Thị trường BĐS Việt Nam vẫn đầy sức hút vốn đầu tư ngoại

Văn Dũng Thứ năm, ngày 12/12/2019 11:14 AM (GMT+7)
Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang có sức hút đối với các nhà đầu tư quốc tế. Các khách hàng với nguồn tài sản hạn chế ở nước ngoài có thể mua bất động sản ở một thị trường tăng trưởng nhanh chóng như Việt Nam và đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ.
Bình luận 0

Đó là một trong những nhận định của ông Neil McGregor, Tổng giám đốc SavillS Việt Nam. Theo ông Neil, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội tiềm năng thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là các thị trường bán lẻ, khu công nghiệp và nhà ở. Trong năm 2019, tăng trưởng vốn đăng ký vào Việt Nam tăng mạnh, cùng với sự chuyển dịch tích cực của dòng vốn FDI. 

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài ghi nhận, trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới là 12,83 tỷ USD. Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong tổng vốn đăng ký cấp mới, với tỷ trọng 10,2% (2,98 tỷ USD), chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc. 

“Rất nhiều nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao tiềm năng của thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội. Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định trong thời gian dài đã tạo ra một tầng lớp trung lưu đông đảo. Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng ổn định, chính sách đầu tư ngày càng cởi mở, giá nhà tương đối thấp ở Việt Nam đang rất hấp dẫn giới đầu tư quốc tế. Các khách hàng với nguồn tài sản hạn chế ở nước ngoài có thể mua bất động sản ở một thị trường tăng trưởng nhanh chóng như Việt Nam và đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ”, ông Neil McGregor khẳng định.

img

Thị trường BĐS Việt Nam vẫn là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư ngoại.

Thông qua việc kết hợp với các nhà phát triển trong nước, danh mục đầu tư của các doanh nghiệp trong khu vực đang ngày càng mở rộng. Phía doanh nghiệp nội đang có lợi thế quỹ đất và cần lượng vốn lớn để phát triển dự án, nhất là trong bối cảnh vốn tín dụng ngân hàng đang dần bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

Trong khi đó doanh nghiệp ngoại có vốn và cần tìm các dự án có sẵn quỹ đất sạch, pháp lý tốt để gia nhập thị trường nhanh, hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện dự án. Sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại đem tới thị trường những chuyên môn, kinh nghiệm phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế ở tất cả các lĩnh vực và phân khúc.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhìn nhận, sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam đến từ yếu tố giá bán hấp dẫn, tiềm năng lợi nhuận cao, sản phẩm chất lượng và Luật Nhà ở được nới lỏng tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà. Trong năm 2019, nền kinh tế Việt Nam có những bước phát triển rất đáng khích lệ trong bối cảnh rủi ro bên ngoài gia tăng. 

img

Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhìn nhận, sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam đến từ yếu tố giá bán hấp dẫn, tiềm năng lợi nhuận cao, sản phẩm chất lượng và Luật Nhà ở được nới lỏng tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà.

Dự báo cả năm 2019, GDP tăng trưởng tương đối cao, đạt khoảng 6,98%. Lạm phát cũng được kiểm soát rất tốt (khoảng 3%), xuất khẩu ước tính tăng khoảng 9%, giải ngân FDI ước tính tăng 8%. Đồng thời, theo Ngân hàng Thế giới, kiều hối Việt Nam năm 2019 ước đạt ở mức khoảng 16,8 tỷ USD, tăng 7% so với 2018. 

Tiến sĩ Lực dự báo trong năm 2020 nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang thì bức tranh kinh tế 2020 sẽ diễn biến theo kịch bản trung bình. Việt Nam là nước có quan hệ chặt chẽ về thương mại, đầu tư với cả hai quốc gia này và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên sẽ có sự liên đới lớn về kinh tế. Trong đó, bất động sản là ngành được coi là cấu hình nền của nhiều ngành kinh tế khác cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Tăng trưởng kinh tế sẽ khó khăn hơn so với năm 2019, nhiều khả năng đạt khoảng 6,8%. 

Tuy nhiên, ngoài ảnh hưởng trên, vẫn có nhiều điểm sáng tích cực cho bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam. Đó là sự dịch chuyển ngành nghề, chuyển hướng thương mại đầu tư từ nhiều quốc gia khác đến Việt Nam nhờ tác động của thương chiến Mỹ - Trung. Thị trường sẽ có sự phân bố lại, không chỉ phát triển sôi nổi ở Hà Nội, TP.HCM mà sẽ lan rộng ra các thành phố vệ tinh. 

Bất động sản nhà ở dành cho khách hàng là người nước ngoài, nhà ở cho nhân viên văn phòng, công nhân lao động tại các thành phố có nhiều khu công nghiệp sẽ được đầu tư mạnh hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem