Các “lò” mở chiêu thi thử
|
Đăng ký và tổ chức thi thử ở một lò luyện thi gần ĐH Bách khoa (Hà Nội). |
Kỳ thi ĐH-CĐ vẫn còn hơn 4 tháng nữa mới diễn ra nhưng nhiều bậc phụ huynh đã sốt sắng tìm nơi để con em mình ôn tập, thi thử, coi như “tập trận” trước để chọn trường phù hợp.
Nắm bắt tâm lý đó, mới đầu tháng 3, các lò luyện thi đã bắt đầu chiến dịch chiêu sinh, thi thử rầm rộ. Em Nguyễn Hải Yến (Cao Bằng) ôn thi tại lò luyện thi trong ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Từ khi vào học ở đây, em đã được thi thử 2 lần rồi, mỗi lần lệ phí khoảng 50.000 đồng nhưng không thấy hiệu quả, cũng chỉ như làm bài kiểm tra, có chấm điểm. Do các trung tâm không có nhiều phòng nên học sinh phải ngồi chen chúc, không có tính nghiêm túc. Sau thi, lại mất 2 buổi chỉ để giải đề thi…”.
Ở một lò luyện thi khác trên đường Tạ Quang Bửu (Hà Nội) cũng đăng quảng cáo chiêu sinh với nhấn mạnh: “Có tổ chức thi thử ĐH hàng tháng, đề thi do giảng viên các trường ĐH ra, bài thi được chấm nghiêm túc”.
Tuy nhiên theo em Trần Văn Vinh (HS lớp 12 Trường THPT Trần Hưng Đạo, Bắc Giang): “Đề thi toàn được lấy trong sách bộ đề, em đã thi thử 1 lần nhưng thấy không nghiêm túc và không được thử sức thực sự. Hơn nữa lệ phí rất cao: Tiền đề, tiền giấy thi, tiền coi thi, tiền thuê phòng… mỗi học sinh phải đóng hơn 150.000 đồng/lượt cho 3 môn thi”.
Một số lò khác lại có “chiêu” thi qua mạng với thẻ thi từ 15.000- 50.000 đồng/môn. Dù chất lượng của các kỳ thi như thế này chưa được kiểm chứng, nhưng nhiều thí sinh vẫn hồ hởi đăng ký với mong muốn “thử sức mình”, thi cho quen…
Lợi bất cập hại
Bộ không có chỉ đạo bất kỳ một hình thức thi thử nào mà ở các trường và địa phương tổ chức. Để chấn chỉnh, Bộ đã yêu cầu các Sở GDĐT tập trung tổ chức ôn thi tốt cho học sinh theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí Bộ GDĐT
Tại các trường THPT, THCS thi thử cũng trở thành lệ không thể thiếu trước các kỳ thi thật. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cũng thấy mặt trái của áp lực thi thử đối với học sinh của mình.
Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường THPT Hồng Thái (Đan Phượng, Hà Nội) bày tỏ: “Kỳ thi thử giúp học sinh làm quen và tiếp xúc với không khí phòng thi nhưng không nên quá lạm dụng. Nhiều em vì quá quan tâm đến kỳ thi thử mà bỏ bê việc học các môn khác, có em còn mang điện thoại vào phòng thi khiến tính nghiêm túc của kỳ thi giảm hẳn”.
Cũng theo cô Hương, mục đích của các trường THPT khi tổ chức thi thử là “đong đếm” được kiến thức của học trò để điều chỉnh phương pháp dạy, dự trù khả năng tốt nghiệp, đỗ ĐH-CĐ. Trong khi đó, các trung tâm luyện thi thường cố gắng làm sao để hút càng nhiều thí sinh càng tốt để thu được nhiều tiền. Đề thi cũng không quá khó để thí sinh có thể đạt điểm cao, lại còn “trao giải” cho những em điểm cao nhất - mà thường là những em học ở trung tâm, đó cũng là một chiêu để quảng cáo.
Từng phân tích cái hại của thi thử, cô Đỗ Thu Hằng, Khoa Tâm lý- Giáo dục, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định:
“Nên cảnh giác với những hình thức thi chỉ để kiếm tiền ở một số trung tâm, vì ở đó các em không được chấm trả và phân tích cái sai, cái đúng ở bài làm của mình. Có em điểm cao lại chủ quan vì nghĩ kiến thức của mình như thế là ổn rồi, không cần học nhiều nữa. Ngược lại, những em điểm thấp lại hoang mang, không tin tưởng vào khả năng của chính mình, e dè khi chọn những trường mình mong muốn, để rồi phải nuối tiếc”.
Bùi Định – Thiên Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.