Thi môn Văn vào lớp 10: Bật mí cách làm bài để đạt điểm 10 tuyệt đối

Tào Nga Thứ sáu, ngày 17/06/2022 20:41 PM (GMT+7)
Cô Phạm Thu Trang, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội đã đưa ra lời dặn dò cho học sinh trước buổi thi đầu tiên vào lớp 10 - môn Văn.
Bình luận 0

Cách làm bài môn Văn thi vào lớp 10 đạt điểm cao

Theo cô Trang, về kỹ năng, học sinh bắt buộc phải phân tích đề trước khi làm bài. Đọc kĩ toàn bộ đề 1 lần trước khi làm bài. Câu dễ làm trước, câu khó làm sau.

Gạch chân vào những từ ngữ quan trọng, ghi đáp án bằng từ chìa khóa lên trên phần gạch chân ở đề bài và phải sử dụng giấy nháp ở bài thi. Dù là câu hỏi dễ về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác cũng phải ghi từ chìa khóa lên trên phần câu hỏi của đề để tránh nhầm lẫn.

Thi môn Văn vào lớp 10 Hà Nội: Bật mí cách làm bài để đạt điểm 10 tuyệt đối - Ảnh 1.

Cô Phạm Thu Trang, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: FBNV

Phân chia thời gian làm bài hợp lý (cần đeo đồng hồ) theo số điểm ở từng phần. Bài thi thường có 2 phần, mỗi phần không quá chênh lệch về thời gian để tránh hiện tượng đầu voi đuôi chuột. Câu hỏi nhỏ trả lời trước. Phần viết đoạn (mỗi đoạn văn nghị luận văn học hay nghị luận xã hội phải dành khoảng 25 phút - 30 phút cho từng đoạn).

Ở từng phần, từng câu hỏi phải ghi lại yêu cầu đề, tránh trả lời cộc lốc, cắt câu hỏi ở đề bài. Không được bỏ giấy trắng ở bất kỳ câu nào. Không được quên kiến thức ngữ pháp, bắt buộc đúng kiểu đoạn văn.

Trước khi nhận đề, lưu ý sử dụng giấy nháp (để ghi nhớ kiến thức về kiểu đoạn, tiếng việt, nghị luận xã hội). Khi viết đoạn, phải suy nghĩ kiến thức Tiếng Việt trước ghi viết đoạn, ghi câu chủ đề, câu chốt, câu mở của các kiểu đoạn diễn dịch, tổng phân hợp, quy nạp ra nháp để chắc chắn đúng.

Các trả lời từng dạng bài trong đề thi như sau: Câu hỏi nhỏ (thường chiếm khoảng 4,5-5 điểm) bắt buộc phải tách ý rõ ràng, không viết thành đoạn văn hoàn chỉnh nhưng giữa các ý phải có phần chuyển ý. Dùng kí hiệu (-) để trình bày ý lớn, (+) để trình bày ý nhỏ.

Với dạng câu hỏi so sánh sự khác nhau, các em không được kẻ bảng. Trả lời mỗi ý trong 1 câu hỏi bắt đầu bằng 1 gạch đầu dòng. Nhắc lại ý câu hỏi trong đề bài, không trả lời cộc lốc, thiếu chủ ngữ, có thể diễn đạt thành câu văn hoàn chỉnh nhưng vẫn xuống dòng, không viết thành đoạn. Trả lời ngắn, đủ ý nhưng nên "thừa còn hơn thiếu".

Dạng câu hỏi "Tại sao, qua đoạn trích nhân vật là người như thế nào, bộc lộ phẩm chất gì, vẻ đẹp gì": Không được ghi 1 đáp án, ghi càng nhiều đáp án càng tốt và phải có dẫn chứng (ở đề bài) để thuyết phục giám khảo.

Câu hỏi liên hệ tác phẩm tương đồng (cùng chủ đề, đề tài…), nếu chưa chắc chắn, kể tên 2 tác phẩm. Câu hỏi trình bày suy nghĩ (trong khoảng 3-5 câu hoặc 6-8 câu): Phải viết thành đoạn văn nhỏ hoàn chỉnh.

Về đoạn nghị luận văn học theo quy tắc chung: Lập dàn ý ngắn gọn ra nháp trước khi viết vào bài thi (chỉ viết từ khoá, không diễn đạt thành câu.

Kiểu đoạn văn (diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp) bắt buộc phải ghi các chủ đề, câu mở, câu kết ra nháp.

Kiến thức tiếng Việt trong đoạn: Phải nghĩ ra nháp trước khi viết đoạn. Câu bị động viết ngay ở câu chủ đề (với đoạn Diễn dịch hoặc tổng phân hợp), câu cuối (với đoạn Quy nạp). Không dùng cả 2 kiến thức trong cùng 1 câu hay gạch chân kiểu câu có dẫn thơ. Gạch chân, chú thích bằng bút đang viết (không dùng bút chì). Các kiểu câu (câu bị động, câu phủ định, câu cảm thán...) viết dưới dạng câu đơn.

Kiến thức tiếng Việt và kiểu đoạn văn không được để sai, phải dành thời gian suy nghĩ, ghi ra nháp trước khi viết đoạn vào bài.

Nếu đề bài hỏi phần đoạn văn nghị luận văn học: Phân tích nhân vật trong một tác phẩm thì gọi tên phẩm chất, dẫn chứng, nhận xét dẫn chứng. Sau khi phân tích xong, bắt buộc phải nêu nghệ thuật xây dựng nhân vật (qua tình huống, hành động, lời nói, cử chỉ). Cách trần thuật tự nhiên linh hoạt kết hợp với ngôi kể cùng ngôn ngữ đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm… Nếu chưa thuộc phẩm chất của nhân vật thì tóm tắt hành động việc làm của nhân vật.

Năm nay, cấu trúc đề có thể sẽ như năm ngoái, chỉ lấy 1 văn bản trong chương trình Ngữ văn 9, một văn bản là đoạn ngữ liệu ở phần tiếng Việt hoặc tập làm văn để khai thác kỹ năng đọc hiểu.

Cách trình bày bài thi

Cô Trang cũng chỉ thêm về cách trình bày bài thi như sau: Rõ ràng, khoa học, sạch sẽ. Hết một câu xuống dòng, cách 1 dòng. Câu hỏi nhỏ: hết 1 ý xuống dòng. Đoạn văn (cả nghị luận văn học và nghị luận xã hội) có dung lượng 1 trang giấy thi. Không được bỏ trống giấy. Nếu sai tuyệt đối không được dùng bút xóa. Sai vài từ dùng thước kẻ gạch chéo dòng chữ, dùng dấu ngoặc đơn gạch sát vào chữ. Sai 1 đoạn (vài câu liền) dùng dấu ngoặc đơn, sổ thẳng bên lề giấy thi, ghi "bỏ". Nếu sai quá nhiều, gạch xóa bẩn, nếu đang viết ở trang 1 và còn nhiều thời gian (2/3 thời gian) xin giám thị thay giấy khác.

Nếu gạch chân kiến thức Tiếng Việt sai thì gạch đè lên phần gạch chân. Phần chú thích phía cuối đoạn văn chép lại kiến thức Tiếng Việt. Không viết tắt, viết số. Câu phải đủ chủ ngữ, vị ngữ.

Không viết 2 màu mực trong 1 bài thi (không gạch chân kiến thức tiếng Việt bằng bút chì).

Sau khi làm xong kiểm tra lại toàn bộ bài, từng câu để không bị sót. Kiểm tra lại tờ phách: Tên, ngày sinh, SBD, Số thứ tự. Ghi đủ: Tờ số…/Tổng số tờ… Làm bài thi xong mang đề về, mang nháp về. Đáp án trên mạng không chính thức, cần vững tinh thần.

"Học vấn có những chùm rễ đắng cay nhưng kết quả ngọt ngào. Trái ngọt ngày mai sẽ bắt đầu từ những đắng cay, nhọc nhằn khổ luyện của ngày hôm nay. Cô mong các con biến ngại ngần thành quyết tâm, biến khát khao thành ý chí, biến mơ ước thành hiện thực. Thành quả ngọt ngào đang chờ đợi mỗi các con ở phía trước. Cô tin, khi các con nỗ lực hết mình, thành công sẽ đến", cô Trang nhắn nhủ tới các học sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem