Tại ĐH Sư phạm TP.HCM sáng 13.8, có hàng trăm phụ huynh và thí sinh đến để xin rút hồ sơ, trong đó, nhiều thí sinh có điểm số tương đối cao nhưng vẫn quyết định… “tháo chạy” khỏi trường. Thí sinh Nguyễn Thị Như Nguyệt (Tiền Giang) cho biết: Em thi được 31,5 điểm (đã nhân hệ số môn chính) nộp đơn vào ngành Sư phạm Anh và Ngôn ngữ Anh nhưng theo dõi danh sách nộp hồ sơ thì thấy khá không an toàn, vì vậy em quyết định rút hồ sơ và qua nộp ở ĐH Sài Gòn, hy vọng sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn.
Thí sinh nộp hồ sơ tại ĐH Nguyễn Tất Thành
Tương tự, thí sinh Lê Thị Ngọc Mai (quê Tây Ninh) cũng quyết định đến ĐH Sư phạm TP HCM rút hồ sơ. Năm nay em dự thi được 28 điểm (đã nhân hệ số môn chính), nộp vào ngành sư phạm Văn nhưng hiện tại thứ tự xếp hạng của em đã vượt ra ngoài chỉ tiêu của trường khá nhiều.
“Thôi thì quyết định rút hồ sơ qua trường khác nộp, vì em nghe nói ở nguyện vọng 1 đợt này nhiều trường sẽ tuyển đủ, nếu chờ đợt sau sẽ khó có cơ hội vào trường công lập”, Mai cho biết.
Theo Th.S Lê Hùng Cường, chuyên viên phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 3.300 nhưng số hồ sơ đăng ký xét tuyển cập nhật đến nay khoảng hơn 8.500 hồ sơ. Tuy nhiên, đã có khoảng hơn 1.000 em đã rút hồ sơ nhưng dự liệu chúng tôi chưa kịp xóa, trong chiều naychúng tôi sẽ xóa đi nên dự kiến còn khoảng 7.500 hồ sơ.
Tình hình này cũng tương tự tại các trường thuộc top trên như ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM…. Tại ĐH Kinh tế TP.HCM, bình quân mỗi ngày có khoảng 100 -150 TS đến rút hồ sơ. Ông Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: Hiện tại có 5.977 hồ sơ đăng ký xét tuyển (trường có 4.400 chỉ tiêu). Để tạo điều kiện cho các em thí sinh có cơ hội vào trường khác, chúng tôi chủ động thông báo cho khoảng 1.500 em có ngưỡng điểm không an toàn (từ 18 đến 20 điểm) đến rút hồ sơ vì khó có cơ hội trúng tuyển.
Tương tự, tại ĐH Ngân hàng TP.HCM, trong 2 ngày qua có hơn 400 thí sinh từ 19 điểm trở xuống đến rút hồ sơ. Theo ông Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng Phòng Đào tạo: Hiện tại số hồ sơ cập nhật ngày 13.8 là 2.621 (chỉ tiêu của trường là 2.550), sở dĩ những ngày qua thí sinh rút hồ sơ nhiều là vì nhà trường chủ động khuyên những thí sinh dưới 19 điểm nên rút hồ sơ càng sớm càng tốt vì khó có khả năng trúng tuyển, thêm vào đó những ngày cuối thí sinh điểm cao dự kiến sẽ đổ về nhiều gây tình trạng quá tải, sẽ khó cho trường lẫn thí sinh trong việc rút hồ sơ.
Trong khi đó, ở nhóm trường top giữa tình hình nộp và rút hồ sơ những ngày gần đây khá ổn định. Tại ĐH Tài chính - Marketing, số lượng TS nộp hồ sơ đến thời điểm hiện tại là hơn 3.000 dù chỉ tiêu của trường năm nay chỉ có 2.500. Theo ông Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng nhà trường: Thí sinh đến rút hồ sơ cũng có nhưng không nhiều, đa số là các em có mức điểm bằng với điểm nhận hồ sơ của trường là khoảng 15 điểm. Được biết năm 2014, điểm trúng tuyển của trường này là 19 điểm.
Còn tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm, đến thời điểm hiện tại đã nhận khoảng 5.200 hồ sơ (chỉ tiêu 3.700). Theo ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường: Lượng thí sinh rút hồ sơ từ ngày đầu đến nay vào khoảng 500 hồ sơ, chủ yếu là các em có mức điểm bằng điểm sàn (15 điểm).
“Hiện tại số lượng hồ sơ nộp vào trường đã chững lại, mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục bộ và đa số là các em có mức điểm khá từ 17 đến 18 điểm do các em dự đoán khó vào được trường top trên nên quyết định nộp vào trường. Dự kiến từ đầu tuần tới lượng thí sinh sẽ ổn định và chúng tôi có thể dự kiến được mức điểm trúng tuyển cho từng ngành”, ông Sơn nói.
Được biết năm 2014, điểm trúng tuyển các ngành vào trường dao động từ 15 đến 19 điểm.
Còn ở khối trường ngoài công lập, tình trạng nộp và rút hồ sơ những ngày gần đây không nhiều. Tại ĐH Nguyễn Tất Thành, số hồ sơ nộp vào đến thời điểm hiện tại chỉ khoảng 600 hồ sơ dù chỉ tiêu của trường rất nhiểu (ĐH 4.800 chỉ tiêu và CĐ là 1.500 chỉ tiêu). Đại diện phòng đào tạo nhà trường cho biết: Từ đầu đến nay chỉ có vài trường hợp đến rút hồ sơ, lý do là vì các em điểm cũng không cao, chỉ bằng sàn hoặc nhỉnh hơn một chút nên khó có cơ hội vào trường công lập, thêm vào đó là đã xác định học ở trường nên mới đến nộp và không rút.
Tương tự, tại ĐH Công nghệ TP.HCM, tổng chỉ tiêu của trường là 5.100 nhưng đến thời điểm hiện tại mới nhận khoảng 1.650 hồ sơ. Ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông cho biết, khi các em đến nộp đa số là xác định sẽ học tại trường nên tình trạng rút hồ sơ khá ít.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.