Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Lịch sử Trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM).
Theo cô, việc sử dụng công nghệ thông tin vào công tác thi cử là một xu hướng tất yếu, việc áp dụng máy tính như thế này sẽ ảnh hưởng tới việc học tập, ôn thi của học sinh như thế nào?
Thi THPT Quốc gia trên máy tính liệu có giảm áp lực cho học sinh? Ảnh minh họa. Ảnh: Việt Phương
- Theo tôi, việc triển khai thi trên máy tính là điều tất yếu và khách quan, phù hợp với xu hướng hiện nay. Điều này cũng sẽ giảm được một phần ngân sách chi cho kỳ thi, giảm nguồn nhân lực cũng như đảm bảo tính công bằng cho kỳ thi sau hàng loạt vụ bê bối của kỳ thi 2018. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất là cơ sở vật chất và mạng lưới thông tin có đảm bảo, đáp ứng được thực tế khi nghẽn mạng, rớt mạng hay máy móc ko đáp ứng dễ dẫn đến kết quả không như mong muốn và gây bất lợi cho thí sinh.
Và hơn hết, tính bảo mật, an toàn dữ liệu cần được lưu ý. Vì với sự phát triển của công nghệ trong bối cảnh hiện nay thì những lỗ hổng vẫn có thể xảy ra và khi đó tiêu cực vẫn có thể xảy ra. Tuy vậy, cá nhân tôi vẫn ủng hộ cho việc thi trên máy tính vì tiện lợi và nhanh chóng có kết quả, tiếp cận được với xu hướng thế giới.
Giáo viên có phải thay đổi nhiều trong cách truyền tải kiến thức cho học sinh nếu như áp dụng hình thức thi kiểu mới?
- Việc thi trên máy tính cũng không ảnh hưởng đến cách dạy và học. Vì thi là hoạt động bài làm mà thí sinh được hướng dẫn và thực tập thì có thể biết các thao tác để hoàn thành bài thi.
Xét về mục tiêu giáo dục, việc thi trên máy tính tránh được học lệch, học tủ, các em phải học rộng, đều… Đặc biệt, thông tin mới được Bộ GDĐT đưa ra là “giảm số lượng câu hỏi để trở thành bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện bài thi tích hợp phù hợp lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Mỗi bài thi khi chấm chỉ cho ra 1 đầu điểm duy nhất, không còn 4 đầu điểm như hiện nay” sẽ ít nhiều ảnh hướng tới cách thức làm bài thi của các em.
Theo cô, tính khả thi của việc sử dụng máy tính trong kỳ thi, liệu có đảm bảo được tính công bằng cho 1 triệu thí sinh hàng năm thi hay không?
- Thách thức và khó khăn là học sinh sẽ phải nỗ lực học các môn và tự rèn luyện các bài thi tổng hợp để vượt qua kỳ thi.
Đối với giáo viên, ngoài việc dạy học đơn thuần sẽ cần biên soạn nội dung bài học và triển khai các bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm để hướng dẫn học sinh. Như vậy, giáo viên sẽ thêm nhiều việc phải làm. Còn vấn đề tập huấn cách kiểm tra đánh giá trắc nghiệm không khó khăn vì giáo viên đã dần quen với hình thức này sau vài năm thi bằng hình thức trắc nghiệm.
Xin cảm ơn cô!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.