Nhiều thầy cô, chuyên gia giáo dục cho rằng, việc thi bằng hình thức trắc nghiệm đã đánh mất khả năng tư duy, cách vận dụng kiến thức toán học và kỹ năng giải thích, sử dụng ngôn ngữ… trong giải toán. Thay vào đó, học sinh chỉ giải quyết vấn đề từ phần ngọn, nhìn các yếu tố quen để chọn đáp án.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Chủ biên môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã bày tỏ ý kiến kịch liệt phản đối hình thức thi trắc nghiệm, đặc biệt là với môn toán.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái: Thi trắc nghiệm đang giết chết tính sáng tạo của học sinh!
GS Đỗ Đức Thái cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm, chọn 1 trong 4 – 5 đáp án đúng (multiple choice) hiện nay đang hướng học sinh đến việc học toán bằng cách “ăn may”, nhận biết những bản chất thông qua dấu hiêụ bên ngoài. Điều này rất nguy hiểm, vì nó có thể giết chết học sinh, giết chết toàn bộ sự sáng tạo của con người.
“Không có con người nào có thể sáng tạo nghiêm túc từ vài ba nhìn nhận dấu hiệu bên ngoài, nếu có thì đó là những người copy, không phải là sáng tạo”, GS. Đỗ Đức Thái nhận định.
Cũng theo GS Thái, đánh giá trắc nghiệm bằng multiple choice không đo được năng lực tư duy và lập luận, không đo được năng lực giải quyết vấn đề, không đo được khả năng giao tiếp...
Thí sinh chuẩn bị làm bài thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019.
Đồng tình với quan điểm này, thầy Phạm Minh Chánh, Trường THPT Chơn Thành (Bình Phước) cũng cho rằng, thi trắc nghiệm không hoặc rất khó đánh giá được khả năng diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ và quá trình tư duy của học sinh để đi đến câu trả lời của học sinh.
Hơn nữa, việc chỉ khoanh tròn đáp án trong bài thi không góp phần rèn luyện cho học sinh khả năng trình bày, diễn đạt ý kiến của mình. Người chấm không xác định được thí sinh đã dùng cách nào để giải được đề thi, thậm chí thí sinh được điểm chỉ vì “ăn may”.
Với hình thức thi trắc nghiệm, sự sáng tạo của học sinh cũng không được thể hiện. Trong khi, điểm mạnh của thi trắc nghiệm là có thể áp dụng công nghệ, máy móc vào quá trình làm đề và chấm thi, giảm bớt sức lao động của giáo viên.
Thầy Huỳnh Minh Mẫn, giáo viên dạy toán tại quận Bình Tân (TP.HCM) thì cho rằng, trong việc thi trắc nghiệm, người ra đề, chấm thi “tiếc nhất” ở việc không còn những bài giải hay, sáng tạo hoặc cách ra đề hay, độc đáo.
Để đáp ứng việc thi trắc nghiệm, thầy cô cũng ngại đưa những bài tập khó, mang tính suy luận cao vào giảng dạy. Thay vào đó, học sinh thường được luyện tập những bài tập phổ thông hơn, được chỉ các “chiêu” làm bài tốt hơn, đi đến đáp án tối ưu nhất.
Nhiều ý kiến cho rằng, thi trắc nghiệm làm thay đổi việc dạy và học môn toán trong trường phổ thông.
Còn theo thầy Lê Đức Vĩnh, nguyên Tổ trưởng tổ toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, toán học là chìa khóa của nhiều môn khoa học khác, người học cần hiểu rõ bản chất của từng vấn đề. Từ đó có thể áp dụng vào các môn học khác. Nếu không hiểu rõ, coi như mất gốc, rất khó học tốt các môn học khác ở cấp học cao hơn như kinh tế vĩ mô, kinh tế vi môn, hay xác suất thống kê... ở bậc đại học.
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, đại biểu quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) đã bày tỏ ý kiến lo ngại của cử tri trước hình thức thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia.
Theo đại biểu Dương Minh Ánh, hình thức thi trắc nghiệm là một trong những nguyên nhân gây ra sai phạm hàng loạt với kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, nhiều bài thi trắc nghiệm cũng gặp lỗi trong khâu chấm thi, ảnh hưởng đến kết quả của học sinh.
Ngoài ra, thi trắc nghiệm cũng khiến việc dạy và học, tư duy toán học trong nhà trường có sự thay đổi theo hướng không tích cực. Nhiều thầy cô dành nhiều thời gian để chỉ cho học sinh biết cách làm bài trắc nghiệm sao cho đạt kết quả bằng các mẹo làm bài. Trong khi, học sinh chỉ cần khoanh tối đa các phương án đúng, còn lại là khoanh xác suất. Điều này ảnh hưởng tới việc luyện tập tư duy logic và các kỹ năng trình bày, giải quyết vấn đề trong toán học.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.