Thí điểm "có vào có ra" và "đãi ngộ lớn" cho giáo viên

Tùng Anh (t/h) Thứ ba, ngày 16/05/2017 14:32 PM (GMT+7)
“Bộ GD ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong bộ máy giáo dục, thay vào đó là chế độ hợp đồng có vào – có ra và có chế độ đãi ngộ lớn” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết tại buổi tiếp xúc cử tri là các cán bộ ngành giáo dục tại Quy Nhơn mới đây.
Bình luận 0

Cụ thể, trước những băn khoăn của nhiều cán bộ ngành giáo dục trong việc tăng biên chế giáo viên rất khó khăn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương chủ động trong việc đào tạo giáo viên kiêm nhiệm để đáp ứng với thực trạng điều kiện hiện tại. Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ kiến nghị các bộ ngành và Chính phủ xem xét có chế độ phù hợp, kể cả chính sách và chế độ cho những giáo viên lớn tuổi có nhu cầu nghỉ hưu sớm.

img

Bộ GD ĐT sẽ thí điểm bỏ công chức, viên chức ngành giáo viên (ảnh minh họa: điện tử Chính phủ)

“Tăng thời gian, có hiệu quả thì phải tăng chế độ. Hiện nay giáo viên đang là định biên, hướng tới Bộ sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức đối với giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình", Bộ trưởng cho biết.

Theo tính toán, chỉ tính riêng nhu cầu định biên (cố định biên chế) kế toán và y tế trong ngành giáo dục của cả nước hiện đã khoảng 80.000 cán bộ. Tiến tới, sẽ triển khai theo kiểu 1 kế toán phục vụ 3 - 4 trường, thậm chí có trường chỉ cần thuê kế toán. Tiến tới chúng tôi tinh giảm kế toán, hoặc kiêm nhiệm. Còn y tế trường học đã có trạm y tế xã, những trường ở xa trạm xá thì sẽ cân nhắc, điều chỉnh cho hợp lý” - Bộ trưởng phân tích.

Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết thêm, ngành giáo dục sẽ có những biện pháp “gỡ khó” nhiều vấn đề cho giáo viên để các thầy cô yên tâm công tác, phát triển chuyên môn. Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ GDĐT đã chủ trương, từ năm học tới sẽ không lấy việc đăng ký sáng kiến kinh nghiệm làm tiêu chí thi đua giúp giáo viên giảm tải.

“Thi đua là cần thiết nhưng phải hậu kiểm. Các cô thầy sáng tạo thì được thưởng, các trường chủ động phát hiện, khích lệ, tạo điều kiện. Rồi cấp Phòng, Sở, Bộ trân trọng biểu dương, ghi nhận những thầy cô có kết quả sáng tạo. Cái cần là phải có thành tích, sáng tạo thực sự, chứ không phải bắt giáo viên đăng ký thi đua, làm sáng kiến kinh nghiệm, gây áp lực nặng nề lên giáo viên” – Bộ  trưởng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem