Mong kiếm tiền về tiêu tết
Đang tuốt lá đào cho vườn đào nhà ông Tuấn ở chân cầu Nhật Tân (Hà Nội), chị Lê Thị Thắm (Hưng Yên) cho biết, năm nào cũng vậy, cứ cuối năm, xong việc đồng áng, vợ chồng chị lại lên Hà Nội làm thuê. Chồng nhận bốc vác, chạy xe ôm, còn chị thì ngồi ở vỉa hè đường Nhật Tân, ai thuê gì làm nấy.
Chị Lê Thị Thắm nhận hái lá đào thuê kiếm tiền tiêu tết. Ảnh: M.N
Mặc dù nhu cầu tuyển dụng cao, nhưng chế độ lương, đãi ngộ cho các lao động thường như nhau, không có gì đột biến. Thậm chí, nếu không cẩn trọng, người lao động có thể sa bẫy một số “công ty ma”, bị lừa đảo hoặc bị quỵt lương. Chính vì vậy, các lao động từ nông thôn lên Hà Nội tìm việc cần nghiên cứu kỹ, tốt nhất nên tìm nơi quen biết, có thông tin để đi làm”.
Ông Vũ Quang Thành
|
“Công việc tuốt lá đào khá đơn giản, không vất vả nhưng lương thấp hơn so với nghề bốc vác. Ông chủ bao ăn ở, còn trả 200.000 đồng/người/ngày. Cận tết đánh gốc đào, chở đào đi bán lương sẽ cao hơn, khoảng 300.000 đồng/ngày” - chị Thắm nói.
Chị Thắm cũng cho biết, chị thích làm công việc này hơn vì nó gần gũi với công việc đồng áng của chị ở quê. Năm trước, chị nhận đi dọn nhà, công việc vất vả, lương chẳng cao hơn là mấy mà luôn bị chủ nhà phàn nàn. Có lúc vợ chồng chị cũng nhận bốc vác, chuyển hàng, có lần làm đổ còn phải đền tiền cho khách. Cho nên, năm nay rút kinh nghiệm, chị chỉ nhận những công việc đơn giản.
“Hai vợ chồng làm từ giờ đến tết cố kiếm lấy hơn chục triệu về mua sắm, biếu ông bà nội ngoại, mỗi bên một ít. Năm nay vợ chồng mình chỉ làm tới khoảng 25-27 tết thì nghỉ, về quê” - chị Thắm chia sẻ.
Hiện nay, nhiều trung tâm giúp việc gia đình cũng đã lên thông báo tuyển dụng lao động làm thời vụ và lao động ở lại giúp việc vào dịp tết. Công ty giúp việc gia đình Vạn Phúc (Hoàng Mai, Hà Nội) đăng tuyển dụng lao động không giới hạn. Mức lương tùy thuộc vào từng công việc và vị trí, lao động làm toàn thời gian thường nhận lương từ 3,5-5 triệu đồng/tháng, lao động giúp việc theo giờ khoảng 50.000 đồng/giờ. Thậm chí, có những lao động chấp nhận ở lại làm việc vào đúng tết mức lương còn cao hơn, khoảng 600.000-800.000 đồng/người/ngày. Mặc dù lương cao nhưng không phải lúc nào cũng tuyển được người, nhiều lao động vẫn rất “chảnh”, cân đo đong đếm công việc. Có người nhận việc rồi đi làm 3-4 ngày lại bỏ vì không chịu được áp lực công việc.
Chị Nguyễn Yến Trang, quản lý của công ty Vạn Phúc, cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng đăng tuyển lao động từ trước tết cả 2-3 tháng, thế nhưng không tuyển đủ bởi nhu cầu khách hàng cần dọn nhà cuối năm rất lớn. Lao động làm thời vụ chủ yếu là sinh viên và người ở quê lên thành phố, nhiều khi tay nghề không có, công ty lại mất 2-3 ngày để đào tạo”.
“Cháy” lao động phổ thông
Những nghề phổ thông như: Tuốt lá đào, chở hàng, sửa nhà... đang hút lao động nông thôn lên thành phố kiếm việc tháng giáp tết. Ảnh: M.N
Mặc dù có khá đông lao động phổ thông như sinh viên, nông dân ở quê lên thành phố tìm việc làm vào dịp cuối năm nhưng nhiều đơn vị vẫn “than” không tuyển đủ lao động.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện Khoa học lao động (Bộ LĐTBXH), cận tết, nhiều ngành dịch vụ như: Bán hàng, vận tải, cung ứng hoa cây cảnh... thường tăng cao nên cần tuyển nhiều lao động thời vụ. Ngay từ bây giờ, nhiều đơn vị lớn đã tìm kiếm lao động để chủ động cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. “Đặc biệt, một số ngành cung ứng dịch vụ đang chạy nước rút vào dịp cuối năm như: Nhà hàng, vận tải, làm đẹp, dọn nhà... hay các ngành sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, sản xuất bánh kẹo cũng cần rất nhiều lao động. Tuy nhiên, đa phần các ngành này chỉ cần lao động thời vụ, phục vụ vào dịp tết” - bà Hương nói.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh, thị trường lao động tại thành phố 2 tháng cuối năm sẽ ổn định và phát triển. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp không có sự đột biến, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ có xu hướng tăng 15 đến 20% (khoảng 25.000 chỗ làm việc). Các ngành nghề thu hút nhiều lao động là: Kinh doanh – bán hàng, công nghệ thông tin, dệt may – giày da, du lịch, tư vấn – bảo hiểm, cơ khí, điện tử, điện - điện công nghiệp - điện lạnh, kinh doanh - bất động sản, xây dựng, nhà hàng...
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, so với thời điểm năm ngoái, năm nay tết đến sớm hơn, vì vậy nhu cầu tuyển dụng lao động cũng sớm hơn. Nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung chủ yếu ở các ngành thương mại dịch vụ như: Bán hàng, kinh doanh, vận chuyển… Các ngành này chiếm hơn 80% nhu cầu tuyển dụng.
“Qua các kênh tuyên truyền và các phiên giao dịch thường niên vào thứ 3 - 5 - 7 hàng tuần của trung tâm, chúng tôi vẫn tăng cường cập nhật thông tin tuyển dụng lao động thời vụ để hỗ trợ sinh viên, lao động phổ thông, lao động nông thôn từ các vùng lân cận lên Hà Nội tìm được việc làm vào dịp tết” - ông Thành nói.
Làm thời vụ cũng nên ký kết hợp đồng
Thông tin cập nhật từ Bản tin thị trường lao động quý III năm 2016 được công bố ngày 2.12 vừa qua cho thấy, kinh tế có sự tăng trưởng khá. Nhu cầu tuyển dụng vào những tháng cuối năm tiếp tục tăng cao, nhất là các lao động phổ thông, phục vụ cho các ngành thương mại điện tử, dịch vụ nhà hàng, vận tải, làm đẹp, dọn nhà... hay các ngành sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, sản xuất bánh kẹo. Đây là cơ hội lớn cho lao động phổ thông có cơ hội tìm kiếm việc làm. Theo tôi, lao động phổ thông từ nông thôn lên thành phố làm việc nên tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, đồng thời phải ký kết hợp đồng với chủ sử dụng, kể cả làm ngắn hạn để khi xảy ra tranh chấp còn được pháp luật bảo vệ.
Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Lao động xã hội (Bộ LĐTBXH)
Tuyển lao động với số lượng lớn
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu cung ứng các sản phẩm vào dịp cuối năm và đầu năm (2 đợt cung ứng sản phẩm lớn nhất trong năm), công ty chúng tôi đang cần tuyển khoảng 40.000 lao động ở tất cả các vị trí, nhiều nhất là lao động phổ thông làm ở các xưởng. Mức lương tùy thuộc từng vị trí, công nhân từ 5-7 triệu đồng người/tháng, với cán bộ kỹ thuật hoặc phiên dịch mức lương có thể từ 15-20 triệu đồng/tháng. Mặc dù công ty đã tham gia tuyển dụng ở nhiều kênh nhưng mới chỉ tuyển dụng được rất ít.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Cán bộ tuyển dụng
Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (Bắc Ninh)
Khi có tranh chấp không biết kêu ai
Thường cứ tới cuối năm tôi cùng vợ lại ra phố tìm việc làm kiếm tiền tiêu tết. Thấy mọi người đi thì mình cũng đi chứ cũng chẳng được ai tư vấn hay giới thiệu việc. Lên Hà Nội thì tụ tập ở vài điểm đông lao động tụ tập, ai thuê gì làm đó, lương lúc cao lúc thấp, thậm chí có ngày còn không có việc mà làm. Có lần tôi bị chủ ức hiếp, trả thiếu tiền công cũng đành chấp nhận chứ không biết kêu ai.
Lao động Nguyễn Văn Nam (Ba Vì, Hà Nội)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.