Thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực cao ngất, làm sao để đạt kết quả tốt nhất?

Mỹ Quỳnh Thứ tư, ngày 02/03/2022 15:47 PM (GMT+7)
ĐH Quốc gia TP.HCM đã đóng cổng đăng ký đợt một kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 với hơn 85.000 thí sinh đăng ký dự thi.
Bình luận 0

Những năm gần đây, kỳ thi đánh giá năng lực do trường ĐHQG tổ chức nhận được sự quan tâm của đông đảo thí sinh trên cả nước.

Kỳ thi này không chỉ giúp các thí sinh trải nghiệm, thử sức để biết năng lực của bản thân mà còn giúp các em có thêm phương thức tuyển sinh, tăng cơ hội trúng tuyển đại học… Cho đến nay, tại TP.HCM có đến 84 đơn vị sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để tuyển sinh Đại học - Cao đẳng với 1.266 ngành học. Trong đó, có 10 trường thành viên ĐHQG-HCM, 69 trường ngoài hệ thống và 5 trường cao đẳng.

Thí sinh dự thi cao nhất trong 5 năm qua

Theo ông Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG-HCM, sau 1 tháng mở cổng đăng ký dự thi, có gần 85.000 thí sinh xác nhận đăng ký thi đánh giá năng lực năm 2022 đợt 1. Các thí sinh này bao gồm cả học sinh lớp 12 và thí sinh tự do.

Theo đó, đây là con số đăng ký cao nhất trong 5 năm tổ chức kỳ thi này. Tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 năm 2022 đạt 121,66% so với cùng đợt năm 2021.

Thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực cao ngất, làm sao để đạt kết quả tốt nhất? - Ảnh 1.

Có đến 85.000 thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 1 do ĐHQG-HCM tổ chức. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Tại TP.HCM, thí sinh đăng ký dự thi có số lượng đông nhất với hơn 42.000 em (chiếm gần 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi). Các tỉnh thành còn lại có số thí sinh đăng ký lần lượt là Khánh Hòa (5.000), Đồng Nai và Bình Định (4.100), Bến Tre (3.700), Đà Nẵng (3.600), Đắk Lắk (3.400), Bình Dương (3.200), Bà Rịa - Vũng Tàu (2.500), Quảng Ngãi (2.500), Cần Thơ (2.000), An Giang (2.000), Phú Yên (1.900), Kiên Giang (1.300), Bình Thuận (1.200), Bạc Liêu (800) và Quảng Nam (600).

Về số nguyện vọng xét tuyển Đại học - Cao đẳng, năm 2022 các thí sinh đăng ký khoảng 300.000 nguyện vọng, trung bình mỗi em đăng ký 3 - 4 nguyện vọng.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 giữa thời điểm tổ chức thi, ông Chính cho biết, mục tiêu ĐHQG-HCM đặt ra là đảm bảo an toàn cho thí sinh và nhân sự làm công tác tổ chức thi. Do đó, ĐHQG chuẩn bị kỹ lưỡng các biện pháp để ứng phó.

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 sẽ diễn ra sáng 27/3 tại 17 địa phương. Công tác phòng dịch sẽ thực hiện theo hướng dẫn tại từng địa phương, ĐHQG-HCM cũng như các đơn vị phối hợp sẽ thực hiện nghiêm túc để đảm bảo an toàn cho kỳ thi.

"Chúng tôi tự tin vì đã có kinh nghiệm tổ chức nhiều cuộc thi lớn, đặc biệt là kỳ thi năm 2020 và 2021 dịch bệnh còn phức tạp hơn. Hiện nay, tình hình chống dịch trong cả nước đã thống nhất, tỉ lệ tiêm vaccine cao, quy trình, quy định cụ thể đến từng con người, cùng với đó là sự phối hợp chặt với các đơn vị, địa phương để tổ chức thi tốt nhất" – ông Chính nói.

Thi đánh giá năng lực: Thí sinh cần làm gì để có kết quả cao?

Với số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao "ngất", điều này chứng tỏ kỳ thi đánh giá năng lực uy tín, có ưu điểm nhất định. Hiện, học sinh, thí sinh tự do đang ráo riết ôn thi tại nhà hoặc đến các trung tâm luyện thi đánh giá năng lực để không bỏ lỡ cơ hội giành điểm cao.

Thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực cao ngất, làm sao để đạt kết quả tốt nhất? - Ảnh 3.

Thí sinh cần có năng lực thật sự để tham gia kỳ thi chứ không thể thông qua luyện "tủ". Ảnh: Mỹ Quỳnh

Về vấn đề này, ông Chính cho biết, đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM luôn giữ ổn định về cấu trúc, độ khó và sẽ được cải tiến để chất lượng tốt nhất. Do đó, cách để đạt kết quả tốt nhất là học sinh cần có năng lực thật và tập trung học để nâng cao năng lực đó trong suốt quá trình chứ không phải là luyện thi, học tủ để có điểm thi cao.

"Luyện thi sẽ không thể đạt hiệu quả cao, điều này đặc biệt đúng với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM. Đề thi được đưa ra với mục tiêu tìm kiếm những em có năng lực thật và định hướng học tập một cách đúng đắn.

Lời khuyên là thí sinh không cần tham gia các khóa luyện thi đang được quảng cáo ở khắp nơi mà nên tự ôn luyện năng lực chung của mình. Bài thi hỏi rất tổng quát về khả năng hệ thống hoá, khả năng xử lý số liệu, xử lý vấn đề… vì thế không thể học kiểu trúng tủ" - ông Chính nhận định.

Bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 150 phút, được chia thành 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề.

Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận, giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

ĐHQG-HCM sẽ tổ chức kỳ thi thành hai đợt.

Đợt 1 diễn ra ngày 27/3 tại 17 địa phương gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ.

Đợt 2 diễn ra cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 7 tại 4 địa phương Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang.

Kết quả thi đợt 1 sẽ được công bố ngày 5/4. Đối với các đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả xét tuyển bằng kỳ thi Đánh giá năng lực sẽ được công bố dự kiến trước ngày 5/6 (trước Kỳ thi Trung học phổ thông năm 2022).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem