có thể sử dụng sau này và ngay cả lúc đó, tôi đã sử dụng đó là “Tuổi trẻ ơi, hãy nắm tay đoàn kết/ Và hãy lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”. Vì ấn tượng với mấy chữ “Và lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình” nên tôi đã đóng mở ngoặc một cách rất cẩn thận để làm lời kết cho kịch bản chương trình văn nghệ của tôi. Lúc đó bài thơ mà mọi người vẫn cho rằng là của tác giả Nguyễn Phan Quế Mai chưa có”.
Thầy Nội kể tiếp: “Năm 2013, lúc nghe bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” của nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai thì tôi mới lẩm bẩm một mình rằng, sao tay này lại là con gái được nhỉ? Mình nhớ có 3 chữ cái, là con trai, là quân nhân, giọng văn blog đó đầy tính kêu gọi, hô hào. Thậm chí, lúc lưu lại bài thơ này trong máy tính cá nhân, tôi còn ghi rõ folder này nội dung về tình yêu Tổ quốc, đọc được một cách rất cẩn thận, để nhỡ có việc lại lấy ra dùng cho tiện”.
Chúng tôi hỏi về file dữ liệu trong máy tính thì thầy Nội rất tiếc thầy không giữ lại. Khi thông tin về vụ tranh chấp bài thơ này nóng ran trên các mặt báo, và sau khi đọc bài viết về câu chuyện chị Bàng Ái Thơ kể lại, thầy nói rằng thầy rất day dứt, và trằn trọc cả đêm. Sau đó, thầy có tìm thử dữ liệu trong USB và máy tính còn không nhưng không còn. Có một lần, thầy Nội thay máy tính mới, lúc đó chủ quan không lưu lại vì nghĩ google sẽ lưu lại hộ”.
“Nhưng tôi lấy uy tín của một người thường xuyên làm các chương trình văn nghệ quần chúng mà khẳng định bài thơ này không phải của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Nói ra thì có phần xấu hổ. Lúc đó, tôi thấy ý thơ hay nên phóng tác, mượn luôn vào lời dẫn của mình, tất nhiên có đóng mở ngoặc kép. Mọi người gọi là ăn cắp ý cũng được. Và tôi sẵn sàng nhận rằng mình đã ăn cắp ý ấy”, thầy Nguyễn Văn Nội nói thêm.
Trước đó, trong thư ngỏ báo chí ngày 2.10, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai viết: “Phát ngôn của anh Ngô Xuân Phúc xúc phạm đến danh dự nghề nghiệp của tôi, xúc phạm đến danh dự cá nhân tôi, và xúc phạm đến tình yêu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tôi dành cho Tổ quốc Việt Nam. Qua các phương tiện truyền thông Việt Nam, tôi yêu cầu anh Ngô Xuân Phúc phải gửi thư chính thức xin lỗi tôi trước ngày 10.10.2015. Nếu không tôi sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để kiện ông ấy về tội vu khống. Hiện tôi đang liên lạc với luật sư, và sẽ làm việc đến cùng để chứng minh rằng tôi không thể nào dối trá trong tình yêu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mình dành cho Tổ quốc của mình”.
|
Đậu Dung (Công An Nhân Dân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.