Đi xin việc bị dụ… học nghề
Từ tờ rơi mời chào “Tuyển nhân viên bán hàng tại siêu thị”, chúng tôi (PV Báo NTNN) đã liên hệ với “anh Giáp” theo số điện thoại 0941053… ghi trên tờ rơi. “Anh Giáp” hẹn chúng tôi đến địa chỉ 378 đường Láng (Hà Nội). Đến địa chỉ đã hẹn, gọi lại thì được “anh Giáp” hẹn qua địa chỉ 68 Yên Lãng (Đống Đa, Hà Nội) để bàn công việc.
Khi đến đây, một người đàn ông tên Kiên vồn vã mời chúng tôi ngồi và bảo: “Ở đây không có anh Giáp nào nhưng bên anh là chi nhánh của Tổng Công ty Thiên Minh Uy, cũng đang tuyển thuyết trình viên và công việc dưỡng sinh đông y để chăm sóc sức khỏe cho người trung tuổi”.
Lao động tự do, phổ thông rất dễ dính chiêu lừa "đặt cọc" chờ việc. Ảnh người lao động gánh hàng thuê ở chợ Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy
Thấy chúng tôi băn khoăn là không có trình độ, ông Kiên ân cần: “Công việc dưỡng sinh đông y không cần chuyên môn, chỉ cần học 1 tháng là kiếm được việc hơn chục triệu đồng một tháng, cộng với tiền “bo” của khách còn lớn hơn. Em chỉ cần nộp 1,2 triệu đồng học phí. Học xong quay về chỗ anh làm việc, bên anh sẽ chi trả toàn bộ học phí”. Với lý do không có tiền học phí, chúng tôi từ chối cơ hội có “tiền lương khủng”.
Tin vào lời mời chào “lương khủng”, anh Hoàng Văn Hùng (sinh năm 1992, quê Lộc Bình, Lộc Bình, Lạng Sơn) đã mất tiền phí. Trước đó, anh Hùng tìm thông tin trên mạng và thấy có tuyển dụng nhân viên bán xăng nên từ Thái Nguyên xuống Hà Nội để đăng ký. “Mình phải lên văn phòng ở tuyến đường Nguyễn Hoàng Tôn (Từ Liêm, Hà Nội) nộp hồ sơ. Sau khi nộp 500.000 đồng, nhân viên tại văn phòng này tiếp tục yêu cầu Hùng phải đóng thêm số tiền 10 triệu đồng” – anh Hùng kể lại.
Thấy anh “ớ người”, nhân viên tại văn phòng giải thích, phải đóng 10 triệu đồng để đặt cọc, vì người bán xăng cầm nhiều tiền. Nếu anh làm đủ 6 tháng thì sẽ được nhận lại số tiền trên. Quá bức xúc, anh Hùng nói không đóng và đòi lại 500.000 đồng nhưng không được nên đành ngậm ngùi trở về Thái Nguyên.
Tăng lừa đảo cuối năm
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong các phiên giao dịch việc làm diễn ra từ tháng 10 trở lại đây, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đã tăng lên rất nhiều, tập trung vào các ngành dịch vụ, thương mại (chiếm đến 80%).
Ông Vũ Quang Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm cho hay: “Cận Tết, các công việc thời vụ, phục vụ cho dịp tết có xu hướng tăng mạnh như bán hàng hội chợ, phát quà khuyến mại, tiếp thị, chăm sóc khách hàng… công việc nhiều nhưng rất hiếm lao động”.
Cũng theo ông Thanh, về thị trường lao động cuối năm, tình trạng lừa đảo việc làm cũng hoạt động mạnh hơn. “Rất nhiều trung tâm giới thiệu việc làm thường xuyên đăng tuyển các thông tin tuyển dụng với những vị trí hấp dẫn, lương cao như bảo vệ, trông xe, bán hàng, thu ngân siêu thị… Tuy nhiên khi đến đăng ký, người lao động lại bị yêu cầu đóng phí rồi giới thiệu lòng vòng mà cuối cùng không có việc.
“Lao động ngoại tỉnh lên Hà Nội tìm việc vào dịp tết rất đông, thế nhưng hầu như đều qua người quen giới thiệu hoặc tự tạo việc làm. Không có kiến thức, hiểu biết nên nhiều lao động bị lừa, bị chủ quỵt tiền, thậm chí bị bóc lột, đánh đập. Chính vì vậy, trước khi lên thành phố tìm việc, lao động nên tìm hiểu kỹ thông tin, tìm đến những trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, của cơ quan quản lý nhà nước để được tư vấn giới thiệu việc làm” – ông Thanh khuyến cáo.
Đừng “nộp tiền” chờ việc
Cận tết là thời điểm sôi động của thị trường lao động, đặc biệt là thị trường lao động dịch vụ ngắn hạn. Tuy nhiên, đây là cơ hội để những kẻ lừa đảo trục lợi.
Để tránh bị lừa, người lao động cần cảnh giác với những chiêu bài “nộp tiền chờ việc” hay công việc nhàn, thu nhập cao. Người lao động cần đến các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, khi đi làm phải có ký kết hợp đồng với chủ sử dụng, dù chỉ là 1-2 tháng.
Về lâu dài, cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài, biện pháp nâng cao cả chất lượng lẫn quy mô của trung tâm giới thiệu việc làm công, nhằm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho lao động di cư từ quê ra thành phố tìm việc làm vào dịp tết.
Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Cần có hỗ trợ lao động tự do
Dịp cuối năm được xem là cơ hội để “hái” tiền của lao động tự do. Thu nhập dịp cận tết của người lao động có thể từ 300.000-500.000 đồng/người/ngày. Công việc cho thu nhập cao, nên nhiều lao động rất ham việc. Không ít lao động vì không có thông tin nên đã bị lừa, khiến “tiền mất, tật mang.
Theo tôi thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách nhằm hỗ trợ lao động tự do tìm kiếm công việc an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Giám đốc Viện Sức khỏe ánh sáng (Light), điều phối viên Mạng lưới Lao động di cư
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.