Thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội năm 2024: Nhiều ưu thế cho thí sinh lựa chọn

Tào Nga Thứ năm, ngày 28/12/2023 12:45 PM (GMT+7)
Chỉ tiêu có nhiều, cơ hội trúng tuyển cao, một số trường cho biết rất "tiếc" cho những em có năng lực giỏi chưa biết hoặc chưa quan tâm đến kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Bình luận 0

Phương án thi đánh giá năng lực Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2024

Sáng 28/12, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực - tuyển sinh đại học năm 2024 và định hướng năm 2025. 

PGS.TS. Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, kỳ thi sẽ được tổ chức vào 1 ngày là 11/5, tại 2 địa điểm Hà Nội và Quy Nhơn. 

Từ năm 2025, sau đợt thi cuối cùng của chương trình giáo dục phổ thông năm 2006, ban điều hành sẽ thiết kế ma trận phù hợp với chương trình mới, tiến hành thử nghiệm và đưa vào áp dụng chính thức.

Thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội: Nhiều trường "tiếc" vì thí sinh chưa quan tâm - Ảnh 1.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực - tuyển sinh đại học năm 2024 và định hướng năm 2025. Ảnh: Tào Nga

TS. Trần Bá Trình, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ về những ưu điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: "Mỗi thí sinh được chọn tối đa 5 môn thi, nhiều hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là 1 môn. Như vậy, kỳ thi này sẽ rộng mở hơn với thí sinh. 

Về thời gian, kỳ thi tổ chức vào tháng 5. Lúc này học sinh vừa học xong nên không bị thiếu sót nội dung. Các em làm bài xong sẽ có kinh nghiệm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt hơn. Thi sớm cũng giúp các em biết điểm sớm đỡ áp lực hơn. 

Nội dung thi căn cứ theo Thông tư 08 về Quy chế tuyển sinh. Nhà trường xác định môn thi là các môn học ở THPT và thi trên giấy để gần gũi với học sinh. Đề thi gồm trắc nghiệm và tự luận. Đánh giá từ mức thông hiểu trở lên để đánh giá năg lực lập luận, phân tích của thí sinh. 

Hiện tại, kỳ thi xây dựng ma trận theo chương trình 2006 với 300 câu hỏi tự luận, 5.000 câu hỏi trắc nghiệm. Sau đó, chúng tôi sẽ điều chỉnh ma trận theo chương trình 2018, thanh lọc câu hỏi nguồn theo ma trận mới. Trường minh bạch hóa, sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp, phản biện và giải trình về chất lượng đề thi, đáp án. Thí sinh tra cứu câu hỏi và đáp ứng công khai để tự đánh giá kết quả làm bài".

Chia sẻ về tỉ lệ nhập học và năng lực của thí sinh, TS. Trần Bá Trình cho hay: "Tỉ lệ ảo của kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ít hơn so với một số phương thức khác. 

Sau 1 năm học, chúng tôi nhận thấy sinh viên có 2 ưu điểm chính: Một là tư duy rành mạch, rõ ràng thể hiện ở quá trình học tập, tiếp thu kiến thức chuyên ngành khá tốt. Hai là khả năng thích ứng với môi trường học tập đại học nhanh, thể hiện ở ý thức cao trong việc lập kế hoạch và trải nghiệm phương pháp học tập khác nhau để tìm ra phương pháp phù hợp với bản thân, chủ động trao đổi với giảng viên".

Sẽ tạo tiếng vang lớn trong tương lai?

Nhận xét về kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS. Lưu Trang, Hiệu trưởng Đại học Đà Nẵng cho hay: "Đây không phải là kỳ thi tuyển sinh đại học thông thường mà ý nghĩa lớn hơn, tác dụng phổ cập hơn là để thay đổi cách dạy và học, kể cả thay đổi cách đào tạo giáo viên. Hướng thi này rất cần thiết và đóng góp phù hợp với chương trình GDPT mới.

Với thiết kế thi hiện tại 70% trắc nghiệm, 30% tự luận, kỳ thi tương thích với cách đánh giá tốt nghiệp THPT. Chúng ta đang cần đánh giá năng lực đầu vào đại học của thí sinh chứ không phải đánh giá kết quả học phổ thông của các em".

Thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội: Nhiều trường "tiếc" vì thí sinh chưa quan tâm - Ảnh 2.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Bên cạnh đó, PGS.TS. Lưu Trang cũng đưa ra ý kiến: “Chúng ta cần thống nhất cách thức tổ chức, quảng bá kỳ thi nhiều hơn. Không nên dừng lại ở 2 điểm thi mà phải có vài chục điểm thi. Có thể kết nối với Trường Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức chung để tạo hệ thống". 

ThS. Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho hay: "Rất tiếc vì hiện nay nhiều thí sinh vẫn chỉ coi trọng kỳ thi tốt nghiệp THPT mà bỏ qua cơ hội của các kỳ thi riêng. Trong khi đó, kỳ thi riêng không có nhiều trường thực hiện được mà chỉ có những trường có năng lực mới dám đứng lên tổ chức. Các Sở GDĐT và chuyên gia, giáo viên cũng đánh giá cao kết quả của những kỳ thi này. Các thí sinh được thi sớm, nhân đôi điểm số ở môn thế mạnh của mình và có thể sớm yên tâm đăng ký vào các trường. Các trường cũng chủ động được nguồn thí sinh. Tại trường chúng tôi, có thí sinh sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để vào học Toán, Tiếng Anh, Tin học... đây đều là những ngành có tỉ lệ chọi cao. Chắc chắn trong năm nay trường chúng tôi và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ có sự đối sánh kết quả để xét tuyển và đưa ra kết quả cuối cùng khi xét tuyển". 

Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội không chỉ thu hút khối trường Sư phạm mà năm nay còn nhận được sự quan tâm từ các trường khối ngành khác. TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho hay: "Chúng tôi đào tạo khối ngành kỹ thuật nên ngoài sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì có sử dụng kết quả từ kỳ thi riêng của các trường. Mặc dù chỉ tiêu chúng tôi dành phương thức này là 700 em nhưng năm 2022 chúng tôi chỉ tuyển được 50 em, năm 2023 được 200 em. Do vậy, chỉ tiêu từ phương thức này vẫn đang còn rất nhiều và là cơ hội cho thí sinh sử dụng để xét tuyển đại học. Năm nay chúng tôi tìm hiểu và nhận thấy kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có giá trị tuyển sinh cho trường, kết quả thi có sự tương đồng với mục tiêu tuyển sinh của trường. Vì vậy, chúng tôi có thể sử dụng kết quả thi này ngay trong kỳ tuyển sinh năm 2024 sắp tới đây".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem