Thí điểm mô hình bác sĩ gia đình: Gia đình nghèo càng có lợi!

Thứ sáu, ngày 19/04/2013 17:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ Y tế vừa phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình 2013-2020. Đây được coi là giải pháp hiệu quả giúp giảm quá tải ở các bệnh viện.
Bình luận 0

Bác sĩ “3 trong 1”

Theo phân tích của TS Nguyễn Phương Hoa - Phó Trưởng bộ môn Y học gia đình, Trường ĐH Y Hà Nội, bác sĩ gia đình (BSGĐ) sẽ đảm đương 3 vai trò chính: Khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Cùng lúc BSGĐ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề sức khoẻ của bệnh nhân, trong đó chú trọng đến việc phát hiện và xử lý các ca bệnh/cấp cứu thường gặp, ưu tiên quản lý và điều trị ngoại trú (đáp ứng 80 - 90% nhu cầu chăm sóc sức khoẻ).

img
Chăm sóc tốt sức khoẻ ban đầu sẽ giúp bệnh viện tuyến trên giảm tải.

Còn PGS- TS Phạm Lê An- Trưởng trung tâm Đào tạo BSGĐ (Trường ĐH Y dược TP.HCM) cho biết: “Vai trò tầm soát bệnh sớm, dự phòng và điều trị bệnh mãn tính, tư vấn tâm lý của BSGĐ hoàn toàn chưa được đề cập đến. Với những chức năng này của BSGĐ, người dân sẽ được chẩn đoán sớm, có thể dự phòng nên sức khoẻ người dân được nâng cao, ít ốm đau, ít phải chi phí cho bệnh nặng. Như vậy, kể cả các gia đình nghèo càng có lợi”- TS An cho biết.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi BSGĐ phát huy vai trò thì sẽ đáp ứng được ít nhất 80% nhu cầu khám sức khoẻ của người dân tuyến dưới. Lúc đó, các bệnh viện sẽ có thời gian khám chữa bệnh cho các ca bệnh nặng đúng với vai trò chuyên sâu của họ. Nhờ đó, chất lượng khám chữa bệnh sẽ tăng lên, quả tải giảm bớt – TS Hoa cho biết. Thực tế, người dân thường rất ngại đi khám bệnh viện, phải xếp hàng chờ đợi. Việc nhiều người dân thường tự mua thuốc để điều trị cũng chính là lý do như vậy. Nếu có BSGĐ thì họ sẽ tiện đi khám, nhất là đối với các bệnh thông thường như viêm đường hô hấp, cảm cúm...

Lúng túng công- tư

“Ở quê, chúng tôi mỗi lần đau, mệt đều gọi nhân viên y tế gần nhà tới khám, có người là bác sĩ, nhưng cũng có người là y tá, hộ lý. Họ cứ thấy chúng tôi than đau, mệt là truyền nước, ghi tên thuốc cho chúng tôi đi mua. Không hiểu mô hình BSGĐ liệu có như cách làm ở quê tôi không?”.

Theo ông Nguyễn Hùng Vỹ - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, tỉnh này đang khởi động mô hình BSGĐ với phòng khám đa khoa Dân An tại TP. Mỹ Tho, sau đó tiến hành với 4 điểm khác. Trước mắt, các bác sĩ sẽ được đào tạo các kiến thức và kỹ năng làm BSGĐ, xây dựng tính toán các chi phí, các quy trình thăm khám bệnh, thanh toán BHYT cho chuẩn. Dự tính đến tháng 5.2013 sẽ đưa vào hoạt động tại cả 5 điểm và khoảng 25.000- 30.000 người được quản lý sức khoẻ bởi BSGĐ.

Tuy nhiên, ông Vỹ băn khoăn là BHYT chưa cho phép bác sĩ tư nhân tham gia khám chữa bệnh BHYT, trong khi các trạm y tế xã mới chỉ có 1 bác sĩ, muốn tổ chức thực hiện mô hình BSGĐ phải huy động sự tham gia của bác sĩ tư nhân. “Chúng tôi vẫn lúng túng với điều này. Vì nếu không được thanh toán BHYT thì người dân sẽ không mặn mà với BSGĐ. Còn nếu chỉ khám tại y tế công thì không đủ bác sĩ – ông Vỹ cho biết.

Ngoài ra, trong quy trình khám chữa bệnh của BSGĐ cũng có rất nhiều công đoạn chưa có trong danh mục thanh toán BHYT như tư vấn dự phòng, tư vấn tâm lý, quản lý thông tin sức khoẻ toàn diện, đến nhà khám chữa bệnh... “Những cái này đều cần phải xây dựng một mức phí cụ thể, thống nhất, tính toán xem BHYH thanh toán bao nhiêu, người dân bỏ ra bao nhiêu. Nếu không giá cả sẽ loạn” – ông Vỹ cho biết. Cũng theo ông, trước mắt, tại các điểm khám tư, bệnh nhân được thanh toán viện phí theo quy định của BHYT. Tuy nhiên, do giá cả phòng khám tư cao hơn bệnh viện công nên bệnh nhân phải thanh toán phần chênh lệch.

Về băn khoăn của ông Vỹ, ông Phạm Lương Sơn – Trưởng phòng Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: “BSGĐ phải có chứng chỉ đào tạo, phải được cấp phép hành nghề BSGĐ thì BHYT sẽ thanh toán theo đúng quy chế. Năm 2013, toàn quốc có hơn 600 cơ sở y tế tư nhân ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với BHXH Việt Nam, nên không lý gì lại nói còn vướng BHYT”.

Theo đề án, mô hình bắt đầu triển khai từ năm 2013, giai đoạn 2013-2015 thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hải Phòng và Tiền Giang. Tại Hà Nội và TP. HCM sẽ xây dựng 20 điểm BSGĐ, các tỉnh từ 5-10 điểm. Mỗi điểm có ít nhất 10 BSGĐ, mỗi BSGĐ sẽ quản lý sức khoẻ 500 người.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem