Thị trường cà phê lên cơn sốt toàn cầu, lợi nhuận các công ty cà phê Việt Nam thế nào?
Thị trường cà phê lên cơn sốt toàn cầu, lợi nhuận các công ty cà phê Việt Nam thế nào?
Nguyễn Phương
Thứ bảy, ngày 31/08/2024 16:10 PM (GMT+7)
Giá cà phê vẫn duy trì mức cao, nhưng câu chuyện về vay vốn tài chính, chi phí vận chuyển, thiếu hụt sản phẩm,… tiếp tục gây "đau đầu" cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này cũng cho thấy có sự phân hoá mạnh.
Doanh nghiệp cà phê vẫn thận trọng với đơn hàng mới
Thị trường cà phê Việt Nam phải đối mặt với hai thách thức chính trong năm nay là sản lượng giảm và giá tăng. Nhu cầu ngày càng tăng trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp hạn chế đã và đang tạo ra thêm nhiều biến động về giá cả và sự bất ổn trong thị trường cà phê.
Giá tăng do nhu cầu cả trong và ngoài nước đều tăng cao, đặc biệt là tại các nước Đông Nam Á, trong khi đó điều kiện thời tiết bất lợi và gián đoạn chuỗi cung ứng góp phần khiến sản lượng giảm.
Tính đến ngày 19/8, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên khoảng 118.000 đồng/kg, cách không xa so với đỉnh giá khoảng 130.000 đồng/kg.
Ước tính đến ngày 19/8, tồn kho cà phê chỉ còn khoảng 3% trong tổng sản lượng khoảng 1,47 triệu tấn của niên vụ 2023 - 2024. Do đó, lượng hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm có thể giảm mạnh; đồng thời hàng tồn kho cà phê chuyển sang vụ mới gần như bằng 0.
Hiện tại, cả thị trường cà phê trong và ngoài nước đều rất nhạy cảm với các thay đổi trong sản lượng. Sản lượng cà phê niên vụ mới của Việt Nam nhiều khả năng sẽ vẫn giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi.
Không những vậy, các đơn vị xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện đang phải vật lộn với áp lực tài chính, thiếu hụt sản phẩm và chi phí vận chuyển cao hơn, khiến họ thận trọng hơn khi nhận đơn đặt hàng mới.
Bởi thực tế, những nguồn “nắm” cà phê hiện không tung ra thị trường hoặc cũng chỉ tung ít cộng thêm sớm nhất khoảng tháng 10 mới đến thời gian thu hoạch vụ 2024-2025 và rộ hàng cũng phải tháng 11, khiến phần lớn thương lái không có khả năng giao trả hàng cho doanh nghiệp. Từ đó kéo theo hiệu ứng “domino” là doanh nghiệp xuất khẩu không trả được đơn nếu ký hợp đồng dẫn đến mất hoặc đền cọc.
Nhiều doanh nghiệp cà phê báo lãi giảm
Theo báo cáo tài chính quý II/2024 của các doanh nghiệp cà phê niêm yết, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này cũng cho thấy có sự phân hoá mạnh. Bên cạnh những doanh nghiệp có lãi, không ít đơn vị được thống kê báo cáo lợi nhuận sau thuế giảm mạnh do chi phí đầu vào cao, thậm chí có doanh nghiệp lỗ nặng, thậm chí không có doanh thu.
Cà phê Gia Lai (Mã: FGL) thì đang ở tình trạng thua lỗ, cổ phiếu vào diện cảnh báo. Quý II, Cà phê Gia Lai ghi nhận 152 triệu đồng doanh thu. Chi phí tài chính tới 1,7 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 1,2 tỷ đồng, nên cả quý II, công ty lỗ sau thuế gần 2,9 tỷ đồng so với mức lỗ 3,6 tỷ đồng cùng kỳ.
Theo giải trình, công ty vẫn chưa thu được doanh thu bán cà phê nhân xô (mặt hàng tạo doanh thu chính) vì thời gian thu hoạch cà phê nhân xô của công ty bắt đầu từ tháng 10 - 12/2023.
6 tháng đầu năm, doanh thu của Cà phê Gia Lai đạt 175 triệu đồng. Trừ đi các chi phí hoạt động và chi phí tài chính, công ty tiếp tục thua lỗ sau thuế 5,2 tỷ đồng.
Hiện tại, cổ phiếu FGL vẫn đang vào diện cảnh báo do báo cáo tài chính bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên.
Cà phê Gia Lai cho biết những nội dung trong ý kiến ngoại trừ của kiểm toán đều liên quan đến công tác bàn giao tài sản và xử lý tài chính khi công ty thực hiện cổ phần hóa chưa được thống nhất với UBND tỉnh Gia Lai.
Mặc dù đã nhận được quyết định phê duyệt quyết toán tài chính cổ phần hóa, tuy nhiên công ty vẫn chưa nhận được biên bản bàn giao mốc đất, ranh giới và vẫn đang tiếp tục thực hiện và phối hợp với UBND tỉnh để hoàn tất công việc bàn giao tài sản, nhưng tiến độ hơi chậm. Cà phê Gia Lai cho biết sẽ khẩn trương hoàn tất công việc để công ty có cơ sở quản lý và ổn định tình hình kinh doanh.
Bi đát hơn có lẽ là CTCP Minh Khang Capital Trading Public (Mã: CTP), doanh nghiệp này tiếp tục không có doanh thu. Quý II vừa qua, Minh Khang Capital Trading Public không ghi nhận doanh thu, trong khi cùng kỳ ghi nhận 29 tỷ đồng. Công ty chỉ chịu chi phí quản lý doanh nghiệp 151 triệu đồng. Do vậy cả quý công ty lỗ sau thuế 151 triệu đồng.
Lũy kế cả hai quý đầu năm, Minh Khang Capital Trading Public chỉ ghi nhận 709 triệu đồng doanh thu và lỗ sau thuế 133 triệu đồng.
Thời gian gần đây, công ty này đối mặt với loạt lùm xùm. 8 đơn từ nhiệm của các thành viên trong HĐQT và Ban Kiểm soát đã lần lượt được công bố. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Thành cũng trong danh sách từ nhiệm. Nếu các đơn này được thông qua, HĐQT sẽ không còn ai.
Song song với động thái rút lui, một số ban lãnh đạo và cổ đông lớn Minh Khang Capital Trading Public cũng đã đồng loạt thông báo thoái vốn.
Chỉ có CTCP Cà phê Thắng Lợi (Mã: CFV) là một trong số ít doanh nghiệp có lãi khá lớn nhờ chi phí giá vốn rẻ. Quý II, Cà phê Thắng Lợi ghi nhận 99 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm một nửa so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp còn 25 tỷ đồng, gấp 3,5 lần quý II/2023 nhờ vào chi phí vốn rẻ hơn. Trừ chi phí hoạt động và lãi vay, công ty lãi sau thuế gần 19 tỷ đồng, gấp 19 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần đạt 264 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Nhờ giá vốn giảm mạnh hơn mức giảm của doanh thu, các chi phí hoạt động cũng được tiết giảm, công ty lãi sau thuế gần 29 tỷ đồng, tăng 8,6 lần so với cùng kỳ.
Vinacafe cũng là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh 6 tháng khá tích cực khi lợi nhuận hợp nhất đạt 15,1 tỷ đồng, bằng 408,1% so với cùng kỳ, góp phần bù đắp phần nào cho khoản lỗ lũy kế 1.090 tỷ đồng tính đến 31/12/2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất của Vinacafe là 1.341,70 tỷ đồng, bằng 126,2% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, doanh thu Công ty mẹ là 859,60 tỷ đồng, bằng 153% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận hợp nhất là 15,10 tỷ đồng, bằng 408,1% so với cùng kỳ; trong đó, Công ty mẹ đạt 3,6 tỷ đồng, bằng 144% so với cùng kỳ. Tổng nộp ngân sách nhà nước hợp nhất là 47,5 tỷ; đạt 150% so với cùng kỳ.
Dự kiến quý III, quý IV năm 2024 Vinacafe sẽ đẩy mạnh chiến lược quảng bá, giới thiệu bộ nhận diện các sản phẩm và nhãn hiệu mới.
Năm 2024, Tổng Công ty dự kiến kế hoạch tổng doanh thu đạt 1.410 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 6 tỷ đồng, đều thấp hơn năm 2023; và khắc phục các chỉ tiêu, kết quả kinh doanh còn yếu kém, thua lỗ từ các năm trước...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.