Thị trường khoa học công nghệ còn sơ khai, nhiều rào cản cần tháo gỡ

Chủ nhật, ngày 25/09/2022 09:17 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay, nhìn chung thị trường khoa học công nghệ (KHCN) ở nước ta vẫn còn đang ở dạng sơ khai, mới bước đầu hình thành và từng bước phát triển. Nguồn cung hàng hóa KHCN trong nước còn hạn chế.
Bình luận 0
Thị trường khoa học công nghệ còn sơ khai, nhiều rào cản cần tháo gỡ - Ảnh 1.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thị trường KHCN ở nước ta vẫn còn đang ở dạng sơ khai. Ảnh: Nhật Bắc

Thị trường khoa học công nghệ ở nước ta vẫn còn đang ở dạng sơ khai

Chiều 23.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập".

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Huỳnh Thành Đạt cho biết: Thị trường KHCN là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Từ năm 2011 tới nay, bộ máy quản lý nhà nước về thị trường KHCN được hình thành và từng bước được kiện toàn từ trung ương đến địa phương cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành.

Tuy vậy, nhìn chung thị trường KHCN ở nước ta vẫn còn đang ở dạng sơ khai, mới bước đầu hình thành và từng bước phát triển. Nguồn cung hàng hóa KHCN trong nước còn hạn chế.

Các tổ chức trung gian, môi giới và cơ sở hạ tầng của thị trường KHCN còn rời rạc, tự phát, chưa liên kết thành mạng lưới để hỗ trợ các dịch vụ trên thị trường.

Sự liên thông giữa thị trường KHCN trong nước với thị trường KHCN thế giới cũng như với các thị trường khác ở trong nước (đặc biệt là thị trường lao động và thị trường vốn) còn hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay ngày tăng cao.

Còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc cần tháo gỡ

Với thực trạng của thị trường KHCN như trên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, nhìn tổng thể, thị trường KHCN nước ta còn tồn tại nhiều rào cản, các vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể:

Một là, hành lang pháp lý cho sự vận hành của thị trường KHCN đã được hình thành. Tuy nhiên, còn thiếu và chưa đồng bộ với các pháp luật liên quan.

Chủ yếu là các quy định liên quan đến quyền tài sản và xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN; về định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; về phạm vi áp dụng kết quả; về phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa; về cơ chế thành lập doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các đơn vị sự nghiệp công lập...

Hai là, thị trường KHCN Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ từ các quốc gia đang phát triển, trình độ công nghệ ở mức trung bình thấp.

Nguồn cung công nghệ trong nước chiếm tỷ trọng thấp, nhiều kết quả nghiên cứu của viện, trường có địa chỉ ứng dụng nhưng chưa chuyển giao được...

Ba là, nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng cao, nhưng khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng. Năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp (DN) còn thấp; nhận thức về sự cần thiết phải liên tục đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế.

Bốn là, các tổ chức trung gian của thị trường KHCN chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ của tổ chức trung gian còn yếu. Chưa hình thành được mạng lưới các tổ chức trung gian trong nước, kết nối với thị trường khu vực và thế giới.

Đồng bộ hóa thị trường KHCN với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, trong đó, hoàn thiện thị trường KHCN là giải pháp trung tâm, có tính căn cơ lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bộ KHCN đề xuất một số giải pháp phát triển thị trường KHCN như: Phát triển mạng lưới tổ chức trung gian của thị trường KHCN; Phát triển nguồn cầu của thị trường KHCN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường KHCN; Liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KHCN với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính.

Đồng thời, xây dựng các chính sách để khuyến khích việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp phụ trợ trong nước.

Vương Trần (Theo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem