Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Yêu cầu đổ thải đúng quy định trong ĐTM
Như Báo điện tử Dân Việt đã phản ánh, việc thi công móng cột công trình đường dây 500kV mạch 3 nguy cơ sạt lở đất, đá trong mùa mưa bão, làm ảnh hưởng đến rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, tiềm ẩn nguy cơ gây sụt lún, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người dân địa phương.
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt sáng 15/5/2024, Nguyễn Hồ Tiến, Chánh Văn phòng UBND huyện Nam Đàn cho biết: "Đúng như Báo điện tử Dân Việt phản ánh, đất đổ ở trên đồi, trên núi, nhân dân ở dưới rất nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở. Đất đá thải họ để bầy nhầy ra đó rất nguy hiểm".
"Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công đường dây 500kV mạch 3 thi công xong phải đảm bảo yêu cầu. Đất, đá đổ thải đúng quy định của ĐTM, nếu quá trình thi công xảy ra đất đá tràn xuống gây chết người là họ phải chịu trách nhiệm" – ông Tiến khẳng định.
Liên quan đến việc nhiều cây ở rừng đặc dụng bị vùi lấp, ông Bạch Quốc Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho rằng: "Ngành Kiểm lâm đã phối hợp với các ban, ngành liên quan ở địa phương kiểm tra và báo cáo huyện. Đất đá đổ xuống đó thực chất là liên quan đến chính quyền địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường chứ không phải ngành lâm nghiệp".
Theo ông Dũng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An quản lý những cây sinh sống trên đất, khu vực thi công móng cột "được làm theo đúng quy định, được HĐND tỉnh đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng".
Ngày 14/5, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn ban hành công văn chỉ đạo các xã Nam Kim, Khánh Sơn, Thượng Tân Lộc, Nam Thái, Nam Thanh, Thị trấn Nam Đàn và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung, công việc để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân địa phương chống nguy cơ sạt lở đất đá trong mùa mưa bão đối với công trình đường điện 500KV mạch 3.
Tuy nhiên, phóng viên thông tin nhiều diện tích rừng bên ngoài khu vực đã được chuyển đổi, không được phép tác động và phải bảo vệ nghiêm ngặt nhưng đơn vị thi công đổ thải bao phủ ngọn cây cao hàng chục mét làm chết cây. Ông Dũng vẫn khẳng định: "Về đất thuộc chính quyền địa phương, còn cây chết có báo cáo chính quyền để xử lý".
Trong khi đó, một cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho biết: "Ban quản lý rừng đặc Nam Đàn cũng có báo cáo, Chi cục Kiểm lâm cũng kiểm tra nhưng họ (Ban quản lý các công trình điện Miền Trung) nói công trình cấp bách và sẽ có biện pháp khắc phục".
Vị này khẳng định: "Nhà thầu thi công đổ thải làm chết cây là sai, chúng tôi đã chỉ đạo Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn thường xuyên kiểm tra giám sát. Từ nguồn tin của phóng viên cung cấp, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, báo cáo, khi có kết quả sẽ xử lý".
Liên quan đến nội dung thi công ẩu trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Vũ Tuấn, Chánh Văn phòng HĐND - UBND thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Đường dây 500kV là dự án trọng điểm quốc gia, nên mọi sự chỉ đạo thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh, cụ thể ở đây là Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh là đơn vị chủ trì nội dung của dự án, còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh phụ trách liên quan về rừng. Quá trình thi công Dự án thị xã cũng phối hợp liên quan công tác giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư. Thị xã Kỳ Anh đã có báo cáo với UBND tỉnh Hà Tĩnh".
Chủ đầu tư: Chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục
Liên quan đến vấn đề này, Phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã trao đổi với ông Bùi Thái - Phó Trưởng phòng kỹ thuật (Ban quản lý dự án các công trình điện Miền Trung), người Điều hành công tác thi công trên công trường để làm rõ một số thông tin.
Ông Thái cho biết: "Khi đào đất hố móng đất đá được để sang một bên để sau này sử dụng lấp hố móng, đối với phần đất thừa sẽ chở đi đến bãi đổ thải theo quy định".
Ông Thái khẳng định với phóng viên: "Chúng tôi có thỏa thuận điểm đổ thải, trên cơ sở đó yêu cầu các nhà thầu thi công phải tập kết đất thừa đến điểm đổ thải theo quy định".
Nhưng nội dung ông Thái cung cấp chỉ đúng trên giấy tờ. Thực tế ghi nhận của phóng viên cho thấy tại nhiều vị trí thi công, nhà thầu thi công đã đổ thải thẳng ra môi trường, nguy cơ sạt lở, chôn vùi, gây chết nhiều cây rừng thuộc khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng địa bàn huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Trước những thông tin, hình ảnh và tư liệu Báo điện tử Dân Việt ghi nhận được, ông Thái thừa nhận: "Chúng tôi sẽ khắc phục dần dần, sẽ yêu cầu các nhà thầu phối hợp với địa phương và Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn để khắc phục. Trong quá trình triển khai xảy ra một số việc ngoài mong muốn".
Phóng viên nhắc lại vụ sạt lở công trình gây chết người ở Hà Tĩnh, hiện đất, đá thải trôi xuống sườn núi, có những hòn đá to lăn ra xa cả trăm mét, mưa lũ xói mòn đất trôi theo dòng nước xuống suối, đến đồng ruộng và khu dân cư thì làm sao nhà thầu thi công đi thu dọn hết để chuyển đến bãi thải theo quy định?
Ông Thái trả lời: "Vụ việc ở Kỳ Liên (Kỳ Anh – Hà Tĩnh, PV) cũng là điều đáng lưu tâm, sau khi sự việc xảy ra chúng tôi đã rà soát lại tất cả các công trình lán trại của các nhà thầu".
Ông Trần Quang, một người có nhiều năm kinh nghiệm và là chuyên gia tư vấn xây dựng nền móng công trình điện ngoài hiện trường cho biết: "Thi công đường điện 500kV mạch 3 là công trình lớn phải có quy định đổ thải, nếu không đổ đúng quy định thì chính quyền địa phương phải kiểm tra, Chủ đầu tư giám sát các đơn vị thi công".
Nhìn những hình ảnh mà phóng viên cung cấp, ông Quang bình luận, có thể các đơn vị thi công đã làm tắt (không đổ thải đúng nơi quy định - PV), làm khoán. Cụ thể, tổng thầu giao cho các nhà thầu phụ, nhà thầu phụ lại giao cho các công nhân làm, lúc này đơn giá giao khoán thấp, có thể dẫn đến làm tắt.
Theo vị chuyên gia này, quy trình thi công một móng cột có quy định rõ ràng trong hợp đồng, đào như nào, mức độ bao nhiêu, kích thước bao nhiêu, phải có giám sát của chủ đầu tư giám sát, quy định đổ thải như thế nào, phải có người chịu trách nhiệm, chắc chắn chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm.
"Đổ thải như thế rất nguy hiểm, dễ xảy ra rủi ro không lường trước được. Vụ sạt lở gây chết người ở Hà Tĩnh là do chủ quan của đơn vị chủ thầu. Còn nhiều móng trụ cột khác, đào, đổ thải ra không có kè chắn gì, khi mưa tụt xuống" – ông Trần Quang nói.
Vị chuyên gia bổ sung thêm: "Càng công trình cấp bách phải làm cận thận, Chính phủ quy định rồi, trong hợp đồng ghi rõ rồi, tức là quy trình thi công phải đảm bảo an toàn, Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Công trình cần thi công đúng tiến độ, nhưng không phải nhanh ẩu, giám sát lỏng lẻo như thế là chết".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.